Cơ chế đặc thù thúc đẩy các dự án trọng điểm

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược được xác định rõ trong Nghị quyết 43 của Quốc hội. Với các cơ chế đặc thù, lần đầu tiên trong lịch sử, 8 công trình giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai đồng loạt trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đoạn nền đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội đã thành hình tại vị trí giao cắt với quốc lộ 6 (giáp bến xe và ga tàu điện Yên Nghĩa).
Đoạn nền đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội đã thành hình tại vị trí giao cắt với quốc lộ 6 (giáp bến xe và ga tàu điện Yên Nghĩa).

Gỡ nút thắt triển khai dự án

Là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, khi triển khai các dự án thành phần đường cao tốc bắc - nam đã nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, quy trình thủ tục cấp mỏ nguyên vật liệu rườm rà, giá nguyên vật liệu tăng cao… khiến một số dự án chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, việc cung cấp nguyên vật liệu từ các mỏ khoáng sản chưa đáp ứng nhu cầu do nhiều dự án được triển khai cùng một thời điểm, hồ sơ cấp phép mỏ khoáng sản bị chậm trễ. Mặt khác, các dự án đường cao tốc bắc - nam đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) rất ít, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vì còn vướng cơ chế, chính sách.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, mặc dù các tỉnh nỗ lực tạo điều kiện cho chủ đầu tư có nguồn vật liệu thi công nhưng do các thủ tục không làm nhanh được nên vẫn chậm, cản trở tiến độ của các dự án giai đoạn 2. “Các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất mong muốn đóng góp nguồn vốn tham gia các dự án hạ tầng theo hình thức PPP nhưng việc thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù đã khiến họ gặp không ít khó khăn trong việc tham gia và triển khai dự án”.

Ông Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đánh giá, những dự án đầu tư lớn, đặc biệt các công trình giao thông vướng mắc bởi rất nhiều yếu tố quy định của pháp luật mà không phù hợp với các lĩnh vực đầu tư chung đó. Chính vì vậy, việc có cơ chế đặc thù sẽ giúp các dự án thi công có thể áp dụng chung cơ chế để bảo đảm nhanh hơn.

Từ nhiều vướng mắc, Quốc hội đã có Nghị quyết số 43/2022/QH15, quy định 3 cơ chế đặc thù được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023 về thực hiện chỉ định thầu, cấp phép khai thác mỏ và phân cấp quản lý thực hiện các tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công (trừ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc - nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025).

Các cơ chế đặc thù được thực hiện trong hai năm 2022, 2023 và được kéo dài đến năm 2024 với những dự án chưa hoàn thành theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian áp dụng cơ chế đặc thù không quá dài, nhưng đã mang lại những kết quả có thể đo lường, thống kê chi tiết ngay trong lĩnh vực có nhiều dự án thuộc Chương trình nhất, đó là giao thông vận tải.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Chỉ trong 3 năm trong và sau đại dịch, 635 km đường cao tốc bắc - nam đã hoàn thành nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001 km. Đến tháng 4/2024, đường cao tốc bắc - nam giai đoạn 1 gần như hoàn thành. Bên cạnh đó, 5/7 công trình trọng điểm còn lại đều giải phóng mặt bằng đạt hơn 90%. Công tác thi công cũng đang nỗ lực đạt tiến độ cao nhất.

Kết quả này chính là nhờ các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 43 đã mở đường, tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, 3 cơ chế chưa từng có tiền lệ đã được áp dụng. Thực tiễn triển khai các dự án trong 2 năm 2022, 2023 đã chứng minh các cơ chế này phát huy hiệu quả. “Ngành giao thông, các địa phương đã triển khai rất hiệu quả các dự án áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43. Đặc biệt đã giúp tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, bộ, ngành”, ông Huy khẳng định.

Điển hình như dự án đường vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội. Cơ chế phân cấp, phân quyền cho phép UBND các tỉnh làm chủ đầu tư dự án đi qua địa bàn tỉnh mình đã phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của địa phương. Các nhà thầu được tạo thuận lợi đều cam kết rút ngắn tiến độ. Qua đó nâng cao tính hiệu quả triển khai dự án.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam: "Nhờ những thủ tục thuận lợi, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ dự án. Các nhà thầu tận dụng từng ngày, từng giờ để bứt tốc nhiều hạng mục. Nhà thầu đã huy động gần như 100% nhân sự, máy móc để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án, quyết tâm đưa gói thầu về đích vào cuối năm 2025”.

Còn theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai, khu tái định cư đã nhanh chóng được hoàn thiện tạo thuận lợi cho người dân di dời, trả mặt bằng cho dự án.

Cơ chế đặc thù cũng đã rút ngắn thời gian làm thủ tục khai thác khoáng sản, tránh đầu cơ, nâng giá vật liệu. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, khi có cơ chế, địa phương làm ngay nên chỉ 4 tháng các hoạt động khai thác được cấp phép. Trong khi đó, nếu thực hiện theo các thủ tục thông thường phải mất từ 16 - 19 tháng. Vì vậy mà các dự án đều có thể đẩy nhanh tiến độ lên rất nhiều.

Thực tiễn triển khai các dự án, công trình cho thấy, việc áp dụng các cơ chế đặc thù cho dự án thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15, hay một số dự án quan trọng quốc gia khác đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Bộ Giao thông vận tải cũng đã nghiên cứu, trình Chính phủ cho phép áp dụng rộng rãi hơn các cơ chế này. Đây là một tín hiệu tích cực góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh hiện nay.