Ngược thượng nguồn

Thăm thẳm Tân Châu

Sông Tiền đoạn chảy vào Việt Nam nơi giáp biên giới được gọi tên sông Tân Châu. Sông chảy qua thị xã biên giới Tân Châu (An Giang) và thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Nhắc đến đầu nguồn, nhiều thương hồ lắc đầu ngao ngán hiểm trở, khác thường.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thị xã biên giới Tân Châu bên dòng sông. Ảnh: HUY NGUYỄN
Một góc thị xã biên giới Tân Châu bên dòng sông. Ảnh: HUY NGUYỄN

Sông Mê Công chia làm hai sông chính, sông Tiền còn gọi là sông trước, sông Hậu là sông sau. Người xưa có thơ rằng: “Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước/ Ngó về sông trước sóng bủa lao xao...”.

Truyền thuyết về một khúc sông không đáy

Thế đất cao hơn, tiếp nhận nước trực tiếp từ những cánh đồng lớn từ biên giới đổ xuống rồi đổ thẳng ra những con kênh thông với biển Tây nên áp lực nước của sông Tân Châu luôn cao hơn những khúc khác của sông Tiền.

Vị trí địa lý khác biệt nên đoạn sông Tiền chảy ngang Hồng Ngự, Tân Châu cứ luôn mang những câu chuyện ly kỳ. Bởi nơi đó sóng gió trắc trở. Những cái xoáy nước lớn lật cả ghe tàu. Cảm giác như đáy sông sâu hút, sâu không đáy. Người ta hình dung dưới đáy sông là những cái hang rất lớn rất sâu, đồn đoán nơi đó là nhà của những loài cá nước ngọt từ Biển Hồ đổ xuống. Cá lớn nhiều, cá lạ lùng gắn với những câu chuyện tâm linh cũng được nhắc nhiều nơi đó.

Dân buôn lậu từ Om Xà No (Campuchia) lợi dụng dòng sông hiểm trở, nước chảy xiết để đêm đêm gói hàng hóa thành những cái phao lờ đờ trong nước rồi ngồi trên phao ngầm thả về phía hạ nguồn. Những cái đầu nhỏ nhoi nhô lên giữa con sông mênh mông cuồn cuộn sóng, dập dềnh dề trấp, lục bình dễ qua mặt những ánh đèn pha của trạm kiểm soát hay ca-nô tuần tra. Nhưng chính cái mênh mông, cuồn cuộn đó làm cho từng mạng con người cũng nhỏ nhoi theo.

Họ kể, đêm đêm họ rớt vô xoáy nước như dề lục bình và có những lần bị xoáy nước xoay mòng mòng chung với những thây ma trương phình hôi hám cả khúc sông. Người sống người chết bỗng chốc thành một. Cái sống cái chết cũng chẳng tự định đoạt được. Trôi trong đêm họ chạm được những con cá to như những con cá voi. Trôi trong đêm họ chạm được những con cá cứng nhớt lầy mà người dân hay đồn đó là ma da. Chẳng biết ma da có thật hay không. Nhưng đáy sông Thường Phước đủ sức làm những người buôn lậu run sợ bỏ cái nghề kiếm được tiền to mà về quê vá xe đạp kiếm từng đồng lẻ.

Dòng sông không đáy là một sự cường điệu. Những cái xoáy nước nuốt tàu ghe lại là thật. Hẳn là một đáy sông sâu thẳm có những nguyên do của nó.

Chẳng biết từ khi nào, như một ưu đãi, triệu triệu viên sỏi từ nguồn lăn theo đáy nước về tích tụ dọc đáy khúc sông này. Những ngày xa xưa, mỏ sỏi khổng lồ mang tên Tân Châu đã được gõ cửa. Hàng trăm năm trước, khi xây dựng nhà thờ Lớn ở Vĩnh Long, nhân công về đáy sông Tân Châu khai thác sỏi. Những gàu sỏi, cát vàng được khai thác bằng phương tiện thô sơ mải miết ngày đêm để làm một công trình bề thế. Trẻ con theo nhìn người lớn làm việc, họ lùa trong sỏi, nhặt trong sỏi những cái vỏ đậu, những con cóc hóa thạch cứng như sỏi.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, đô thị hóa mở rộng, nhu cầu xây dựng nhà cửa ngày càng nhiều, cát sỏi Tân Châu được khai thác bằng những phương tiện hiện đại hơn. Sà-lan lớn, sà-lan nhỏ dập dìu trên sóng nước. Tiếng xáng hút, xáng cạp mải miết ngày đêm. Cát đẹp lừng danh, cát sạch nổi tiếng càng lan truyền. Cát đẹp để làm những công trình kiên cố khắp nơi trên đất miền Tây và những miền xa xôi khác.

Những khối cát nằm im dưới đáy nước hàng nghìn năm, đùng một cái đi khắp bốn phương. Những khối cát đẹp biên giới Thường Phước trở thành miếng mồi ngon của ngành xây dựng. Dài theo năm tháng, dài theo từng nẻo đường, triệu triệu công trình được dựng lên từ những hạt cát vàng được moi lên từ đáy nước. Sông Tân Châu như đang vào một cuộc vận hành của vỏ trái đất nhưng không phải qua bàn tay của núi lửa mà qua bàn tay của con người.

