Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh:

"Thời khắc Việt" đã đến!

Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh đã có cuộc trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, về một cuộc vận động đặc biệt mà bà cùng với Quỹ Hòa bình và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đang theo đuổi: Kết nối người Việt trong và ngoài nước cùng nhận thức về căn tính Việt, gắn với việc xác định và xây dựng Thương hiệu cho đất nước Việt Nam và cộng đồng người Việt. Tên gọi của chương trình cũng là thông điệp chính mà bà và cộng đồng nhân sĩ trí thức muốn gửi gắm: Đã đến "Thời khắc Việt".
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh
Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh

- Thưa bà, vì sao bây giờ lại là "thời khắc Việt"?

Chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày lập lại hòa bình thống nhất đất nước. Một nửa thế kỷ qua, Việt Nam chúng ta thay đổi như thế nào cả ở nội tại và trong mắt bạn bè quốc tế? Những ước vọng ngày trước của chúng ta đối với đất nước đã đạt được những thành tựu gì? Điều này đòi hỏi cộng đồng người Việt cả trong và ngoài nước, khối công và tư, các thành phần xã hội khác nhau, cùng đồng tâm động não để nhằm định hình những kim chỉ nam, những khát vọng của dân tộc Việt trên các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh thuật ngữ "Thương hiệu Quốc gia" bắt nguồn từ tiếng Anh "nation brand" trong đó "brand" thường gắn với doanh nghiệp và sản phẩm thương mại và do đó dễ liên tưởng đến Thuật ngữ tiếng Pháp phù hợp hơn: "image de marque nationale" (hình ảnh tiêu biểu/đặc trưng mang tính tổng hợp của đất nước).

- Được biết, bà và các cộng sự đã phỏng vấn sâu được gần 80 nhân sĩ trí thức nhiều thành phần cho cuộc khảo sát về Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt. Có xuất hiện những ý kiến đa dạng, đáng quan tâm không, thưa bà?

Có chứ. Tôi cho rằng đây là một cuộc trò chuyện vẫn luôn tiếp diễn, do đó tên chương trình mà chúng tôi đang thực hiện là "forum - diễn đàn" chứ không phải hội nghị để đưa ra kết luận. Chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè trong và ngoài nước, nhưng cũng có nhiều phân vân, hoài nghi nhất định. Và chính những ý kiến đa chiều này lại làm nên sự thú vị của tầm nhìn cũng như bức tranh tổng thể mà mọi người đang chung tay xây dựng.

- Bà có thể tiết lộ một số kết quả sơ bộ của các cuộc phỏng vấn sâu này không?

Có đến ba cấu phần của cuộc phỏng vấn định tính và định lượng được thực hiện hết sức bài bản này ở nhóm các doanh nhân hàng đầu, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, báo chí và có sự tham gia của giới trẻ trong và ngoài nước. Đầu tiên là việc tìm kiếm một chỉ dấu của thương hiệu đất nước. Chỉ dấu này được dựng trên trụ cột là các đặc điểm căn tính/bản sắc của người Việt. Và chúng tôi cũng đang trong quá trình xây dựng "bản đồ nhân tài Việt" trong và ngoài nước theo hình thức atlas để mọi người có thể đề cử và theo dõi. Điều rất thú vị là có người đề xuất Việt Nam là "vườn ươm" cho thế giới (Chủ tịch Nvidia thăm Việt Nam khẳng định muốn Việt Nam thành "ngôi nhà thứ nhì của Nvidia" là thí dụ mới nhất), nhiều ý kiến lại mong muốn chúng ta là một "hub" - điểm hội tụ, trung chuyển của những câu chuyện toàn cầu. Người Việt hiếu học và sáng tạo là những điểm có ý kiến đa chiều. Tôi thích một suy nghĩ là "người Việt có thiên hướng kiến tạo hòa bình cho bản thân mình và thế giới bên ngoài", vì khi đặt tương quan các quốc gia khác trên thế giới thì chúng ta là những người biết làm hòa, làm lành, bỏ qua để hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đây có lẽ là một vốn quý cần đề cao và phát huy.

