Cuộc đua sát nút
Kết quả kiểm 99,9% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/5 cho thấy, Liên minh Nhân dân do đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan dẫn đầu, có thể giành 321 ghế trong Quốc hội khóa mới. Trong đó, AKP được 266 ghế, đảng Phong trào quốc gia nhận 50 ghế và đảng Thịnh vượng 5 ghế.
Với kết quả sơ bộ nêu trên, liên minh của Tổng thống Erdogan giành lợi thế khi có hơn 50% số ghế trong Quốc hội gồm 600 ghế, song không đạt vị thế đa số vượt trội. Liên minh đối lập dự kiến có 213 ghế, gồm 169 ghế của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) và 44 ghế của đảng Tốt đẹp.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan về nhất trong cuộc đua giành ghế Tổng thống nhiệm kỳ tới, song không vượt ngưỡng 50% số phiếu ủng hộ. Với 49,35% số phiếu bầu, ông Erdogan phải tiếp tục tranh đua cùng đối thủ bám sát nút là ứng cử viên Kermal Kilicdaroglu thuộc Liên minh quốc gia và CHP đối lập, người giành 45% số phiếu ủng hộ. Vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống được ấn định tổ chức ngày 28/5 tới.
Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) xác nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội và Tổng thống đều vượt mức 88%, cho thấy mối quan tâm cao và kỳ vọng lớn của người dân đối với đường hướng phát triển của đất nước. Cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ gặp rất nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát vượt tầm kiểm soát.
Thống kê mới nhất cho thấy, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm từ mức kỷ lục 85% hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng vẫn ở mức hơn 40%; tỷ lệ thất nghiệp lên tới 23%; đồng nội tệ sụt giá không phanh. Chi phí sinh hoạt cao kéo dài đè nặng cuộc sống người dân. Trong khi đó, ngân sách cho tái thiết sau thảm họa động đất lớn, dự kiến tới 110 tỷ USD.
Tác động tới khu vực
Cuộc tổng tuyển cử lần này được đánh giá là có thể tạo bước ngoặt chính sách tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Không chỉ tìm ra người lãnh đạo tiếp theo của quốc gia 85 triệu dân, kết quả bầu cử còn quyết định cách thức điều hành đất nước, hướng đi của nền kinh tế và định hình chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Trong đó, có các vấn đề như vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga, chính sách di cư, hay căng thẳng ở Địa Trung Hải. Đây cũng là những vấn đề nổi cộm nhất dưới thời chính quyền Tổng thống Erdogan trong nhiều năm qua.
Kết quả cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ảnh hưởng lớn tới cục diện chính trị, kinh tế của khu vực. Bởi theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong các tiến trình xử lý khủng hoảng Syria, đàm phán Nga-Ukraine, hay vấn đề xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Đông, châu Phi. Bởi thế, không chỉ ở các nước láng giềng và trong khu vực, cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ còn được theo dõi từ cả các nước EU, Mỹ và Nga.
Trong tuyên bố ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Iran chúc mừng Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức cuộc bầu cử suôn sẻ và nhấn mạnh đây là “chiến thắng của nền dân chủ”. Mỹ cũng hoan nghênh người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn của họ một cách hòa bình. Điện Kremlin cho biết, Nga mong đợi quan hệ Moscow-Ankara sẽ tiếp tục và sâu sắc hơn, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ.