Xu hướng tăng lãi suất huy động

Làn sóng tăng lãi suất huy động đang lan tỏa khắp các ngân hàng. Bắt đầu có những lo ngại về việc thời kỳ tiền rẻ sẽ chấm dứt, lãi suất cho vay cũng từ đó neo cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Ảnh: NAM ANH
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Ảnh: NAM ANH

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Trong đó, 6 ngân hàng GPBank, VIB, MB, Eximbank, BaoVietBank và NCB đã có 2 lần tăng lãi suất trong vòng 20 ngày qua. Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đã manh nha từ cuối tháng 3 và bắt đầu lan tỏa từ tháng 4 đến nay, mức tăng của lãi suất phổ biến từ 0,1-0,5% tại các kỳ hạn, mức điều chỉnh lớn nhất lên đến 1,7%.

Lãi suất huy động vẫn còn tăng

Nếu như hơn 1 tháng trước đây, mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi với quy mô hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng, thì đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất lên mốc này với các kỳ hạn 24-36 tháng. Mức lãi suất trung bình cho kỳ hạn 12 tháng được ghi nhận ở khoảng 5,7%/năm.

Theo giới chuyên gia, động thái điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian vừa qua. Kể từ đầu năm đến nay, vàng ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1,5% (chiếu theo kỳ hạn 12 tháng).

Ngoài ra, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong quý II/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm 4,66% xuống còn 6,523 triệu tỷ đồng; cá nhân tăng nhẹ 1,6% lên 6,637 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi ở tốc độ nhanh khiến các ngân hàng phải tìm cách bảo đảm cân đối nguồn vốn. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng vẫn ghi nhận mức âm nhưng đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã bật tăng lên 2,41%.

Hiện, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử. Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn cũng sẽ nhích thêm 0,7 – 1 điểm phần trăm, lên 5,3%-5,6% trong nửa sau năm 2024.

Dự báo về mặt bằng chung lãi suất huy động từ đầu năm đến cuối năm, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng, 6 tháng cuối năm luôn được xem là “mùa” cho vay của các ngân hàng nên để đáp ứng được nhu cầu vốn, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để bảo đảm lượng tiền luôn được thông suốt trên thị trường.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vốn dùng cho sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản sẽ được định hình lại và phát triển trong giai đoạn tới sẽ cần một lượng tiền lớn, trong khi đó nguồn vốn từ ngân hàng vẫn được xem là yếu tố chính. Từ những thực tế này, ông Nhân cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng từ 6-8%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá. Nhưng theo chu kỳ mùa vụ, áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hằng năm. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Do đó, việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn.

Nhưng không tác động đến chính sách tiền tệ

Dù hầu hết các đơn vị phân tích, chuyên gia kinh tế đều thống nhất quan điểm xu thế của lãi suất huy động trong nửa cuối năm là tăng nhưng họ cũng đồng thuận cho rằng sẽ không tác động đến lãi suất đầu ra.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, có 3 nguyên nhân khiến lãi suất tăng gồm: lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiền không bị thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Cũng theo ông Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp để ổn định phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng. Theo đó, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục ở mức thấp.

Đặc biệt, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục,... nỗ lực phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay.

Thực tế, dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần nhưng mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19. Các ngân hàng liên tục triển khai những chương trình, gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất huy động tăng gần đây chưa tác động đến lãi suất cho vay vì danh mục cho vay sẽ được cơ cấu lại rủi ro. Các ngân hàng có thể giảm biên lãi ròng (NIM), cũng có thể giảm chi phí vận hành, có thể dựa vào lượng tín dụng chứ không phải cứ tăng tiết kiệm là tăng lãi suất cho vay.

Thực tế, lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp.

Ở chiều ngược lại, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động tăng cũng đồng nghĩa với việc tạo nên áp lực với lãi suất cho vay ở đầu ra. Trong bối cảnh phần lớn các ngân hàng đang nỗ lực, cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi được như trước đây, 5 tháng đầu năm cầu tín dụng gia tăng ở mức độ vừa phải.

Các tổ chức tín dụng chịu áp lực phải duy trì mức lãi suất cho vay ở mức độ thấp hoặc như hiện nay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng thì ngân hàng sẽ phải hy sinh phần lợi nhuận, hy sinh NIM, lợi nhuận biên trong một khoảng thời gian để vừa duy trì được nguồn tiền huy động vào hệ thống ngân hàng của mình, vừa bảo đảm được nguồn vốn đầu ra; vừa huy động vốn đầu vào vừa bảo đảm cầu tín dụng đủ mạnh, lãi suất đủ hấp dẫn với doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, ngay cả khi lãi suất cho vay tăng, với tình hình kinh tế tốt hơn như hiện nay, các doanh nghiệp có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo từ 13-15%/năm, nên họ vẫn sẽ chấp nhận khoảng lãi suất 8% đến 10%/năm, hoặc có thể hơn.

Để minh chứng cho nhận định này, ông Nhân dẫn thí dụ biến động lãi suất qua từng giai đoạn. Theo đó, có những lúc mặc dù lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm nhưng lợi nhuận thực tế doanh nghiệp thu về chỉ đạt xấp xỉ 8%/năm.

Như vậy, mức độ chênh lệch giữa lãi suất và lợi nhuận doanh nghiệp không cao, không những không đóng góp được GDP cho quốc gia mà lợi nhuận thực chất của doanh nghiệp gần chạm ngưỡng con số 0. Do vậy, khi lãi suất tăng có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp nhưng nếu họ kinh doanh tốt, xuất khẩu được nhiều, có những nguồn doanh thu khác tăng thêm lợi nhuận thì khoản lãi vay trong kiểm soát họ vẫn có thể chấp nhận.