Những nông dân trẻ tiên phong
Trên 320 ha, mỗi năm Lý Sơn có hơn 3.000 tấn tỏi tươi được đưa bán khắp nơi. Khởi sinh từ núi lửa trăm năm, tinh chất tỏi kết tạo từ cát biển đảo san hô, đá địa chất. Từ đây, tỏi Lý Sơn được định danh xứ “vua tỏi” hiếm nơi nào có được từ địa chất, địa tầng.
Chỉ vài năm, nhu cầu sản lượng cung ứng thị trường tăng cao khiến nhà nông chạy đua năng suất, sản lượng bằng mọi giá. Hàng trăm tấn phân bón hóa học, hàng chục tấn thuốc trừ sâu mỗi năm đã đổi chất vùng chuyên canh tỏi quá tải và nguy cơ ô nhiễm. Vụ mùa, sản lượng tăng nhưng chất lượng tỏi có nguy cơ bào mòn, môi trường sinh thái ô nhiễm nếu không có điểm dừng.
Tìm lối quay lại tỏi nguyên sơ không hóa chất đang là xu hướng của những nhà nông trẻ. Ba mô hình trồng tỏi theo hướng hữu cơ, sinh học trên diện tích khoảng ba héc-ta được thực hiện thí điểm. Phục hồi đất, tạo môi trường sinh thái chung quanh bằng sinh phẩm hữu cơ đang được nhà nông lựa chọn.
Chọn khoảng vườn 400 m² trên cánh đồng Cõi (An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), anh Đặng Quang Trọng bắt tay thử nghiệm trồng tỏi hữu cơ từ ba năm trước. Mùa đầu, vài chục triệu đồng mượn tạm, Trọng mua phân chuồng ủ sâu dưới đất, thay thế cho lớp cát cỗi, đất đồi bạc màu. Để bảo vệ sâu bệnh ứng dụng thiên địch, ngoài cải tạo đất anh để cây cỏ phát triển tự nhiên, tạo môi trường sinh thái cho hệ sinh vật phát triển tự diệt sâu bệnh. Không dùng phân thuốc hóa học, phương thức canh tác tỏi hoàn toàn tự nhiên với phân hữu cơ là vật phẩm cá, rong biển, bánh dầu được ủ cải tạo đất, xuống giống. Sau hai năm trồng lẫn cải tạo, sản lượng tỏi thu hoạch chỉ đạt 30 - 40% so cách trồng đại trà. Năm thứ ba sau thí điểm, năng suất tỏi tăng gấp đôi. Nếu như giá tỏi tươi thị trường 50 nghìn đồng/kg thì sản phẩm của Trọng gấp ba đến bốn lần.
“Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mình đều không dùng, mình chỉ dùng những gì liên quan đến hữu cơ từ tự nhiên, cây cỏ. Khác biệt so cách trồng truyền thống là cỏ dại được giữ lại để duy trì độ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh gây hại. Quy trình canh tác chỉ dùng phân chuồng bót lót, dung dịch phòng trừ sâu bệnh gây hại từ lá cây. Năm nay, năng suất đạt 60 - 70% so năng suất người dân làm bình thường. Giá nông sản mình bán từ 250 - 350 nghìn/kg. Tất cả được đặt mua hết rồi”, Trọng bộc bạch.
Đau đáu về thời tỏi ít phân, ít thuốc, chưa bám mùi hóa chất ở đất đảo Lý Sơn, anh Nguyễn Văn Nhật ở An Vĩnh cũng tìm cho mình phương thức canh tác mới. Trên diện tích 900 m², Nhật bắt tay trồng tỏi sạch sinh học, hướng đến sản phẩm an toàn. Cải tạo đất bằng phân bón vi sinh tự nhiên từ rong biển, anh Nhật sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học thay cho các hoạt chất hóa học. Sau hai năm thí điểm và tự điều chỉnh liệu trình trồng trọt, dinh dưỡng năng suất tỏi dần được cải thiện. Năm thứ ba theo đuổi ước mơ tỏi “nguyên sinh”, sản lượng tỏi trên đồng đã được cải thiện.
