Thôn Trường Thọ đã có từ đầu thế kỷ 19, dưới triều Minh Mạng, ghi trong “Gia Định Thành Long ký” của Trịnh Hoài Đức đã có thôn Trường Thọ. Thành Hoàng của đình là ngài Châu Văn Tiếp, một vị tướng dưới triều Vua Gia Long. Những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, ngài mang dân đến vùng Thủ Đức lập làng giúp bà con trong vùng làm ăn sinh sống. Ghi nhớ công lao của ngài, Vua Gia Long đã ban sắc phong thần. Đình Trường Thọ ngoài thờ thành hoàng còn có thêm nhiều ban thờ từ anh hùng dân tộc đến các vị thần linh theo lưu dân người Hoa mang theo, thể hiện sự giao thoa cũng như đón nhận văn hóa của người Việt.
Cùng với đó là những hiện vật quý mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, đáng kể nhất là bộ ba trống, chiêng, mõ. Đặc biệt là mõ, theo chia sẻ của ông Dương Trung Hiếu (Hai Điệp) tổ nghi lễ Kỳ Yên của đình chia sẻ: “Mõ đình Trường Thọ có từ thế kỷ 19, cùng với bộ ba trống và chiêng tạo ra thanh âm khai hội Kỳ Yên hằng năm, cho các lễ nghi trở về nguồn cội. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến, rất nhiều lần mõ trở thành phương tiện truyền tin độc đáo và hiệu quả để lực lượng cách mạng và dân chúng thông báo hội họp. Sau này, hòa bình lập lại, tiếng mõ sử dụng làm tín hiệu tập hợp dân làng đến bàn chuyện lớn”. Ngày nay, mõ trở về đúng chức danh khởi đầu cho lễ Kỳ Yên.
Khác với mõ truyền thống Việt là tròn, mõ ở đình thần Nam Bộ nói chung, đình Trường Thọ nói riêng thường có kích cỡ lớn. Cụ thể, mõ hình trụ dài 2 m, đường kính 0,4 m, được làm từ gỗ quý, bề mặt sơn mầu đỏ, hai đầu mõ tạo hình đầu rồng thếp vàng, đặt nằm ngang trên giá cao 1,5 m, hai chân đỡ chạm cặp kỳ lân tinh xảo. Trên hai thanh giá đỡ chạm hai câu đối: “Linh thanh nhật xuất hương linh triệu/Mộc khẩu thời khai phú quý hoa” (Một âm thanh linh thiêng vang lên gọi mặt trời mang theo sự tốt lành/Từ nơi ngọn nguồn, thời điểm bắt đầu sẽ mở ra sự phát triển rực rỡ, phú quý, thịnh vượng). Câu đối mô tả sự khởi đầu của một thời kỳ thịnh vượng và may mắn, với sự xuất hiện của những điều tốt lành và sự phát triển mạnh mẽ.
Lễ ở đình thường diễn ra ba ngày với nhiều vòng tế lễ do tính chất đa thần. Thanh âm tiếng mõ vọng vào không gian, hòa với tiếng chiêng, tiếng trống tạo ra tổ hợp Thiên-Địa-Nhân, sự hòa hợp con người với trời đất, sự bình an của nhân dân.
Hòa cùng với những rộn rã của tháng ngày xuân mới, thanh âm mõ đình chào đón mùa lễ hội mang tới sự bình an như tên gọi Kỳ Yên. Theo tiếng mõ, lớp lớp người nối tiếp về đình Trường Thọ, chiêm bái các giá trị văn hóa tín ngưỡng vẫn đang được các thế hệ lưu giữ và tôn vinh.