Thuế tối thiểu toàn cầu và lực hút FDI

Trước khi khép lại kỳ họp thứ 6 tuần qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề xuất, bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Theo quyết toán thuế năm 2022, Viettel, một trong sáu doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, sẽ đóng thuế bổ sung về Việt Nam. Ảnh: Trần Đức Thọ
Theo quyết toán thuế năm 2022, Viettel, một trong sáu doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, sẽ đóng thuế bổ sung về Việt Nam. Ảnh: Trần Đức Thọ

Việc không thể không làm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong phát biểu bế mạc kỳ họp, đã nhận định, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 có tính cấp thiết nhằm vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, tại Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong thời gian tới.

Cụ thể, Việt Nam sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp (cho đến bằng mức 15%).

Việt Nam hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia với 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên (thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu).

Theo tính toán sơ bộ của Tổng cục Thuế (trên cơ sở số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022), có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, nếu loại thuế này được áp dụng từ năm 2024. Cả nước có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký hơn 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao (như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...). Tuy chỉ chiếm khoảng 1% về số dự án, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ đóng thêm thuế bổ sung về Việt Nam trong trường hợp quốc gia sở tại mà họ đầu tư không áp dụng thuế này. Theo số liệu quyết toán thuế năm 2022, có sáu tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng (gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát). Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng.

Nguy và cơ

Trong khi chưa chắc là các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ nộp thuế về nước (họ chỉ nộp về khi các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu), thì điều khá chắc chắn là việc tăng thuế lên 15% sẽ khiến các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam thuộc diện được hưởng mức thuế ưu đãi… không vui.

Do đều là các doanh nghiệp lớn, dự án "khủng", nên nếu dòng chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp này xảy ra do việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tác động tiêu cực đến nền kinh tế là khó tránh, rõ rệt nhất là tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, trong tương lai, biện pháp thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế của Việt Nam cũng đã mất tác dụng. Để tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam buộc phải có biện pháp khác. Cũng cần nói ngay rằng việc hỗ trợ đầu tư phải phù hợp với các quy tắc của OECD, không được phép "ngụy trang" bằng cách một mặt tăng thuế, mặt khác, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Biện pháp hỗ trợ đầu tư nào được đồng thuận và biện pháp nào không được còn phải chờ tham vấn, thương lượng và đó là một quá trình dài, cần có sự phối hợp; thậm chí đòi hỏi sự khéo léo và kỹ năng đàm phán của nhiều bên.

Nhưng đó cũng không hoàn toàn là bất lợi. Các biện pháp hỗ trợ đầu tư có thể được chấp nhận bao gồm đào tạo nhân công, xây nhà ở cho người lao động, xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước, thông tin viễn thông… Cũng là hỗ trợ, nhưng chi dùng như thế nào là do cơ quan quản lý nhà nước phía ta quyết định, không phải tiền (giảm thuế) về thẳng túi nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư mới buộc phải bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Nếu các doanh nghiệp trong nước đáp ứng các điều kiện được hỗ trợ thì họ cũng được hưởng như FDI.

Giữ chân các doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam bằng những ưu đãi bổ sung cụ thể nào; đồng thời tạo ra khung khổ chính sách nào để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư mới là vấn đề còn tiếp tục phải nghiên cứu và thể chế hóa trong thời gian tới.

Tin tốt là, như Báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã chỉ ra, yếu tố ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đứng gần cuối danh sách những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài. Cũng theo báo cáo này, khó khăn về thủ tục hành chính mới là cản trở lớn nhất (chiếm 70%) mà Việt Nam cần phải gỡ bỏ nếu muốn mời gọi nhà đầu tư. Cùng với đó, cải thiện thủ tục visa và giấy phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; nâng cấp cơ sở hạ tầng; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; định hướng tăng trưởng xanh; dẹp bỏ tệ tham nhũng vặt… là những yếu tố được doanh nghiệp quan tâm hơn nhiều so với ưu đãi thuế.