Tây Ban Nha đối mặt khủng hoảng nguồn nước

Ngoài nạn ô nhiễm, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, trong đó, Tây Ban Nha là một thí dụ điển hình ở khu vực châu Âu với cảnh báo 75% diện tích có nguy cơ bị sa mạc hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngôi làng cổ vốn bị ngập nay đã nổi lên do các hồ chứa nước cạn kiệt. Ảnh: AP
Nhiều ngôi làng cổ vốn bị ngập nay đã nổi lên do các hồ chứa nước cạn kiệt. Ảnh: AP

Tây Ban Nha đang dần khô hạn

Theo kết quả nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Nature Geoscience, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) ước tính, khoảng 75% diện tích Tây Ban Nha có nguy cơ bị sa mạc hóa. Giống Pháp và Italy, sau khi trải qua một mùa đông khô hạn bất thường, Tây Ban Nha đang phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè này, khiến các hồ chứa nước chỉ còn hơn 40% dung tích.

Trước tình hình này, nhà chức trách đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước, đặc biệt là ở khu vực phía nam vùng Andalusia, nơi được xem là vựa trái cây và rau củ của châu Âu. Mực nước các hồ chứa tại đây hiện ở mức rất thấp, chỉ tương đương 25% dung tích. GS ngành thủy văn tại Trường đại học Jaen, bà Rosario Jimenez cho biết, các nguồn nước ngầm và nước bề mặt ở Tây Ban Nha đều đang cạn kiệt.

Tây Ban Nha đã xây dựng một mạng lưới đập thủy điện quy mô lớn để cung cấp nước cho các trang trại và thành phố. Trong thế kỷ 20, nước này đã xây dựng khoảng 1.200 đập thủy điện lớn, cho phép quốc gia thuộc bán đảo Iberia tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu từ 900.000 ha lên 3,4 triệu ha. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, hệ thống đập thủy điện của Tây Ban Nha đang bộc lộ một số hạn chế. Chuyên gia Julio Barea tại Greenpeace cho biết, các đập thủy điện đã vô hình trung làm gia tăng tình trạng khai thác quá mức các lưu vực sông và giảm chất lượng nước bằng cách ngăn dòng chảy tự nhiên của các con sông.

Tây Ban Nha là quốc gia thu hút khách du lịch nhiều thứ hai trên thế giới. Nước này sử dụng một lượng lớn nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch như bể bơi và sân golf. Tuy nhiên, nông nghiệp mới là lĩnh vực sử dụng nhiều nước nhất ở Tây Ban Nha, tiêu tốn đến 80% tài nguyên nước. Về vấn đề này, nhà sinh vật học và Giám đốc Quỹ bảo tồn nước (FNCA) Julia Martinez cho rằng, hệ thống tưới tiêu của Tây Ban Nha được sử dụng không hợp lý. Bà nhấn mạnh Tây Ban Nha không thể tiếp tục là vựa rau cung ứng cho châu Âu trong khi người dân đang thiếu nước.

Thực trạng và giải pháp

Cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng ở Tây Ban Nha có thể nhìn thấy rõ nhất ở Công viên quốc gia Las Tablas de Daimiel - vốn là một vùng đất ngập nước, song đã khô cạn trong vài năm trở lại đây, kết quả là nhiều loài sinh vật, thực vật biến mất. Tại nhiều hồ chứa ở Tây Ban Nha, các ngôi làng cổ đã nổi lên mặt nước do mực nước thấp. Những thị trấn này bị nhấn chìm từ những năm 60 của thế kỷ trước trong quá trình tạo ra các hồ chứa nước ở Tây Ban Nha.

Đối mặt đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử và nguy cơ sa mạc hóa, Tây Ban Nha đang xem xét lại cách sử dụng nguồn nước, vốn được sử dụng chủ yếu để tưới tiêu nông nghiệp. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez vừa thông qua kế hoạch cải cách hệ thống quản lý nguồn nước, trong đó giai đoạn 2022-2027 sẽ tập trung quản lý lũ lụt, hạn hán, xác định các dòng chảy, bảo vệ các nguồn nước và hệ sinh thái. Kế hoạch cũng chú trọng các biện pháp thúc đẩy tái sử dụng nước một cách hiệu quả, đồng thời cắt giảm lượng nước chảy từ sông Tagus đến khu vực đông nam Tây Ban Nha.

Tái sử dụng nước hiệu quả là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng nước ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các cải cách này vẫn chưa đủ mạnh, nhiều vùng ở Tây Ban Nha vẫn tiếp tục tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu.