Thương vụ giải cứu Credit Suisse gây tranh cãi

Quốc hội Thụy Sĩ đã tổ chức phiên họp bất thường tranh luận gay gắt về vụ sụp đổ của Credit Suisse, cũng như sự thất bại của các quy định nhằm ngăn chặn một ngân hàng lớn như vậy rơi vào bất ổn.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Credit Suisse sụp đổ gây cú sốc lớn tại Thụy Sĩ. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngân hàng Credit Suisse sụp đổ gây cú sốc lớn tại Thụy Sĩ. Ảnh: GETTY IMAGES

Quốc hội họp bất thường

Tại phiên họp bất thường ngày 11/4, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset đã bảo vệ thương vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng UBS và Credit Suisse, khẳng định vụ phá sản của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ sẽ tạo ra một thảm họa tài chính cũng như danh tiếng của đất nước. Tuy nhiên, các nghị sĩ đã chỉ trích việc Chính phủ Tổng thống Berset đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận hôm 19/3 bỏ qua vai trò của Quốc hội.

Mặc dù vậy, bất chấp những chỉ trích này, Thượng viện Thụy Sĩ đã bỏ phiếu phê duyệt hồi tố khoản bảo lãnh tài chính trị giá 109 tỷ francs Thụy Sĩ (120,5 tỷ USD) của chính phủ, với 29/46 thành viên Hội đồng nhà nước (Thượng viện) thông qua biện pháp trên. Trong khi đó, phiên tranh luận tại Hạ viện diễn ra sau đó rất căng thẳng, kéo dài trong nhiều giờ và kết thúc vào lúc gần nửa đêm 11/4, với tỷ lệ 102 phiếu chống và 71 phiếu thuận. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này hầu như chỉ mang tính biểu tượng, do các khoản bảo đảm đã được chính phủ chi trả và không thể ngăn cản.

Từng là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ, Credit Suisse đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong hai năm gần đây và ngân hàng này được coi là một mắt xích yếu trong lĩnh vực ngân hàng do hàng loạt bê bối và chương trình tái cấu trúc lớn được công bố hồi tháng 10/2022. Do gánh nặng của chi phí tái cấu trúc, vào đầu tháng 2 vừa qua, Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) trong năm 2022. Khoản lỗ kỷ lục này đã xóa sạch lợi nhuận của thập kỷ trước và khiến ngân hàng thất bại trong việc thuyết phục các nhà đầu tư hoặc ngăn chặn dòng tiền khách hàng rút ra.

Liên quan việc UBS tiếp quản Credit Suisse, các giám đốc của UBS trấn an các cổ đông rằng việc ngân hàng Thụy Sĩ này tiếp quản Credit Suisse là “nhiệm vụ phi thường” đầy rủi ro, nhưng vẫn là quyết định đúng đắn. Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết, việc UBS mua lại Credit Suisse là hành động khẩn cấp giúp mang lại sự ổn định tổng thể. Với quy mô sau khi hoàn tất việc thâu tóm Credit Suisse, UBS sẽ trở thành một ngân hàng khổng lồ, với 5.000 tỷ USD tài sản được đầu tư.

Ngăn chặn kịch bản sụp đổ kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter khẳng định, Chính phủ Thụy Sĩ đã làm hết sức có thể để giảm thiểu tối đa tác động từ vụ sụp đổ của Credit Suisse đến nền kinh tế và người dân. Nền kinh tế Thụy Sĩ có thể sẽ sụp đổ nếu ngân hàng Credit Suisse phá sản và thương vụ sáp nhập với ngân hàng UBS đã giúp ngăn chặn kịch bản nguy hiểm đó.

Trả lời phỏng vấn tờ Le Temps, Bộ trưởng Keller-Sutter cho biết, ngay khi nhận thấy khả năng phá sản của ngân hàng này, chính phủ đã điều phối thương vụ sáp nhập với UBS ngay trước khi thị trường mở lại. Ngoài ra, 120 tỷ USD cũng đã được huy động từ các khoản bảo đảm của chính phủ cùng sự hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ để giải cứu Credit Suisse.

Bà Keller-Sutter nhấn mạnh, nếu không có sự can thiệp kiên quyết của giới chức tài chính, Credit Suisse đã phá sản vào ngày 20/3 và kéo theo sự sụp đổ của kinh tế Thụy Sĩ. Bà cho biết, ưu tiên của Chính phủ Thụy Sĩ hiện nay là hoàn tất việc sáp nhập và còn quá sớm để thảo luận về cấu trúc tương lai của UBS, vốn được đánh giá có thể trở thành một siêu ngân hàng.

Dù còn nhiều quan ngại liên quan thương vụ giải cứu Credit Suisse, việc Chính phủ Thụy Sĩ điều phối thương vụ sáp nhập ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ với UBS đã mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết yên tâm với mức tín nhiệm cao nhất dành cho nợ công của Thụy Sĩ. Moody’s đánh giá triển vọng ổn định của mức xếp hạng AAA của Thụy Sĩ phản ánh các nền tảng kinh tế của nước này rất mạnh, không gian tài chính rộng và các thể chế rất hiệu quả cho phép nước này quản lý tốt các cú sốc như cú sốc đang ảnh hưởng tới các hệ thống ngân hàng toàn cầu hiện nay.