Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, nhiều quốc gia đã tăng lãi suất liên tục để kiềm chế lạm phát, xung đột Nga - Ukraine và những biến động khó lường của địa, chính trị toàn cầu đã khiến tổng nhu cầu của các nước sụt giảm mạnh. Là một quốc gia có độ mở lớn, Việt Nam chịu những tác động, ảnh hưởng không nhỏ. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tổng cầu, từ đó, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Những giải pháp Chính phủ đưa ra trên nền tảng phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa (mục tiêu cân bằng thu chi ngân sách) và chính sách tiền tệ (mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền nội tệ) nhằm thúc đẩy các yếu tố trọng yếu của tổng cầu nền kinh tế bao gồm tiêu dùng trong nước, đầu tư của lĩnh vực tư nhân, chi tiêu công của Chính phủ và xuất khẩu ròng.
Thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp
Với vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã vận dụng linh hoạt các công cụ để kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ. Trên nền tảng đó, NHNN đã giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã liên tiếp ba đợt giảm lãi suất điều hành trong tháng 3, tháng 4 và
tháng 5. Trong bối cảnh nhiều quốc gia liên tục tăng lãi suất điều hành thì Việt Nam là một trong những quốc gia điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đầu năm 2023. NHNN cũng chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất của NHNN góp phần khuyến khích các tổ chức tín dụng rót thêm vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng của người dân và đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và khơi thông dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Liên quan thị trường trái phiếu, NHNN đang từng bước phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, trong đó có việc ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện, bảo đảm kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, hai thông tư này gỡ vướng cho cả hai phía, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. NHNN cũng dự kiến sửa đổi Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 10% xuống còn 8% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ). Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này do giá bán hàng hóa giảm, kích thích tăng nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi do chi phí giảm, tăng khả năng phục hồi sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án, chương trình như: Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030... Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và đầu tư trở lại nền kinh tế, Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng. Đầu tiên là việc gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 tại Nghị định số 12/2023/NĐ-CP. Tiếp theo là các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, bền vững, trong đó có việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP nhằm gỡ những điểm nghẽn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 và các công điện, quyết định, chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh: SONG ANH |
Giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh xuất khẩu
Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, đầu tư công là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ dự kiến dành một khoản ngân sách 1 triệu tỷ đồng để đầu tư trong giai đoạn này. Tính đến cuối tháng 4/2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân đạt 14,66% kế hoạch năm 2023, còn thấp so kế hoạch. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt hơn 95% kế hoạch được giao.
Trong hoạt động xuất khẩu, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thương vụ, xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống...
Trước dấu hiệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu suy giảm và tác động của Công ước Thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, hạ tầng giao thông trên cơ sở tận dụng tốt nhất các lợi thế sẵn có của Việt Nam như: tình hình chính trị ổn định, môi trường pháp lý đầy đủ, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế; chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và các ưu đãi đầu tư; lực lượng lao động trẻ, dồi dào, được đào tạo...
Những thách thức phía trước
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu, cùng với những khó khăn trong nước đã đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù lãi suất điều hành đã giảm liên tiếp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao, dẫn tới nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Bản thân doanh nghiệp cũng đang cân nhắc việc mở rộng sản xuất, kinh doanh khi triển vọng kinh tế trong nước và quốc tế chưa mấy sáng sủa. Trong khi đó, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động tín dụng, hoạt động tín dụng từ hệ thống ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp mặc dù thanh khoản thị trường khá dồi dào. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm 2023 của nền kinh tế chỉ đạt 1,61%, trong khi kế hoạch năm 2023 là 14,5%.
Ngoài ra, tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm khiến dòng tiền vào nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, phần lớn chỉ luân chuyển trong hệ thống Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng thông qua các nghiệp vụ như tiền gửi, mua, bán trái phiếu chính phủ, nghiệp vụ thị trường mở... Trong bốn tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giải ngân đầu tư công chỉ đạt 110.633 tỷ đồng, khoảng 14,66% kế hoạch (754.659 tỷ đồng). Giải ngân vốn đầu tư công thấp khiến tồn quỹ đầu tư công ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê bốn tháng đầu năm 2023, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đạt 139.683 tỷ đồng, tăng 204% so cùng kỳ, trong khi, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước tăng lên con số gần 300.000 tỷ đồng.
Để đột phá hai điểm nghẽn là đầu tư công và tín dụng nhằm khơi thông dòng vốn chảy vào nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế với nỗ lực cao nhất. Một số chuyên gia cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các giải pháp, chẳng hạn như: thí điểm áp dụng hình thức đầu tư công cho việc phát triển 1 triệu căn hộ nhà xã hội dành cho người có thu nhập thấp thuê, thuê mua hoặc mua; thí điểm chỉ định thầu rút gọn đối với các nhà đầu tư, chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đối với các dự án nhà ở xã hội, dự án cao tốc, dự án trọng điểm khác...