Về trung hạn, Việt Nam đã đặt mục tiêu mở cửa trở lại hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế vào ngày 15/3, sau khi đất nước đóng cửa du lịch vào năm 2020. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam và đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế rộng lớn hơn, với du lịch chiếm 10% GDP vào năm 2019 (trước đại dịch Covid-19). Việc mở cửa lại du lịch cũng sẽ nâng cao thu nhập khả dụng của người tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình phục hồi cho lĩnh vực bán lẻ của nước ta.
Các nhà bán lẻ quốc tế đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự phục hồi của ngành với các chiến lược mở rộng. Xu hướng tăng trưởng tổng thể trong chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng cho thấy cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ quốc tế khi họ tìm cách cung cấp cho những người tiêu dùng đang tìm kiếm nhiều loại dịch vụ hơn trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Chi tiêu cho hàng tạp hóa hàng loạt (bao gồm thực phẩm và các sản phẩm không cồn) sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, dự báo tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2019, tổng chi tiêu của thị trường bán lẻ tạp hóa là 874,7 nghìn tỷ đồng và dự báo cho năm 2022 là 1.020,6 nghìn tỷ đồng. Mặc dù tăng trưởng là tích cực, nhưng nó đến từ hiệu ứng do tác động của Covid-19 đối với lĩnh vực này vào năm 2020 và 2021.
Không giống như nhiều quốc gia, Việt Nam tránh được việc giảm chi tiêu tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch nhưng hầu hết các ngành hàng đều bị ảnh hưởng bất lợi. Chi tiêu cho thị trường bán lẻ hàng tạp hóa hàng loạt tăng 3,4%, đạt 903,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, giảm tốc từ mức tăng 10,2% vào năm 2019. Năm 2021, chi tiêu bán lẻ hàng tạp hóa hàng loạt tăng nhẹ, ước tính tăng 3,7%, đạt 973,3 nghìn tỷ đồng.
Vào giữa tháng 7/2021, hai trung tâm kinh tế chính của đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã rơi vào tình trạng khó khăn khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Doanh số bán lẻ từ tháng 8 đến tháng 10/2021 giảm mạnh với mức trung bình ba tháng là -27,2% so với -9,1 % của ba tháng trước (từ tháng 5 đến tháng 7/2021).
Khi giãn cách xã hội kết thúc vào tháng 10/2021, có dấu hiệu cho thấy chi tiêu đang trên quỹ đạo phục hồi với dữ liệu tháng 11 và tháng 12/2021 cho thấy mức tăng trưởng lần lượt là 1,1% và 1,3%. Mức tăng trưởng này sẽ tăng lên nữa khi các hạn chế về di chuyển hay du lịch được xóa bỏ, khuyến khích các hộ gia đình tăng chi tiêu.
Từ trước đến nay, chợ “cóc” là một mô hình mua bán hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Chợ “cóc” có các mặt hàng giá rẻ hơn so với siêu thị và thường là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các siêu thị. Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, những khó khăn trong việc quản lý đã dẫn đến việc nhiều chợ phải đóng cửa. Siêu thị và cửa hàng tiện lợi trở thành kênh chính để người tiêu dùng Việt Nam mua hàng tạp hóa. Khi nền kinh tế phục hồi, sự thay đổi trong thói quen mua sắm và xu hướng tăng trưởng tổng thể trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với hoạt động bán lẻ sẽ tạo ra thêm cơ hội cho các nhà bán lẻ tạp hóa hàng loạt.
Các nhà bán lẻ quốc tế đã công bố kế hoạch mở thêm nhiều siêu thị tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng khi nhiều khu chợ “cóc” đóng cửa. Số người tiêu dùng có thu nhập khả dụng nhiều hơn cũng đang tìm đến nhiều loại dịch vụ hơn, đây là cơ hội mạnh mẽ cho các nhà bán lẻ tạp hóa hàng loạt phát triển và giữ chân khách hàng, ngay cả khi các khu chợ “cóc” đã mở cửa trở lại.