Tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp

Đất đai là tài sản thế chấp quan trọng trong các thỏa thuận tín dụng. Do đó, việc doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai hơn đồng nghĩa với việc họ cũng có khả năng tiếp cận nguồn vốn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xem triển lãm quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: NAM ANH
Người dân xem triển lãm quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: NAM ANH

Tiếp cận đất đai là 1 trong 14 chỉ số thành phần (CSTP) của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số quan trọng tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy, không chỉ thu hút mà còn góp phần giữ chân các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PCI năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh.

73% số doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh

Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu lần thứ 7 liên tiếp nhờ ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Lưu Thành Công, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh thừa nhận: “Vẫn có những khu vực đất đai gặp phải rào cản thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính, về thời gian, từ đó sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Đây là điều doanh nghiệp rất cần được tháo gỡ kịp thời”.

Đất đai hiện đã trở thành lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn nhất. Trong báo cáo PCI năm 2023, điểm số trung bình chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai chỉ đạt 6,75 điểm, giảm đáng kể từ con số 6,94 điểm năm 2022 và 7,01 điểm năm 2021. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp không gặp trở ngại về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và 40,7% của năm 2023.

Tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp khó khăn chỉ còn ở mức 58,9%, trong khi năm 2022 là 80,1%. Tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà hoặc lo ngại cán bộ nhũng nhiễu là 21,2%, gần tương đương mức năm 2022 (22,2%) và cao hơn đáng kể mức của năm 2021 (10,45%). Đáng quan ngại, tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai lên tới gần 73% vào năm 2023, trong khi năm 2022 và 2021 lần lượt ở mức 42,9% và 53,9%.

Nhìn từ dữ liệu này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, đối với các doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hành chính đất đai, trở ngại lớn nhất là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn niêm yết của văn bản quy định. Kế đến là cán bộ tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không hướng dẫn đầy đủ và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định. Cùng với đó, là việc thực hiện các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian và giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định. “Do vậy, chính quyền các cấp cần tập trung vào đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đất đai và cung cấp thông tin minh bạch hơn cho doanh nghiệp”.

Nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

Theo ông Tuấn, ở cấp độ địa phương, chính quyền các tỉnh, thành phố có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn thông qua nhiều biện pháp khác nhau: từ xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp cho đến giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực giải phóng mặt bằng; và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong các thủ tục liên quan khác (chẳng hạn như cấp phép xây dựng) để doanh nghiệp có thể nhanh chóng thiết lập hoạt động trên mặt bằng kinh doanh đã có.

Tuy vậy, về bản chất liên ngành và liên cấp của lĩnh vực quản lý đất đai khiến đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất. Chính vì vậy, một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 là tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và loại bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất. Điều này giúp giảm TTHC đất đai, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật cũng đã quy định nội dung công khai TTHC về đất đai gồm: cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; cơ quan giải quyết TTHC; đối tượng thực hiện TTHC; thời gian giải quyết đối với từng TTHC; thành phần, số lượng hồ sơ đối với từng TTHC; quy trình và trách nhiệm giải quyết từng TTHC; nghĩa vụ tài chính, phí và lệ phí phải nộp đối với từng TTHC; nội dung khác của bộ TTHC (nếu có). Việc công khai về các nội dung trên thực hiện bằng hình thức niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đăng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã.

Đặc biệt, Luật còn quy định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể trong thực hiện các thủ tục này. Cụ thể, UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện TTHC tại địa phương; quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương để giải quyết TTHC về đất đai và TTHC khác có liên quan; tổ chức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC về đất đai phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và công khai kết quả giải quyết TTHC.

Ông Tuấn cho rằng, để giúp giảm thiểu các chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp cần: “Quy định cụ thể từng thủ tục, phương thức công khai, cũng như quy định rõ trách nhiệm đến từng cơ quan, chủ thể liên quan đến việc thực hiện TTHC, Luật sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp, thực hiện các TTHC, tránh tình trạng “cát cứ” khi thực hiện”.

Về phía địa phương, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi xem tiếp cận đất đai là một trong các đột phá của tỉnh để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thực hiện các dự án, công trình của mình. Chúng tôi xem đất đai là nguồn lực đột phá. Xem cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai là giải pháp để khơi thông nguồn lực này”.

Thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; kiến nghị tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như đất đai.