“Thuốc trừ sâu sinh học mình tự pha chế từ các sản phẩm thiên nhiên như ớt, gừng, tỏi theo tỷ lệ pha chế mình học hỏi được, ủ và phun để diệt sâu bọ hại tỏi. Chúng tôi ý thức được việc bảo vệ sức khỏe cho mình trước hơn cả người tiêu dùng. Tất nhiên là trồng tỏi hay cây gì thì cũng dùng phân, thuốc trừ sâu nhưng là sản phẩm hữu cơ, sinh học đủ liều lượng chứ không tràn lan, lạm dụng. Nếu không sẽ độc hại chính mình, đất nhiễm độc, xấu, người trồng thì vất vả, tốn kém”, anh Nhật chia sẻ.
Những ruộng tỏi hữu cơ thí điểm trên huỵện đảo Lý Sơn mở ra hy vọng mới về tăng giá trị nông sản cho đất đảo.
Hướng đến nông nghiệp sạch
Thu hoạch khoanh tỏi sạch, bà Trương Thị Sự lý giải “Thời gian đầu cải tạo đất, năng suất tỏi cực thấp so với phương thức canh tác đại trà hiện nay. Nhưng nếu chịu khó theo quy trình cải tạo, tăng dinh dưỡng cho đất thì năng suất cao dần theo từng năm. Trồng mà dùng các sản phẩm hữu cơ, sinh học thì tỏi giá trị cao hơn chứ. Cũng dần nên thay đổi theo hướng đó”.
Giữ thương hiệu tỏi Lý Sơn cả về chất lẫn lượng, khuyến khích sử dụng sinh phẩm tự nhiên thay cho hóa chất đang được chính quyền khuyến khích lựa chọn. Một số đề án thí nghiệm trồng tỏi sạch theo hướng hữu cơ của doanh nghiệp, nhà nông trẻ khởi nghiệp thực hành. Các phương thức trồng trọt ứng dụng quy trình không dùng cát trắng, không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đang được tiếp cận.
Tuy nhiên, phần lớn trong số 32 ha tỏi trồng trọt đại trà theo cách truyền thống ở Lý Sơn xen lẫn diện tích trồng tỏi sạch ảnh hưởng đến hiệu quả thí điểm chuỗi sản xuất tỏi sinh học. Diện tích, quy trình sản xuất tỏi hữu cơ chen lẫn vùng trồng truyền thống của cư dân. Thuốc, phân hóa học dùng tràn lan ảnh hưởng đến các đồng tỏi khác trong vùng. “Thí dụ phun thuốc hóa học đám kia hướng gió bay tạt qua khu vực đang trồng tỏi sạch ảnh hưởng chất lượng, phương pháp chăm sóc. Nhiều vật trung gian mang mầm bệnh diệt trừ, hại cây trồng. Cho nên bà con chưa ai dám trồng nhiều. Cần khoanh vùng trồng để không ảnh hưởng lẫn nhau”, bà Phạm Thị Ngà đề nghị.
Ông Đặng Tấn Thành, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, huyện đảo đang khuyến khích tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, các mô hình hiện nay chỉ dừng ở thí điểm, tự thực hiện của cá nhân, đơn vị. “Các sản phẩm tỏi sạch hay sinh học là các hộ, đơn vị cá nhân tự làm chứ chưa có sự xác nhận, công nhận của ngành chức năng”, ông Thành cho biết.
Cần nhất hiện nay là Lý Sơn phải xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch, quy hoạch vùng đại trà, thí điểm và nhân rộng dần. Cần có những chính sách mở khuyến khích nhà đầu tư, nhà nông đồng hành tìm giải pháp trồng sinh học, thay cho phương thức trồng lạm dụng hóa chất như hiện nay. Ông Nguyễn Anh Việt, Hợp tác xã Sinh thái Lý Sơn khẳng định: “Cây tỏi hiện đang phụ thuộc thị trường, được mùa mất giá bấp bênh. Tỏi sinh học có giá trị và chỗ đứng riêng nếu được công nhận. Xu hướng này chúng tôi cũng sẽ thực hiện”.
Thay đổi thói quen là điều không thể dễ dàng, nhất là khi điều đó gắn với lợi ích kinh tế trước mắt. Tuy nhiên, đi tìm lại xu hướng sản xuất gắn với thiên nhiên là điều sớm muộn để bảo vệ nguồn nông sản an toàn, thân thiện. Giấc mơ “tìm lại hương vị tỏi xưa” của nhà nông Lý Sơn đang bắt đầu.