"Thời khắc Việt" đã đến! ảnh 1
Những cuộc trò chuyện vẫn luôn tiếp diễn.

- Chúng ta có thể khai thác điều này như thế nào, thưa bà?

Tại diễn đàn Thời khắc Việt tới đây vào tháng 5/2024, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các hoạt động đa dạng - minh họa sống động cho "Câu chuyện Việt Nam" thể hiện những điều mới mẻ và sức hút của con người và đất nước chúng ta. Đây cũng là điểm đặc biệt để mọi người có thể đến và mở lòng chia sẻ với nhau và với thế giới.

- Thương hiệu đất nước, phải chăng đây là một điều ấp ủ từ lâu của bà?

Tôi cho là có những hạt giống suy nghĩ được gieo xuống từ xa xưa, từ những ngày tôi còn tham gia các phong trào phản chiến ở Pháp, cho đến những trăn trở của một cô gái Huế ở Paris khi nghe tin Bác Hồ mất, đến thắp một nén hương ở bàn thờ tại Pháp và quyết định được lý tưởng cuộc đời mình. Lý tưởng đó, là làm sao có thể đóng góp được cho sự phát triển, hạnh phúc và công bằng của "người mình - là đồng bào Việt Nam". Mấy mươi năm làm ngoại giao, làm Quốc hội, tôi càng thấy hình ảnh đất nước mình cần được đầu tư một cách đầy đủ và nghiêm túc hơn, không chỉ để hướng ra bên ngoài mà còn để hướng về bên trong mỗi người Việt nữa.

- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm "hướng về bên trong" của thương hiệu Việt Nam?

Tôi chú ý một xu thế đang càng ngày càng rõ nét. Các nhà khoa học, các nghệ sĩ, các doanh nhân… người Việt bắt đầu "đi đi về về" giữa Việt Nam và các quốc gia khác một cách đều đặn, liên tục. Cái ranh giới giữa "Việt kiều" và người trong nước đang lu mờ dần đi khi sự giao thoa quốc tế ngày một mạnh mẽ hơn. Tôi lại nhận diện được một làn sóng những tài năng Việt đang bắt đầu tỏa sáng trên thế giới ngay từ trong cái nôi đào tạo nội địa chứ không chờ đến phải du học nước ngoài mới thành tài. Điều này rất quan trọng khi chúng ta có thể tự hào về các giá trị nội sinh của mình, của một "nội lực" đã bắt đầu lộ diện. Mới đây nhất có cháu Đầu Khương Duy lớn lên và sống ở Hà Nội lại đoạt giải vô địch cờ vua thế giới lứa tuổi 12.

- Bà mong muốn những người tham dự diễn đàn "Thời khắc Việt" sẽ mang về điều gì?

Một vài suy tư cho bản thân mình và thế giới chung quanh mình. Vì là diễn đàn đa diện, đa thành phần, đa sắc mầu, quanh ba chủ đề liên hoàn là: Văn hóa - Kết nối - Sáng tạo, có không gian cho giới trẻ, có chỗ để trình bày các ý tưởng, có nơi để mọi người trao đổi và tương tác với nhau về câu chuyện thương hiệu quốc gia Việt Nam, căn tính Việt, lại có kết nối với không gian mạng để tăng các kết nối với nhau. Tôi tin là ai cũng tìm được một điều gì đó, để tiếp tục ngẫm nghĩ và hành động vì một cộng đồng Việt tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tại buổi thảo luận nhóm về Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Căn tính Việt, ông Võ Quang Huệ - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinfast, nguyên Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam - đã nhấn mạnh rằng, Thương hiệu quốc gia cần nêu bật những giá trị cốt lõi Việt Nam cần hướng tới, chẳng hạn như chữ tín/sự đáng tin cậy.