Tiếng hát từ vực trắng

Mới nhất, tập thơ “Vực trắng” (NXB Hội Nhà văn, quý II/2024) của nhà thơ Lữ Mai, tôi nhận trong chuyến công tác dài ngày ở miền Tây Bắc. Mang theo cuốn sách với cảm thức đọc trong những lúc rảnh rỗi một mình.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếng hát từ vực trắng

Vô tình mà cùng tác phẩm của Lữ Mai chạy ngược lại những cung đường, sắc hoa, mắt người, tiếng khèn và bóng núi nơi Mai đã ghé qua… Tập thơ đẹp về hình thức lẫn nội dung với những lớp nghĩa được dung hòa giữa cảm nhận và chiêm nghiệm của một tâm hồn trong trẻo. Nói khác đi là một Lữ Mai biết tiết chế được chính mình, tiết chế được cảm xúc để đứng tách biệt với tác phẩm, cho tác phẩm tự lan tỏa.

Tập thơ được chia thành 6 chương đoạn với “Từ núi”, “Đi lạc”, “Nói bằng gai sắc...”, “Trở về chạng vạng…”, “Gửi Huế” và “Cánh tàn bừng giấc”. Tập thơ đi qua 6 chương đoạn này, cũng trùng khớp với hành trình xúc cảm của tác giả đi từ bắc vào nam trên hành trình đất Việt!

“Còn sót nhánh hoa vàng mảnh dẻ/Tặng người câm lặng một môi hôn/Ý nghĩ trổ vết gì không rõ” (Vết), “Người hãy thức cùng ta đêm này/xứ lạ còi tàu thúc gáy/rồi như tất thảy về đây/nhìn ta một kẻ quyên say/làm sao biết đền đài thiêng mãi…” (Đêm Bảo Yên). “Trước trà/thấy mình lạ/mỏm núi tím kia nhô ra một cái cây/buồn mà không sao chết nổi” (Trà sớm), “Mưa trút xả thấu lòng người lạ/làm sao giữ nỗi dấu chân mình/đành tự trổ lên mình thêm thương tích/đành tự hòa rượu đắng ngót mười năm (Sài Gòn)… Và người đọc hình dung gương mặt nhà thơ trong trẻo hiện lên, bất chấp thời gian, khoảng cách.

Lữ Mai sử dụng thể thơ tự do, câu chữ xuống dòng cắt cúp tự nhiên. Không có một sự ràng buộc nào ở những câu thơ, tứ thơ. Như cách tác giả tự do thể hiện cảm nhận của mình với nhiều rung cảm trước cái đẹp, nỗi cô đơn hay một khoảng không vô tận dưới đáy tách trà. Uống một ngụm thấy vị đắng và cảm nhận được hương thơm của trà được chưng cất qua nhiều công đoạn. Là tuyết lạnh, sương trong, những bước chân trên mọi núi đồi… nhưng hậu vị lại là ngọt thanh và tan ra, hòa quyện. Thưởng trà cũng giống như lao động nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật. Hành trình ấy, khó nhọc và người viết đã vượt qua biên ải của chính mình. “Ngày mai điểm trang/mây trắng phủ ngang trời Bạch Mã/nụ hôn nghìn năm vẫn lạ/ánh lên phơi phới tháp ngà (Thủ thỉ), “Trăng đã run lên/bậc thềm trong trẻo/sấp ngửa bàn tay ngưng thở/cỏ nghẹn giấc mơ” (Miền xa)…

Thấy gì từ “Vực trắng” khi những câu thơ của Lữ Mai tách mình ra khỏi trang giấy và chứng minh cho nỗi buồn tự đáy: “Cây nói bằng im lặng/người nói bằng niềm riêng/lau tím phất cờ/vực trắng” (Vực trắng).

Thấy dáng hình Mai đang lặng bước trên phía đường ngược nắng với nụ cười ẩn hiện sau mưa núi, sau trăng, sau những tiếng nén mình cô độc nhất.