Tiếng kèn đồng bên dòng Hương giang

Hơn hai năm qua, hình ảnh quen thuộc của dàn nhạc kèn Huế đã tạo ra không gian vui tươi, nhộn nhịp cùng người yêu nhạc bên đầu cầu Trường Tiền ngày cuối tuần. Những bản hợp xướng từ cổ nhạc đến nhạc cung đình Huế trở nên mới lạ qua tiếng kèn tây.
0:00 / 0:00
0:00
Dàn nhạc kèn tây giữa lòng phố Huế.
Dàn nhạc kèn tây giữa lòng phố Huế.

Chiều cuối tuần, tiếng kèn lại vang

Kéo trong túi ra chiếc kèn saxophone mầu bạc, anh Phan Đức Hậu chỉnh lại các nút bấm cho chiếc kèn. Vốn là một nhạc công sáo trúc, khi tham gia cùng đội kèn, anh Hậu kiêm thêm vai trò thổi loại nhạc cụ phương Tây này. Từ việc điều khiển hơi, kỹ thuật của ngón tay đến cách biểu cảm theo giai điệu cho saxophone hoàn toàn khác với cây sáo truyền thống. Rất khác biệt là cảm nhận của anh Hậu trong những ngày đầu tập saxophone. Anh cho rằng, mỗi loại nhạc cụ có một nét hay, vai trò riêng cho sự thành công của đội nhạc. Do đó, điều cần nhất của người nhạc công là sự luyện tập hết mình. “Với tôi, mỗi ngày có thể thiếu vài thứ cũng được nhưng không thể thiếu đi âm nhạc. Nó gắn bó quá sâu trong bản thân rồi. Dù là cây sáo trúc nhỏ xíu hay cây saxophone to nặng này”, nhạc công Đức Hậu chia sẻ.

Hiện tại, công việc chính của anh Hậu là chơi nhã nhạc với nhạc cụ sáo trúc tại Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế. Từ ngày được nhạc sĩ Lê Quang Vũ (phụ trách đội kèn) ngỏ ý mời vào biểu diễn cùng đội, anh dành thời gian buổi chiều ngày cuối tuần ra nhà Kèn chơi nhạc phục vụ người dân và du khách. Niềm hạnh phúc thật sự trong âm nhạc của anh Hậu chính từ những giây phút bay bổng giữa không gian bên dòng sông Hương thơ mộng. “Ngày xưa khi mới biết đến kèn tây, tôi luôn nghĩ nó cần sự sang trọng, hoành tráng khi biểu diễn. Khi vào tìm hiểu sâu mới hiểu nó vẫn có nét giản dị, gần gũi đời thường như chính cây sáo trúc của tôi”, anh Hậu vui vẻ nói.

Mỗi tuần hai buổi, các thành viên dàn nhạc kèn Huế đều đặn tập lại các ca khúc. Có những bài nhạc đã được tập nhuần nhuyễn nhưng anh em nhạc công luôn nghiêm túc trong từng nốt nhạc. Mỗi thành viên làm một nghề khác nhau như có người đi chở gas dạo, có người lái xe ta-xi, người làm nghề du lịch, buôn bán… Họ có một điểm chung là sự say mê, dành trọn cảm xúc cho âm nhạc. Khi nhạc trưởng phất tay ra hiệu, 11 nhạc công hòa cùng một nhịp. Tất cả cùng cháy hết mình với nhạc cụ trên tay, điều khiển cột hơi chuyển thành tiết tấu nhanh chậm đan xen.

Một số ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhạc sĩ Lê Quang Vũ chuyển soạn như: Liên khúc “Biết đâu nguồn cội - Ở trọ”, “Cát bụi - Tình xa”, “Nắng thủy tinh”… Ngoài ra, với tiêu chí chọn những bài nhạc phổ biến, dễ cảm nhận, nhạc sĩ Quang Vũ trực tiếp biên soạn những ca khúc phương tây dựa trên phong cách nhạc cụ truyền thống của ta như sáo trúc. Hiện nay, đội kèn tây đang tập thêm các bài dân ca của Việt Nam.

Trong đội có nhiều thành viên trẻ bằng tuổi con của nhạc sĩ Quang Vũ nên mối liên hệ, gắn kết như trong một nhà. Theo ông Vũ, tình cảm thầy trò, anh em là quan trọng nhất. “Mỗi người có một khả năng âm nhạc riêng. Đến với đội nhạc, anh em cùng sinh hoạt, hỗ trợ nhau trong việc biểu diễn dựa trên tinh thần nghệ thuật là chính. Mỗi tuần, một bạn sẽ đăng ký độc diễn ca khúc bằng loại nhạc cụ của mình. Đó là cơ hội cho anh em giao lưu với khán giả. Gần đây, có nhiều em học sinh muốn xin vào đội học chơi nhạc, tôi đều đón nhận các em. Đào tạo thêm lớp trẻ là định hướng lâu dài cho đội kèn tây”, nhạc sĩ Quang Vũ nói.

