Khó tiếp cận vốn, kể cả chương trình ưu đãi lãi suất 2%
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Một mặt, do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đi vay. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn. Trong đó, điển hình nhất là doanh nghiệp cho biết, không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Đến hết tháng 8/2023 thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% tổng nguồn lực.
Nguyên nhân chủ yếu là khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
“Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Ngoài ra, theo cơ quan này, việc giải ngân hỗ trợ lãi suất 2% thấp còn do gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Cụ thể, khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi (thường thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh). Trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí nêu trên làm cho ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên khó để đánh giá việc đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.
“Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến khoảng 38.592 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn lại đề xuất.
Cần giảm mặt bằng lãi suất
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá: Chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Từ cuối 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất của Việt Nam có biến động tăng mạnh, dù hiện nay đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, đó là lãi suất ngắn hạn, còn về dài hạn lãi suất trung bình của đồng tiền Việt Nam luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực. Điều này xuất phát từ rủi ro kinh doanh tại Việt Nam vẫn cao, an ninh tài chính tiền tệ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn kém so với các nước chung quanh, xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn còn thấp.
PGS, TS Phạm Thế Anh, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bốn lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành đồng thời bơm thanh khoản giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm khá nhanh, từ mức 8-10% trong quý I xuống còn khoảng 6-7%/năm hiện nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng chỉ còn 4-5%/năm.
Theo chuyên gia này, việc sử dụng công cụ lãi suất đã gần đến điểm tới hạn và Việt Nam không còn nhiều dư địa thể hạ thêm bởi các ràng buộc. Một là các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao. Hai là điều kiện lãi suất thực dương trong nước (lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng với lạm phát lõi). Ba là cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại.
Do vậy, chính sách tiền tệ hiện nay chỉ nên tập trung vào giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống. Tốc độ tăng cung tiền trong hai năm gần đây là khá thấp, do vậy bơm thanh khoản là cần thiết để duy trì mặt bằng lãi suất thấp.
“Tuy nhiên, trong dài hạn, Việt Nam cần ổn định được tỷ lệ cung tiền rộng/GDP, vốn đã rất cao so với các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực (bất chấp việc đã hai lần điều chỉnh GDP theo phương mới trong một thập kỷ qua), để tránh gây bong bóng giá tài sản và lạm phát”, PGS, TS Phạm Thế Anh lưu ý.