Tết phương xa của những người làm Báo Nhân Dân

Tết của phóng viên thường trú Báo Nhân Dân ở nước ngoài là dịp quây quần sum họp, để người ở xa hướng về quê hương với những mong mỏi tốt đẹp nhất. Đặc biệt, đó cũng là cơ hội giúp thế hệ trẻ thêm yêu văn hóa nguồn cội - những giá trị đang được nâng niu, gìn giữ và phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Cùng lắng nghe những câu chuyện riêng của từng cơ quan thường trú, để cảm nhận những sắc mầu ấm áp mà Tết mang tới cho mỗi tâm hồn Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Rực rỡ chào xuân mới tại Campuchia.
Rực rỡ chào xuân mới tại Campuchia.

Mâm Tết đủ đầy ở "đất nước Chùa Tháp"

Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Campuchia hằng năm tổ chức đón Tết Nguyên đán theo phong tục tập quán của dân tộc. Biên chế Cơ quan thường trú có hai phóng viên. Sau khi dự và đưa tin về các chương trình Tết cộng đồng, anh em phóng viên thường trú mới bắt tay chuẩn bị đón Tết.

Háo hức đón Xuân mới, việc đầu tiên hai anh em làm là kéo vòi nước lên tầng hai để phun, cọ rửa sạch bụi bám tường, cửa kính. Rồi quét dọn tầng trệt, rửa sân, kê bàn ghế ngay ngắn, chuẩn bị chỗ để trang trí hoa trong ngày Tết.

Ở Campuchia chỉ có mùa mưa và mùa khô. Nếu ở Phnom Penh mà bạn nhìn thấy hoa đào thì chắc chắn đó là hoa nhập khẩu, vì thời tiết sắp sang xuân ở Hà Nội là lúc kinh đô của đất nước Chùa Tháp chớm vào đỉnh nóng mùa khô. Anh em ra khu chợ gần sông Mê Công tìm mua mấy cành mai vàng, vài chậu cúc về đặt tại phòng khách và ban công.

Phóng viên Sơn Xinh, vóc dáng to cao, người dân tộc Khmer Nam Bộ, quê ở tỉnh Trà Vinh. Ngoài khả năng viết chữ đẹp, hát hay, múa giỏi, anh còn có tài trang trí. Những chậu hoa cúc trắng, vàng được anh xếp ngoài sân, dưới bóng cây xoài, trông giống như hình con thuyền. Chiều 28 Tết, anh đón vợ và con gái từ quê nhà sang sum họp, khẩn trương đi chợ mua gà, thịt lợn, rau củ quả, trái cây, nến cùng vài thẻ hương về làm cỗ. Riêng bánh chưng, giò lụa, miến, măng, mộc nhĩ, nấm hương, bóng bì và nước mắm ngon thì phải ra các siêu thị của người Việt Nam mới có.

Tối 30 Tết, những cơn gió mang theo hơi nóng của mùa khô, đã mấy tháng không nhìn thấy mưa và trời thì đầy sao. Hai gia đình cùng nhau bày mâm cỗ đón Xuân, chào Năm mới. Cán bộ, phóng viên Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân, gồm cả người Kinh và Khmer cùng hướng về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, nơi 54 dân tộc anh em đang đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng.

Cả cơ quan theo dõi qua vô tuyến truyền hình những hình ảnh vui đón Xuân sống động ở quê nhà, đợi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Sáng mồng Một, cán bộ, phóng viên và gia đình lên xe đến Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở Phnom Penh để đặt hoa, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình của cả hai quốc gia.

Trong ba ngày Tết, anh chị em tranh thủ đi thăm một số gia đình Việt kiều và họ hàng, gặp gỡ người dân, lắng nghe nhiều cán bộ, chiến sĩ, sinh viên và cựu chiến binh của bạn kể nhiều kỷ niệm những lần ăn Tết ở Việt Nam. Nguyễn Hiệp (từ Campuchia)

Hòa mình vào không khí lễ hội tại Trung Quốc

Bắc Kinh là một trong số ít các địa bàn trên thế giới có đủ phóng viên thường trú thuộc bốn cơ quan báo chí lớn của Việt Nam là Báo Nhân Dân, Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Năm nào cũng vậy, đón Tết trong cảnh xa nhà, xa quê hương, nhưng các thành viên Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân và người nhà luôn được hòa mình vào không khí đón chào năm mới vui tươi, đầm ấm cùng đại gia đình các cơ quan Việt Nam tại Trung Quốc.

Dịp cuối năm thường là thời gian bận rộn với chúng tôi, khi vừa phải cập nhật tin, bài thời sự hằng ngày, vừa phải tập trung thực hiện đề tài Tết cho các ấn phẩm của Báo và Truyền hình Nhân Dân. Ngoài ra, còn hàng loạt sự kiện được tổ chức vào dịp giáp Tết, như Tết cộng đồng, lễ kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, hay các buổi gặp mặt báo chí cuối năm tại địa bàn.