Những bến nước chẳng bình yên

Dòng sông với mỏ sỏi lẫn cát vàng quý báu đem lại sự vững chãi cho hàng nghìn, hàng vạn công trình suốt những năm qua. Nhưng bản thân sông lại ngày càng hiểm sâu và rời rạc. Đáy sông triền miên trống rỗng những hang sâu ngày càng sâu, rộng ngày càng rộng cùng nước lũ vẫn cuộn về...

Dòng sông trước ở vị thế nguồn của mọi nguồn vẫn bền gan gánh nặng khối nước khổng lồ qua từng mùa mưa lớn. Nước ồ ạt đổ. Nước ầm ầm xô nhau. Nước lượn theo vịnh, nước thúc vào doi. Nước moi cát từ đáy những bến ven sông lấp vào những hố trũng khổng lồ giữa dòng. Bởi vốn dĩ vùng châu thổ Cửu Long, đáy đất, đáy nước đều là cát.

Những vùng càng gần nguồn dưới đáy cát càng nhiều và càng đẹp. Cát cứ như những dòng nước, chảy từ chỗ cao về chỗ thấp, từ chỗ lồi về chỗ lõm. Những mỏ cát dưới đáy sông cứ được hút, đáy càng sâu thì cát vẫn cứ được lấp đầy. Cảm giác đáy sông luôn vĩnh hằng đầy cát, hút hoài còn hoài.

Nhưng trong bờ, những bến hàm ếch lặng thầm xuất hiện, sâu hơn rồi sâu hơn nữa. Lớp phù sa bề mặt, lớp đất sét bề sâu kết nối tạm thời nên mặt đất vẫn có vẻ bình yên. Một đêm nào đó những giấc ngủ bên bờ sông đang say sưa yên ả bởi những tí tách sóng nước thân quen, chợt ùm một cái, những phố chợ, những con đường chìm xuống vực nước thẳm sâu. Ngôi chợ nhộn nhịp, hàng loạt tòa nhà mặt tiền sinh lợi… tất cả trong một đêm đã ngủ yên dưới dòng nước thẳm. Dòng sông như thể nuốt trọn những bến bờ để đòi lại những khối cát mình đã mất đi.

Dòng sông giật mình chao đảo. Hình như nó đang tự trách mình quá hung hãn. Những khối cát trở thành nỗi sợ hãi của chính nó và của cư dân quanh nó. Người ta sợ khi hút cát lên sẽ thấy trong mỏ cát có cả những mạng người hóa thạch.

Dòng sông không thể hồn nhiên nhìn con nước xói mòn từng dòng phố xá. Nhà cửa kiên cố thời hiện đại là bạc tiền, là tâm tư, là sinh mệnh.

Những hạt cát vàng bò lên bờ để bồi đắp những bờ kè. Chân móng là đá. Những ta-luy nghiêng dài xuống tận đáy nước. Tiền của xây nên những bờ kè không nhỏ. Nhưng những đồng tiền đổ cho bờ kè đem lại bình yên. Song hành đó, dòng lũ Cửu Long êm nhẹ dần. Nguồn tài nguyên nước cạn dần.

Trong cái thất thoát có cái may. Sông Tiền bớt trọng trách của dòng sông trước nên thôi no đầy nguồn nước. Nó có nhiều thời gian lượn lờ hơn chứ không mãi xoáy giật moi móc như một thời sung mãn. Mai sau còn mất chưa biết, chỉ thấy trước mắt bến nước ven sông của dòng Tân Châu đã trở lại bình an. Dưới chân bờ kè, những bãi cát mới dần tích tụ. Không phải là những mỏ cát vàng nên cũng không lo nó bị những công trình xây dựng dòm ngó. Nước ròng, nhìn thủy sinh mọc xanh trên bãi cát thấy được cái bình yên của bãi sông.

Tối tối dạo trên bờ kè rực sáng ánh đèn ngó về phía Hồng Ngự cũng rực sáng lung linh chợt thấy an lành. Cái câu ngó về sông trước sóng bủa lao xao đã mang một sắc thái mới. Nó như một sự đùa giỡn tung tăng của những con sóng lành hơn là cuộc rượt đuổi hung hãn của con nước đang thời sung mãn. Dòng sông đã đổi dòng, dẫu nó vẫn còn chảy miệt mài trên dòng xưa cũ.

Tân Châu là vùng đất nổi danh với các làng nghề dệt nổi tiếng như dệt lụa Lãnh Mỹ A, dệt chiếu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm. Những làng nghề đó nuôi sống biết bao thế hệ người dân vùng đầu nguồn sông Tiền và cũng tô điểm thêm những văn hóa đặc trưng của vùng sông nước. Trải qua 265 năm hình thành và phát triển, 13 năm trở thành thị xã, hiện thị xã Tân Châu đã khẳng định được vị trí kinh tế, quốc phòng quan trọng nơi biên giới, một đô thị tầm vóc, sầm uất vùng đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long.