Bộ Tài chính cũng cho biết, đến cuối năm 2021, quy mô thị trường TPDN tương đương 18,2% GDP, tăng 42,4% so cuối năm 2020 (17,11% GDP), trong đó quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt 16,84% GDP, tăng 40,5% so năm 2020. Bước sang các tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 104.752 tỷ đồng, gấp ba lần so cùng kỳ năm 2021. Khối lượng phát hành tập trung chủ yếu trong tháng 1, trước thời điểm quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực và ngay lập tức, trong các tháng tiếp theo, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ đã giảm dần.
“Tiếp tay” phát hành trái phiếu sai luật
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra những vấn đề nổi cộm về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Xét về loại hình doanh nghiệp thì các công ty đại chúng chiếm 47,17% tổng khối lượng phát hành; công ty cổ phần chưa đại chúng chiếm 41,79% và công ty TNHH chiếm 11,04%. Xét về lĩnh vực hoạt động, các TCTD có lượng phát hành lớn nhất, chiếm tới 36,18% tổng khối lượng phát hành. Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) chiếm 33,16%; các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, sản xuất và xây dựng chiếm lần lượt 5,5%, 4,59% và 3,19% tổng khối lượng phát hành.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu là nhằm tăng vốn hoạt động, chiếm 44,49% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Có 19,10% số trái phiếu phát hành để thực hiện dự án, 4,52% được sử dụng cho mục đích cơ cấu lại nguồn vốn; 29,29% khối lượng trái phiếu phát hành được sử dụng kết hợp các mục đích. Năm 2022, các doanh nghiệp BĐS và xây dựng là hai nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 45,1% và 22,1%. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 9,5%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,5%.
Trong khi đó, năm 2021 trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành lại có tới 88,2% khối lượng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán và tài sản bảo đảm chủ yếu là BĐS, các chương trình, dự án. Theo đó, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm cao nhưng chất lượng tài sản bảo đảm chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS. Trường hợp thị trường BĐS khó khăn, giá trị tài sản bảo đảm có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đánh giá về nhà đầu tư, Bộ Tài chính chỉ rõ, trên thị trường sơ cấp năm 2021, các nhà đầu tư trong nước mua 98,55% khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 1,45%. Các TCTD và công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính, mua lần lượt 37,87% và 34,47% tổng khối lượng phát hành; các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 5,39%. Các TCTD chủ yếu mua trái phiếu do các TCTD khác và doanh nghiệp bất động sản phát hành. TCTD là nhà đầu tư chính của trái phiếu BĐS, xây dựng và sản xuất, chiếm lần lượt 41,26%, 40,99% và 55,46% khối lượng phát hành của mỗi nhóm. Nhà đầu tư cá nhân (trên thị trường sơ cấp) chủ yếu mua trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, công ty chứng khoán và TCTD. Các tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ là các TCTD, chiếm 41,5% tổng khối lượng phát hành, các công ty chứng khoán mua 18,4%; nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 9,5%.
Trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ mua của các TCTD và nhà đầu tư cá nhân cao hơn trên thị trường sơ cấp. Cuối năm 2021, tỷ trọng nắm giữ của các TCTD là 61,57% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký đã phát hành trong năm. Như vậy, phần lớn trái phiếu được các công ty chứng khoán mua trên thị trường sơ cấp và phân phối lại cho TCTD, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác. TCTD và nhà đầu tư cá nhân là người mua chính TPDN phát hành trong năm 2021 chiếm trên 80%, khoảng 20% còn lại là do các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức khác mua. Tính chung toàn thị trường TPDN riêng lẻ, các TCTD nắm giữ 44,46% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký và có khoảng 30% do các tổ chức phi tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ. Việc có mặt doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường TPDN đã được Bộ Tài chính ghi nhận.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao dịch
Với thực tế trên, đánh giá chung về tình hình thị trường TPDN, Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2021, thị trường TPDN vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn với khối lượng phát hành tăng 40,36% so năm 2020. Khối lượng đăng ký chào bán TPDN ra công chúng năm 2021 tăng cao nhất từ trước tới nay, đạt 51.125 tỷ đồng, tăng 51,8% so năm 2020; khối lượng phát hành thực tế tăng 11,8%, chiếm 5,3% tổng khối lượng phát hành.
Nhận xét về thực tế này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, khối lượng giao dịch trên thị trường TPDN thứ cấp, bao gồm cả TPDN niêm yết và TPDN phát hành riêng lẻ, đều tăng so năm 2020. Trong quý I/2022, các doanh nghiệp đã chào bán 5.486 tỷ đồng TPDN ra công chúng, cho thấy nhu cầu giao dịch TPDN trên thị trường tương đối lớn, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao dịch TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) là cần thiết để vừa tăng cường tính minh bạch của thị trường, vừa thúc đẩy thanh khoản trái phiếu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, trong đà tăng trưởng đó, các cơ quan quản lý càng phải nhìn nhận rõ những rủi ro tiềm ẩn để có giải pháp điều hành phù hợp, khi rõ ràng trên thị trường TPDN đã xuất hiện những vấn đề mới, chỉ có từ 2021 trở lại đây. Trong những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường, rủi ro về nhà đầu tư TPDN riêng lẻ rất đáng quan tâm. Mặc dù trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ giảm mạnh so năm 2020 nhưng trên thị trường thứ cấp tỷ trọng mua của các nhà đầu tư cá nhân lên tới mức 19% tổng khối lượng phát hành.
Không những thế, để chào mời, mua TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ. Đã có nhiều nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn TPCP hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2-4 ngày. Đã có tình trạng nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị hơn 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn. Đã có cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.
Trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành. 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu. Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với một khách hàng/nhóm khách hàng.
Trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai TPDN phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu có lãi suất cao (11%-12%/năm), thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp. Ngay cả các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng có nhiều vấn đề, như tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn, rà soát, hỗ trợ xây dựng hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ đáp ứng quy định về điều kiện và hồ sơ chào bán trái phiếu và có trách nhiệm rà soát, bảo đảm tính tuân thủ của hồ sơ. Tuy nhiên, có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư. Hay một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký đã cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm chào mời nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ.
Rõ ràng, các quy định pháp lý hiện có chưa đủ sức răn đe, còn có những nội dung không còn phù hợp thực tiễn, tạo kẽ hở cho một số tổ chức, “lách kẽ”, vi phạm pháp luật, lũng đoạn thị trường. Thị trường TPDN hiện đang rất cần những quy định, giải pháp có tính pháp lý cao, có tầm bao quát rộng hơn, quy định chặt chẽ hơn đủ hiệu lực bóc tách, ngăn chặn những bất cập, sơ hở nguy cơ cản trở con đường tiếp cận nguồn vốn cần có của các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường.