Đồng đội

Dưới ánh nắng chiều, ngôi nhà mới giữa vườn bưởi trĩu quả của ông Bình và bà Tâm ở chân núi Lục Ngạn thật yên bình. Hương thơm dìu dịu tỏa ra từ những trái bưởi chín vàng, hòa quyện cùng làn gió se se. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Gia đình bà Tâm chuẩn bị từ sớm để đón một người đồng đội cũ của ông Bình: Ông An, người mà suốt hàng chục năm qua đã hương khói cho ngôi mộ của “liệt sĩ” Bình tại Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Nhớ lại buổi sáng đầu năm, bà Tâm nhận được một lá thư từ Gia Lai. Dòng chữ nắn nót trên phong bì đề: “Kính gửi gia đình ông Nguyễn Ngọc Bình!” khiến bà không khỏi tò mò. Mở thư ra, bà phát hiện người gửi là ông An, một đồng đội cũ của chồng bà. Những dòng chữ trong thư chậm rãi hiện lên, càng đọc càng khiến lòng bà se lại:

“Tôi là Đỗ Xuân An, đồng đội cũ của anh Bình. Suốt bao năm qua, tôi hương khói cho mộ anh ấy ở Gia Lai, nơi anh đã hy sinh trong trận đánh năm 1968. Nay mới tìm được địa chỉ gia đình, tôi mạn phép viết thư này, mong được hồi âm…”.

Bà Tâm đọc đi đọc lại, bàn tay run rẩy, mắt không còn nhìn rõ vì cảm xúc dâng trào. Hương khói cho mộ ông Bình? Làm sao lại như thế được, khi ông vẫn còn đây, sống cùng bà và gia đình suốt hơn nửa thế kỷ qua?!

Ông Bình lặng người, đôi vai hơi run khi nghe vợ nghẹn ngào thuật lại bức thư. Một lúc lâu sau, ông khẽ gật đầu, ánh mắt mờ đục ánh lên nỗi niềm sâu kín, long lanh những giọt nước lặng lẽ rơi.

- Em nói sao? Bình còn sống ư? Thật không thể tin được! Anh ấy vẫn ở đây, giữa chúng ta sao? - đầu máy bên kia vang lên tiếng thốt nghẹn ngào xen lẫn bàng hoàng của ông An, khi nghe cuộc điện thoại bất ngờ từ bà Tâm.

- Anh An, em cảm ơn anh đã dành bao nhiêu năm tháng hương khói cho anh Bình. Em không biết nói sao để cảm ơn nghĩa tình ấy. Nhưng anh ơi, anh Bình nhà em không hy sinh, anh thật sự vẫn sống đây, chỉ là vết thương khiến anh ấy không nói được… - bà Tâm nghẹn ngào, khẳng định lại.

- Vậy mà bao năm qua tôi đã nghĩ anh ấy hy sinh! Chính tôi cũng tham gia trận đấy mà…

*

Trận chiến năm ấy bất ngờ ùa về, sống động trong ký ức ông An. Khi đó, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ tấn công một cứ điểm địch nằm sâu giữa rừng già. Tiếng pháo kích, tiếng đạn rít xé ngang không gian, tiếng thét đầy quyết liệt của Bình, như vẫn văng vẳng bên tai.

- Anh An, cứ rút trước đi! Tôi sẽ mở đường cho mọi người! - Bình hét lớn, át cả tiếng nổ chát chúa của pháo địch.

- Không được! Tôi không thể bỏ cậu lại một mình! - An đáp lại.

Bình không chần chừ, lao mình về phía trước, quăng mìn phá tung lớp rào thép gai cuối cùng, mở đường cho đồng đội rút lui. Tiếng nổ dữ dội xé tan màn đêm, khói bụi mịt mù bao trùm toàn bộ khu vực. Khi mọi thứ dần lắng xuống, An hoảng hốt tìm kiếm nhưng không thấy Bình đâu.

