Thúc đẩy hợp tác đa phương trong lĩnh vực nhân văn số

Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề “Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số”, diễn ra vào ngày 17-18/10 vừa qua tại Hà Nội, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề học thuật và thực tiễn, cũng như thúc đẩy hợp tác đa phương trong lĩnh vực còn mới mẻ này.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia phiên toàn thể tại diễn đàn.
Các đại biểu tham gia phiên toàn thể tại diễn đàn.

Lĩnh vực nghiên cứu mới

Diễn đàn do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, đồng tổ chức. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhân văn số là một lĩnh vực nghiên cứu còn “khá trẻ”. Việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các thành tựu khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, dữ liệu lớn… đang phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhân văn số là khái niệm đã manh nha xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ 20, nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi số với sự hiện diện đáng kể của ngày càng nhiều các công nghệ hiện đại, khoa học xã hội và nhân văn có nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của mình, đặc biệt trong việc giúp kết nối các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hóa và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai. Nhân văn số không chỉ đơn thuần là việc sử dụng công nghệ, mà còn là bảo đảm rằng con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động.

Các học giả có mặt tại diễn đàn đã đóng góp nhiều tham luận, trong đó chỉ ra những giá trị nổi bật của nhân văn số, chẳng hạn như vai trò quan trọng trong công tác quản lý và gìn giữ tư liệu, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, di sản, ngôn ngữ, phát huy giá trị các nền văn minh xã hội và xa hơn nữa là khả năng bồi dưỡng tiềm năng con người; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai. Ngoài ra, áp dụng nhân văn số có nhiều lợi ích như hỗ trợ quảng bá văn hóa, khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học trên không gian số.

Theo ông Manuel Jobert, Giám đốc 2IF, dù đem lại nhiều lợi ích song nhân văn số cũng đang đối mặt nhiều thách thức và hạn chế trong lĩnh vực này, như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi, vấn đề đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu, việc duy trì bảo tồn các nguồn lực và dự án, vấn đề thay đổi tư duy nhận thức… Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) đặt ra những câu hỏi cần sự giải đáp của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhằm bảo đảm tiến bộ khoa học đi cùng tính nhân bản. “Để có thể tận dụng tốt nhất những tiến bộ công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, chúng ta cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học xã hội và nhân văn với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ”, ông Jobert khẳng định.

Thúc đẩy hợp tác đa phương trong lĩnh vực nhân văn số ảnh 1

Ông Manuel Jobert phát biểu ý kiến tại diễn đàn.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế

Đã trải qua 5 năm tổ chức, Franconomics đã trở thành một trong những diễn đàn quốc tế nổi bật, là “địa chỉ đỏ” ghi nhận sự tham gia và kết nối giữa các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nhân, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách. Trong đó cùng bàn thảo về những vấn đề học thuật cũng như chủ đề mang tính thời sự nóng. Hàng trăm nhà khoa học, doanh nhân quốc tế đã tham gia không gian đối thoại đa ngành về lý luận và thực tiễn, đồng thời còn là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các trường đại học, các tổ chức trong các quốc gia Cộng đồng Pháp ngữ.

Thông qua các chủ đề kinh tế - xã hội nổi bật mà Việt Nam và thế giới quan tâm, Franconomics đã bước đầu kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Qua các năm, mối quan tâm của diễn đàn luôn được cập nhật và thu hút hàng nghìn lượt đóng góp tham luận, các nghiên cứu giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, xoay quanh những chủ đề như công nghệ số cho sự phát triển kinh tế - xã hội; khởi nghiệp thông minh; những thách thức của chuyển đổi số với việc tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu hay kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ… Nhờ vậy, Franconomics bước đầu đã kết nối, mở rộng không gian trao đổi cũng như thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác đa phương nói chung.

Trong khuôn khổ Franconomics-2023, Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người” diễn ra ngày 18/10, đã công bố các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn về quá trình chuyển đổi số của nhiều lĩnh vực trong thời đại 4.0, đặc biệt về vấn đề an ninh con người.

Năm nay, Diễn đàn quốc tế Franconomics 2023 lấy chủ đề “Nhân văn số” không chỉ giới thiệu lĩnh vực này tới công chúng, mà đã nhìn nhận sâu hơn những khía cạnh khác của nhân văn số. Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Hải, việc tích hợp kiến thức số vào hệ thống giáo dục thể hiện trách nhiệm trong việc đào tạo và truyền đạt tri thức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trang bị cho các cá nhân những kỹ năng cần thiết để định hướng trong các lĩnh vực kỹ thuật số một cách có trách nhiệm và có đạo đức. Thông qua đó, thế hệ tiếp theo trở thành những công dân số có trách nhiệm, hiểu được tầm quan trọng của sự đồng cảm, tôn trọng và hòa nhập trong không gian số.

Ông Edgar Doerig, Trưởng đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đánh giá cao hoạt động hợp tác nghiên cứu tại diễn đàn, đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới trong khoa học xã hội và nhân văn là “một lĩnh vực đang bùng nổ”. Cho dù trong lịch sử, nghệ thuật, xã hội học, văn học, ngôn ngữ học, địa lý hay khoa học giáo dục, đều đứng trước yêu cầu tích hợp công nghệ. Trong đó việc sử dụng AI, chuỗi khối và dữ liệu lớn kết hợp với toán học, thống kê và các phương pháp định lượng khác để tinh chỉnh phân tích và nghiên cứu trong khoa học xã hội, đã không còn xa lạ.

Diễn đàn chính gồm phiên toàn thể và ba không gian thảo luận, song song với hàng loạt nghiên cứu có giá trị, trong đó có nhiều nghiên cứu hợp tác giữa nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài. Ngoài ra, các nhà khoa học, đại biểu tham gia diễn đàn đã có chuyến đi tham quan thực địa về quy trình lưu trữ, bảo tồn và số hóa tại Hoàng thành Thăng Long, qua đó mang lại những góc nhìn đa dạng về bối cảnh số hóa ở Việt Nam.