Câu chuyện lượng và chất trong chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận có tới gần 8 triệu tài khoản được mở, tương đương 8% dân số. Hơn một nửa số nhà đầu tư xuất hiện trong giai đoạn thị trường “thăng hoa”, đầu tư theo phong trào, thiếu kiến thức nền tảng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VDSC) vừa có thông tin thông báo về lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo đó, trong tháng 5 đã có thêm 132.220 tài khoản chứng khoán được mở mới, nâng số lượng tài khoản trong 5 tháng đầu năm 2024 lên 645.000 tài khoản.

Số lượng tài khoản tăng nhanh

Cũng theo VDSC, tính đến ngày 31/5/2024, tổng số lượng tài khoản chứng khoán đạt kỷ lục với 7,94 triệu, riêng nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới hơn 99% với 7,87 triệu tài khoản, chiếm gần 8% dân số cả nước; nhà đầu tư nước ngoài đạt 46.300 tài khoản.

Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch vào năm 2025 và 11 triệu vào năm 2030. Như vậy, lượng tài khoản chứng khoán tính đến hiện tại còn cách mục tiêu ngắn hạn gần 1,1 triệu đơn vị.

Số lượng nhà đầu tư chứng khoán tăng kỷ lục trong bối cảnh VN Index ở vùng đỉnh của khoảng 3 tháng gần đây, cũng như tương đương với mức giá cao nhất hồi tháng 8/2022. Trong tháng 5, chỉ số VN Index đã tăng 4,3% lên 1.280 điểm. Tính chung trong 5 tháng qua, thị trường đã tích lũy được 11,7%, gần tương đương mức tăng của năm 2023.

Sự tham gia tích cực của đông đảo nhà đầu tư trong nước đang được xem là lực đối kháng trước xu hướng dòng tiền bán ròng của khối ngoại. Thanh khoản mỗi phiên giao dịch từ tháng 3 đến nay duy trì ở mức 20.000 tỷ đồng, có lúc vượt 40.000 tỷ đồng.

Điều này cũng phù hợp khi thị trường chứng khoán đang được giới chuyên gia đánh giá là kênh hấp dẫn khi nền kinh tế chung đang phục hồi, lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện. Hay như mùa đại hội cổ đông thường niên 2024, hàng loạt doanh nghiệp đưa ra kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ cao, trong đó có cả cổ tức tiền mặt.

Đặc biệt, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, mức tăng của VN Index từ đầu năm đến nay vẫn còn thấp so với chỉ số thị trường của nhiều quốc gia. Đồng thời, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ vẫn là động lực để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Tuấn, từ nay đến cuối năm, có nhiều yếu tố thuận lợi vẫn hỗ trợ thị trường chứng khoán. Chẳng hạn như, “sóng” vàng sẽ không kéo dài khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải pháp bình ổn thị trường, giá USD theo nhận định có thể đã ở mức đỉnh, thị trường cũng chưa hồi phục mạnh. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm có tăng trở lại nhưng ở mức thấp nên xu hướng tích cực vẫn là chủ đạo với thị trường chứng khoán.

Về số lượng gần 8 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, đây là con số khả quan nhưng so sánh với các nước khác thì tỷ lệ tài khoản trên tổng dân số vẫn còn thấp. Trong xu hướng phát triển chung, thu nhập bình quân đầu người tăng lên thì số tài khoản chứng khoán trên tổng số dân có thể lên đến mức 10-15% trong 5-10 năm tới.

Đồng quan điểm nhưng ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi Giới Công ty chứng khoán Mirae Asset chỉ ra vẫn còn một số góc độ cần lưu ý, đó là số lượng tài khoản vẫn đang hoạt động không phải toàn bộ số báo cáo. Bên cạnh đó, trong số tài khoản mở mới có sự dịch chuyển giữa các công ty chứng khoán vì khuyến mãi. Về mặt tổng quan thì có thể tích cực nhưng về thực tế thì vẫn chưa thể hiện rõ.

Chất lượng có như đã từng?

Thực tế, trong chặng đường phát triển của thị trường chứng khoán trong suốt 24 năm qua, nhà đầu tư cá nhân luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất phải kể đến giai đoạn 2021 – 2022. Chỉ tính riêng 2 năm này, đã có tới hơn 4 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, chiếm hơn 50% tổng số tài khoản tính đến hiện tại.

Không có con số thống kê cụ thể, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đưa ra nhận định, phần lớn những nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường kể từ năm 2021 đến nay đều gần như không có kiến thức nền tảng về đầu tư, tài chính, chủ yếu đầu tư theo hô hào, “thấy người ta bảo lãi thì đầu tư”.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán luôn biến động, đi kèm với những phiên giao dịch lên đỉnh cũng là những pha “đổ đèo đầy đau thương”. Một thí dụ điển hình cho việc đầu tư theo số đông là câu chuyện đã mất một số tiền lớn vào thị trường chứng khoán, phải bán căn nhà để xoay xở, phục vụ cho công việc chính của một bạn ca sĩ trẻ vừa được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày gần đây.

Bạn ca sĩ này cho biết, giai đoạn dịch Covid-19, không có việc gì để làm, trong khi đang sẵn tiền nhàn rỗi, thấy những người bạn khác chơi chứng khoán nên đã tham gia cùng. Mới đầu, chỉ xác định đầu tư cho biết, nên không dành quá nhiều tiền cho việc này. Nhưng sau đó, thấy mua cổ phiếu gì cũng thắng đã tạo cho bản thân sự ảo tưởng là đã hiểu biết về thị trường, nên đã dồn hết tiền vào đầu tư với kỳ vọng kiểu gì cũng lãi mấy chục phần trăm.

Tuy nhiên, đúng lúc dành số tiền lớn vào đầu tư chứng khoán thì cũng là giai đoạn thị trường đi xuống, rồi phải tăng vốn để gỡ gạc nhưng lại mất thêm tiền. “Mình đã mất 80% số tiền đầu tư vào chứng khoán. Khi chứng khoán rớt điểm, mình đang cần tiền, không chấp nhận bán lỗ nên đã bán căn nhà để xoay xở công việc bên ngoài”, ca sĩ trẻ này cho biết.

Thực tế, hành trình của bạn ca sĩ trẻ này cũng là tâm lý chung của gần như tất cả các nhà đầu tư mới của thị trường chứng khoán khi bắt đầu quyết định chọn cổ phiếu để đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư đều bị cuốn theo đám đông và sóng thị trường, mua bán theo hô hào. Số tiền lúc đầu coi đó là “học phí” ngày càng được tăng lên, lớn hơn rất nhiều, có người rơi vào cảnh nợ nần.

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành, không được xem thị trường chứng khoán như một trò chơi. Đây là nơi cổ phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết, phản ánh kết quả kinh doanh của họ. Nếu kinh doanh tốt thì giá lên và ngược lại. Do vậy, trước khi quyết định xuống tiền cần nhìn vào doanh nghiệp chứ không phải thấy người ta làm cũng theo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, dù là nhà đầu tư mới hay nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mục đích cuối cùng khi đầu tư chứng khoán vẫn là tìm kiếm lợi nhuận, chỉ khác ở cách tư duy và hành động.

Một lượng lớn nhà đầu tư trong giai đoạn trước đã có cho mình những bài học xương máu tại các kỳ lên xuống của thị trường trong hơn 3 năm qua, những người nào chưa rời bỏ thị trường chắc chắn cũng đã vững vàng hơn.