Sau trận đánh, đơn vị kiểm tra quân số và xác nhận Bình không trở về. Vài ngày sau, tin dữ như lưỡi dao sắc lạnh đâm thẳng vào lòng họ: Bình nằm cùng những chiến sĩ hy sinh, bị chôn vùi trong một ngôi mộ tập thể do địch đào vội. Nén nỗi đau xé lòng, An và đồng đội buộc phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã.

Giấy báo tử được gửi về gia đình Bình. Từ đó, dù hòa bình lập lại, cuộc sống cuốn ông An theo bao lo toan thường nhật, ông vẫn không quên người bạn thân. Mỗi lần có dịp, ông đều đến thắp nén hương tại ngôi mộ tưởng niệm, như một lời tri ân, một dấu lặng đau thương của ký ức chiến trường...

*

Trong lúc ngóng chờ người đồng đội của chồng, bà Tâm bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên bà gặp ông Bình, ngày mà định mệnh đã đưa họ đến bên nhau. Đó là những năm tháng chiến tranh, một cơ sở điều dưỡng thương binh được sơ tán về gần nhà bà. Khi ấy, bà vẫn là một cô gái đôi mươi tràn đầy sức sống, tình nguyện làm cấp dưỡng chăm sóc các thương binh.

Lần đầu gặp ông Bình, bà ấn tượng bởi đôi mắt buồn sâu thẳm. Dù không nói được vì vết thương sọ não, nhưng ánh mắt của ông như có sức hút kỳ lạ, khiến bà không thể nào quên. Những lần bà mang cơm đến cho ông, ánh mắt ấy luôn nhìn bà đầy cảm xúc.

Có lần, tình cờ thấy ông lặng lẽ theo sau khi bà đi qua con đường nhỏ về nhà. Bà quay lại, mỉm cười: “Anh đi đâu thế?”. Ông không trả lời, chỉ cúi đầu, tay khẽ nắm cây gậy chống. Hình ảnh ấy làm tim bà xao xuyến lạ lùng.

Những ngày sau đó, bà và ông Bình gặp nhau nhiều hơn. Ông không nói được, nhưng bà cảm nhận được những tâm sự trong ánh mắt và hành động của ông. Bố bà, khi biết chuyện, đã động viên: “Con à, gia đình mình chưa có ai đi chiến trường. Bình là người đã hy sinh rất nhiều cho đất nước. Nếu con thương thì hãy bù đắp cho anh ấy”.

Anh thương binh tên Bình nên duyên với cô điều dưỡng viên từ lời động viên của người cha. Ngày cưới của họ rộn ràng trong niềm vui và lời chúc phúc của gia đình, làng xóm. Những ngày tháng bên nhau, bà dần cảm nhận được sự chân thành và nghị lực phi thường của ông Bình. Với bà, đó không chỉ là một cuộc hôn nhân, mà còn là sự gắn bó thiêng liêng giữa tình yêu và lòng biết ơn dành cho người lính.

*

Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, được ông An chọn làm ngày gặp mặt. Theo lịch hẹn ông An sẽ bay từ Gia Lai, ghé qua nhà con gái ở Thái Bình rồi lên Lục Ngạn. Từ sáng sớm, bà Tâm đã tất bật chuẩn bị mọi thứ. Những món ăn quen thuộc được bà tự tay làm. Trong lòng bà háo hức mong chờ cuộc hội ngộ không thể ngờ giữa hai người lính từng lăn lộn với bom đạn, vào sinh ra tử.

- Mấy món này, chắc bác An sẽ thích lắm - bà Tâm vừa xếp lại mâm cơm, vừa nói với các con. Bà nóng lòng ngóng ra phía cổng.

- Mẹ yên tâm, chắc bác ấy đang trên đường thôi - người con cả trấn an.