Sau khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, các thành viên cơ quan thường trú khẩn trương chuẩn bị đón Tết. Tuy chỉ có hai gia đình, song các công đoạn để có một cái Tết đúng nghĩa nhất luôn được triển khai đầy đủ. Từ người lớn đến các cháu nhỏ đều tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, trang trí văn phòng cơ quan thường trú thật tươi mới và tràn ngập sắc xuân. Với gạo nếp, lá dong, đỗ xanh đặt mua trên nền tảng thương mại điện tử Taobao và các "nguyên liệu tại chỗ", mọi người cùng nhau gói bánh chưng, gói giò, nấu thịt đông, để cái Tết xa quê vẫn giữ được hương vị quê nhà. Trong những ngày Tết, các ấn phẩm Tết của Báo Nhân Dân từ trong nước gửi sang và các chương trình của Truyền hình Nhân Dân luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của các phóng viên và gia đình, giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, cảm nhận được không khí đón chào năm mới cùng người dân trong nước.

Tết phương xa của những người làm Báo Nhân Dân ảnh 1
Gói bánh chưng đón Tết tại Bắc Kinh.

Quý Mão 2023 có lẽ là cái Tết rất đặc biệt, bởi Trung Quốc chưa mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn do chưa có đường bay thẳng. Phần lớn các hộ gia đình cán bộ đều ở lại, nên không khí đón Tết ấm áp, vui vẻ và náo nhiệt. Các gia đình phóng viên thường trú và cán bộ, nhân viên các cơ quan Việt Nam tại địa bàn cùng nhau tham gia các chương trình do Đại sứ quán tổ chức, như Tết cộng đồng, liên hoan tất niên, đón Giao thừa, đi chùa đầu năm, chúc Tết lẫn nhau, cùng nhâm nhi chén rượu, nhìn lại những việc đã làm được trong năm cũ, gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp, hướng tới một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn. Hữu Hưng (từ Trung Quốc)

Tết "nhà báo" ở Pháp

Những ngày này ở Pháp, đi chợ Việt không chỉ để mua sắm, mà còn là dịp để những cuộc gặp mặt, hỏi han thêm rộn ràng bên kệ hàng hóa. Tết vẫn đang đến gần, dù cho đâu đó ngoài kia vẫn có người chưa nhớ ra vì bận công việc. Nhưng mấy cành đào thắm, mấy nhánh mai vàng được chở từ trong nước sang, bày bán trong các khu chợ Việt tại Pháp, cũng đủ sưởi ấm trái tim kiều bào trong cái giá lạnh của mùa đông nơi này.

Những chiếc lá dong xanh tươi được chọn lựa cẩn thận, những hạt gạo nếp trắng được ngâm nước từ đêm trước. Hai phóng viên thường trú và gia đình bắt đầu từng công đoạn. Nồi nước lớn sục sôi, hương vị đặc trưng của chiếc bánh, mùi oi khói của bếp củi cũng khiến cho hương xuân nồng nàn cả một góc sân ở cơ quan thường trú.

Tết nơi xứ xa hẳn nhiên lạnh hơn ở nhà. Dù có giản tiện, nhưng mâm cỗ ngày Tết vẫn được bày biện chu đáo với món canh bóng bì, đĩa gà luộc, nem rán, giò lụa, rau củ xào, nộm su hào, và chẳng thể thiếu bánh chưng, dưa hành. Dù đi công tác xa, song hai gia đình vẫn quây quần bên mâm cỗ đủ đầy, đầm ấm biểu trưng cho ước nguyện đoàn viên và may mắn trong năm mới.

Trong những ngày Tết, cơ quan thường trú mời bà con Việt kiều cùng những người bạn Pháp tới sum họp đầm ấm, trò chuyện về đất nước Việt Nam. Những món ăn truyền thống của ngày Tết, nhất là bánh chưng và nem tự gói, được mọi người ghi nhớ và hay nhắc là "Tết ở nhà báo". Những dịp này, các gia đình Việt tại Pháp cũng tranh thủ qua nhà nhau thăm hỏi, quây quần bên ấm trà nóng, mâm ngũ quả, đĩa mứt dừa, chúc nhau năm mới an lành và thành công.

Vẫn giữ nếp cũ, Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp duy trì truyền thống đi lễ chùa đầu năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là một hoạt động tâm linh, mà còn là cách để mỗi người kết nối với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Dịp Tết, chắc chắn sẽ không thể thiếu những chương trình cộng đồng do Đại sứ quán và các hội, đoàn kiều bào tổ chức. Các tiết mục múa lân, múa rồng, biểu diễn văn nghệ độc đáo, những màn trình diễn áo dài tôn vinh văn hóa Việt, cùng những gian hàng ẩm thực truyền thống đặc sắc của Việt Nam cũng dần trở thành nỗi mong chờ không chỉ của bà con Việt kiều, mà cả những người bạn Pháp và quốc tế yêu mến nhân dân Việt Nam mỗi dịp Tết. Khải Hoàn – Minh Duy (từ Cộng hòa Pháp)