Tăng trưởng tín dụng lên nhanh

Chỉ tính riêng trong tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu năm cộng lại. Ngành ngân hàng hoàn thành ngoạn mục chỉ tiêu Chính phủ giao.
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6% so với cuối năm 2023. Ảnh: BẮC SƠN
Tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6% so với cuối năm 2023. Ảnh: BẮC SƠN

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6% so với cuối năm 2023. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã đạt chỉ tiêu theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ giao đến hết quý II/2024 phải đạt 5-6%.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,4%. Như vậy, trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,6%, riêng tuần cuối cùng tăng hơn 1,5%. Như vậy, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng đã bơm hơn 800.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, riêng tháng 6 là 480.000 tỷ đồng.

“Cảnh báo đỏ” với chỉ tiêu tín dụng

Mức tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh, tính đến giữa tháng 6, nhiều ngân hàng vẫn đang rơi vào cảnh tăng trưởng âm. ABBank tăng trưởng tín dụng âm hơn 10%, một số ngân hàng tín dụng tăng trưởng âm 1-5%, như SeABank, PVComBank, BAOVIET Bank…

Trong một thông tin tới báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, vẫn có tới 23 địa phương tăng trưởng tín dụng âm, Lâm Đồng là địa phương có mức âm cao nhất tới 7%. Ngoài ra, có 29 địa phương tăng trưởng dưới 2%, chỉ có 11 tỉnh, thành phố có mức tăng hơn 2%.

Một trong những mảng cho vay được đánh giá là “trụ cột” chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản thời gian qua cũng rơi vào tình trạng trầm lắng, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đều chậm lại.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cũng thừa nhận, cầu cho vay bất động sản đang rất yếu. Dù giá nhà neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm nhưng giao dịch thực tế lại không nhiều, nên nhu cầu về nhà ở của người dân đang ở mức thấp. Xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ tại một hội nghị ngành ngân hàng, tính đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới tăng 2,1%. Nguyên do, tín dụng cá nhân, chủ yếu là vay mua bất động sản tăng chậm, thậm chí còn tăng trưởng âm tại quý I/2024.

Trong khi đó, đại diện VPBank chia sẻ, tín dụng ngân hàng này tính đến ngày 31/5 mới tăng 1,91%, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Tương tự, tại VIB, tính đến hết ngày 31/5 mới tăng trưởng 1,14%; đến cuối tháng 5/2024, tín dụng tăng trưởng của Agribank mới chỉ ghi nhận 1,2%...

Lý giải nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 6 có tốc độ “thần tốc”, báo cáo của NHNN cho biết, các hợp đồng đã ký kết dồn dập giải ngân trong tháng 6. Ngoài ra, trong giai đoạn các ngân hàng công bố tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp, NHNN cũng phát đi “cảnh báo” sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những đơn vị có khả năng phát triển hơn.

Bởi lẽ, khác với mọi năm, NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024. Việc giao chỉ tiêu một lần là biện pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua tín dụng do dự báo khó khăn vẫn còn tiếp diễn.

Xem xét kéo giảm mức tăng trưởng đều đặn 15%/năm

Không chỉ bị thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để NHNN phân bổ phù hợp. Nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room nhưng không thể tăng trưởng sẽ bị xem xét trong việc cấp chỉ tiêu cho năm tiếp theo.

Những yếu tố này cùng với “mùa vụ” vay vốn có thể là các tác nhân khiến tăng trưởng tín dụng “phi mã” chỉ trong thời gian ngắn. Dù vậy, có một thực tế là đối tượng tiếp cận tín dụng thời gian qua chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn bởi thiếu tài sản bảo đảm, các ngân hàng có xu hướng thận trọng hơn.

Khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy, có tới 41% số doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng càng kinh doanh càng lỗ, phải xử lý các khoản nợ đến hạn thay vì vay mới…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhắc nhở các ngân hàng về việc tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu không tăng trưởng bằng mọi giá, phải chú trọng chất lượng. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu khoảng 15%, ước tính sẽ “bơm” vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng từng bước nỗ lực giảm lãi suất, đẩy mạnh hoạt động cho vay. Cùng với đó là triển vọng kinh tế đang khả quan hơn, cộng thêm việc các ngân hàng được tiếp tục tái cơ cấu nợ cho khách hàng đến hết năm 2024, nhu cầu tín dụng được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm và đạt mục tiêu ngành đưa ra.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, mức độ tăng trưởng đưa ra hiện nay là không thấp và không nên tăng đều đặn ở mức 14-15%/năm mà cần giảm dần.

Cũng theo ông Độ, Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tình trạng tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 5-6%/năm, cùng với lạm phát khoảng 4%/năm, trong khi tín dụng tăng 15% kéo dài, thì tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ ngày càng lớn, trở thành “quả bom nổ chậm”, dễ tạo “bong bóng” đầu cơ tài sản.

Thời gian gần đây, có một thực trạng đang diễn ra là việc huy động vốn đang thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Cụ thể, tính đến ngày 24/6, huy động vốn mới tăng 1,5% trong khi giai đoạn này tăng trưởng tín dụng đã tăng 4,45%.

Nếu xét theo số tuyệt đối, tiền gửi khách hàng của các tổ chức tín dụng ước tăng thêm chỉ hơn 200.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng tăng ròng đến hơn 600.000 tỷ đồng - gấp ba lần mức tăng của tiền gửi.

Trong trường hợp vẫn đẩy mạnh cho vay và kéo giãn chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng, các ngân hàng khó có thể tránh khỏi việc phải chấp nhận tiếp tục tăng lãi suất đầu vào và chứng kiến biên độ lãi suất đầu ra - đầu vào thu hẹp lại. Trong tình hình nợ xấu vẫn đang trong xu hướng đi lên, lựa chọn này càng trở nên khó khăn. Do đó, cần phải dần dần kéo giảm con số tăng trưởng tín dụng lên đến 15%/năm, thay vào đó là phát triển các kênh huy động vốn khác, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Nhất là trong bối cảnh các rủi ro tỷ giá và lạm phát buộc các nhà điều hành phải kiểm soát cung tiền thận trọng hơn, khiến nguồn vốn đầu vào của hệ thống ngân hàng đang có nhiều hạn chế, hoạt động cho vay cũng từ đó bị ảnh hưởng.