Thế nhưng, từ sáng đến trưa, rồi chiều, điện thoại của ông An không có hồi âm. Lòng bà Tâm như lửa đốt. Bà gọi liên tục nhưng chỉ nghe tiếng chuông reo không ai trả lời. Đến tối, một cuộc điện thoại bất ngờ khiến bà chết lặng: con gái ông An báo rằng ông bị đột quỵ, đang cấp cứu ở Hà Nội và tình trạng rất nguy kịch. Bà Tâm gần như rụng rời chân tay. Không kịp suy nghĩ nhiều, bà cùng các con thuê một chiếc xe, đưa ông Bình lên Hà Nội trong đêm.

Quãng đường hơn trăm cây số trở nên dài vô tận. Bà ngồi trên xe, lòng thầm cầu nguyện cho ông An qua khỏi.

- Mình à, cố lên nhé. Chúng ta sẽ sớm gặp được anh An! - bà Tâm khẽ nắm tay chồng, như tự trấn an bản thân.

Nhưng khi vừa đến cổng viện, bà lại nghe tiếng còi xe cấp cứu rời đi. Một bác sĩ thông báo với bà rằng ông An đã được chuyển về nhà con gái. Không để mất thêm thời gian, gia đình bà lập tức đuổi theo xe cứu thương về Thái Bình.

Ông An nằm bất động trên giường, hơi thở yếu ớt. Ông Bình, dù không thể nói, vẫn cố gắng nắm chặt tay người đồng đội năm xưa. Đôi mắt ông đỏ hoe, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo.

Trong lòng ông Bình, bao ký ức ùa về. Ông nhớ lại những ngày tháng chiến đấu bên cạnh người bạn thân. Dù không nói được, nhưng ánh mắt của ông chứa đựng hàng ngàn lời muốn nói: “Anh An, tôi mong được gặp anh biết bao!”.

Tay ông run run siết chặt tay bạn mình, như muốn giữ lại chút hơi ấm của tình đồng đội không bao giờ phai nhạt.

- Anh An, anh đây rồi. Bình đã trở lại, không phải là giấc mơ đâu anh… - bà Tâm nói, giọng run run.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai người bạn gặp lại nhau sau hơn năm mươi năm xa cách. Không ai nói gì, chỉ có những giọt nước mắt thay cho lời nói. Bà Tâm nhẹ nhàng vuốt lại tấm chăn, nghẹn ngào: Bác An, nghĩa tình của bác, gia đình em không bao giờ quên…

Ông An ra đi trong sự tiếc thương của gia đình và những người cùng chiến hào. Tang lễ của ông là sự nuối tiếc chia tay một con người và là sự tri ân dành cho một người lính đã sống trọn vẹn với tình đồng đội. Những câu chuyện về ông An và ông Bình, từ chiến trường khốc liệt đến những năm tháng thời bình, được kể lại với sự yêu mến, kính trọng.

Sau tang lễ, gia đình bà Tâm trở về Lục Ngạn. Trong lòng mỗi người đều mang hình ảnh đẹp về bác An. Mỗi lần nhắc đến ông, bà Tâm lại không giấu được sự xúc động. Gia đình bà đã làm một điều đặc biệt: một bức ảnh của ông An được đặt trang trọng trên bàn thờ trong nhà, như một cách tưởng nhớ và tri ân. Những câu chuyện về ông An và ông Bình trở thành kỷ niệm quý giá, được bà kể lại cho con cháu mỗi dịp quây quần.

*

Mùa đông qua đi, những cây bưởi trong vườn nhà ông Bình bắt đầu nở hoa trắng muốt. Bà hái một chùm hoa bưởi thơm ngát, đặt lên bàn thờ ông An. Ông Bình, dù không thể nói, vẫn nhìn bà, ánh mắt lấp lánh niềm biết ơn. Trong sự yên bình ấy, họ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết rằng tình đồng đội và tình người sẽ luôn trường tồn như những bông hoa bưởi thơm ngát lan tỏa khắp đất trời.