Tạo môi trường tốt cho sản xuất, kinh doanh

Năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh: NAM ANH
Các doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh: NAM ANH

Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước

Hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị phòng tắm, thiết bị bếp và gạch ốp lát, ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành Công ty CP Kidohomes chia sẻ, dù đã rất nỗ lực tập trung hỗ trợ khách hàng, quảng bá và có nhiều hình thức giảm giá kích cầu sản phẩm, song với những khó khăn của ngành bất động sản trong năm 2023, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ đạt được 60% kế hoạch đề ra. Sang năm 2024, hy vọng thị trường bất động sản ấm lên thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi trở lại.

“Với những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Quốc hội, Chính phủ triển khai trong thời gian qua, tôi nghĩ phải mất quý I và II/2024 để vượt qua khó khăn của tồn dư của năm 2023. Hy vọng từ quý III trở đi là điểm bứt phá cho doanh nghiệp”, ông Minh tin tưởng.

Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới công bố, so với các con số của khảo sát tháng 4/2023, tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn, thể hiện niềm tin đã quay trở lại với tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần so với khảo sát tháng 4; tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần; tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp 2 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần.

“Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá về hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4; phản ánh rõ nét niềm tin của doanh nghiệp đã dần quay trở lại”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV nêu rõ.

Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% số doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế sáu tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp

Cũng theo bà Thủy, 2024 vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia, trong khi nội lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận được một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp đánh giá hiệu quả; hoạt động điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực hơn so với khảo sát tháng 4 ở tất cả các khía cạnh.

“Trong các chính sách hỗ trợ, có ba chính sách được đánh giá cao gồm giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 2%. Đây là những chính sách có tính hỗ trợ trực diện vào chi phí của doanh nghiệp, giúp cho họ áp lực về chi phí thì họ rất hoan nghênh”, bà Thủy nhìn nhận

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh năm 2024 nhiều biến số, bên cạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ 5 khó khăn chính: (1) Khó khăn về đơn hàng; (2) Khó khăn về dòng tiền; (3) Khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; (4) Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế; (5) Khó khăn về tiếp cận vốn vay.

“Đây là những khó khăn không mới, đã được phản ánh và nêu ra trong khảo sát tháng 4, giờ tiếp tục được doanh nghiệp đề cập lại ở thời điểm khảo sát tháng 12 này”, bà Thủy nêu rõ.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 với mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất đúng và trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội. Vì vậy, các cấp, các ngành cần ban hành các chương trình hành động nhằm thể chế hóa được nghị quyết đó vào đời sống, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm được rào cản mà gia tăng được sự động viên về mặt tinh thần cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng ta nhìn thấy tư tưởng của nghị quyết đó tạo ra sự an tâm, an toàn, thúc đẩy động viên cộng đồng doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, động viên về tinh thần còn quan trọng hơn sự hỗ trợ về mặt vật chất”, ông Hiếu nhìn nhận.

Cũng theo ông Hiếu, trong năm 2024, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ là không được ban hành các quy định mới tạo ra các rào cản và gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết 105/2023 nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và được nhắc lại trong Nghị quyết 01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Tuy vậy, trong trường hợp cần thiết, nếu Nhà nước cần phải có quy định đó thì cần tính tới thực hiện có lộ trình thích hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ thiết thực trong việc giảm gánh nặng về mặt chi phí.

“Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao nhất thì cần tạo ra một môi trường tốt, thuận lợi để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân nỗ lực hơn nữa đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong năm 2024”, ông Hiếu nêu rõ.