Dàn nhạc kèn Huế đã xây dựng phương án, mô hình tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp hàng tuần tại nhà Kèn (trước Trường đại học Sư phạm Huế). Những lần được mời đi biểu diễn, đội thường chơi nhạc ở nhà lục giác công viên đường Trịnh Công Sơn và một số địa điểm trên đường đi bộ như Công viên Tứ tượng, Công viên Quốc Học, Công viên Thương Bạc… Ngoài ra, hình ảnh quen thuộc của đội kèn tây thường xuất hiện trong những lễ hội và các kỳ Festival Huế.

Tất cả hòa cùng đam mê

Gần đến giờ trình diễn, sửa soạn lại danh sách các bài nhạc, anh Nguyễn Duy Trung-nhạc công Trombone cho biết, mỗi lần đội kèn biểu diễn sẽ có sự thay đổi các bài nhạc. Mỗi buổi sẽ có 12 bài được đội sử dụng. Những ca khúc cũ lần lượt được thay thế, điều đó nhằm tránh sự trùng lặp, tạo sự thu hút người nghe. Các bài nhạc sẽ do nhạc sĩ Lê Quang Vũ chọn lọc, quyết định. Sự thống nhất thứ tự từng ca khúc được anh em trong đội bàn bạc, sắp xếp kỹ lưỡng. “Mỗi anh em làm một việc khác nhau, đến khi thống nhất khung giờ cả đội đều rảnh sẽ cùng nhau tập luyện. Ai cũng chung một đam mê nên đều cố gắng sắp xếp lịch thuận tiện nhất. Để đội kèn đi được bền và xa thì anh em đều hiểu cần nhất là sự đồng lòng, đoàn kết, giúp đỡ từ trên xuống dưới”, anh Trung cho hay.

Nghệ sĩ chỉ huy Nguyễn Hoàng Như Ý - nhạc trưởng của đội kèn chính là người mang linh hồn cho toàn đội. Khoác một bộ vest mầu đen sang trọng, đeo chiếc nơ ở cổ, mái tóc bồng bềnh, nhạc trưởng Như Ý luôn đến rất sớm trước mỗi buổi diễn. Từng ý tứ, nội dung của bài, cách thức vào ra từng nhạc cụ được anh sắp xếp chi tiết.

Đúng 17 giờ chiều, mọi ánh nhìn đều hướng về phía nhà Kèn. Tiếng nhạc đồng thanh cất lên. Có những đoạn nhạc đang theo tiết tấu chậm, tự do, lắng đọng, chỉ qua một cú phất tay của nhạc trưởng Như Ý, không gian như bừng lên. Càng về chiều, không khí trước sân nhà Kèn thêm náo nhiệt khi vài vị khách trung niên bắt nhịp nhảy theo giai điệu. Họ là du khách từ nơi khác đến Huế, mang sẵn niềm yêu thích âm nhạc đường phố, tất cả cùng giao lưu, tương tác bằng sợi dây âm nhạc.

Ông Nguyễn Thế Hùng, du khách từ Vũng Tàu hào hứng nhún nhảy: “Phải công nhận đời sống văn hóa, tinh thần ở Huế quá tuyệt vời. Đặc biệt là sự trình diễn của đội kèn tây càng tạo ra không khí vui vẻ cho người dân và du khách chúng tôi. Sự kết hợp của anh nhạc công sáo trúc với cả dàn kèn tây phía sau, theo tôi đó là một sự sáng tạo rất chuyên nghiệp, ý nghĩa”.

Mối gắn kết giữa người dân với từng nhạc công rất gần gũi. Được mời một chai nước suối sau khi trình diễn xong ca khúc hay cái bắt tay, vỗ vai nhiệt tình từ người dân là những giây phút, kỷ niệm đẹp mà đội kèn thường xuyên nhận được. Là hoạt động nghệ thuật hướng đến cộng đồng, dàn nhạc kèn Huế xác định mục tiêu toàn dân ai cũng được thưởng thức âm nhạc và đều có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhạc cụ. Sắp tới, lịch trình biểu diễn mỗi tháng của dàn nhạc sẽ gồm ba buổi ở nhà Kèn và một buổi đi về từng huyện trên địa bàn Huế. Trong chương trình Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9 - 2023 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, các thành viên đội kèn cùng tham gia biểu diễn với hình thức vừa đi bộ, vừa chơi nhạc, đi qua các tuyến phố và cầu Trường Tiền.

Là tâm huyết của ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc khôi phục dàn kèn tây ở Huế, thời gian qua, tiếng kèn đồng vang vọng dịp cuối tuần giữa đất cố đô đã đem lại đời sống nghệ thuật gần gũi, thú vị cho người dân. Dàn nhạc kèn Huế với những nghệ sĩ trẻ cống hiến hết mình với đam mê, đặc biệt hơn khi kèn tây đã và đang tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe. Hiện tại, đội nhạc đang mở rộng việc kết nạp thành viên mới; duy trì và phát triển trên cơ sở xã hội hóa hoạt động trong tương lai.