Tăng cường bình đẳng giới trong quản lý rác thải

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi quản lý rác thải tại Việt Nam và cần được ghi nhận đầy đủ trong các chính sách và chương trình hỗ trợ. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình tại hội thảo “Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý rác thải nhựa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Đại sứ quán Canada và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Việt Nam hợp tác tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.

Phụ nữ là nhân tố tích cực

Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược về giới và bảo vệ môi trường, song đây là vấn đề cần sự chung tay của toàn xã hội và các đối tác phát triển để có thể vừa nâng cao vị thế của phụ nữ vừa giúp giải quyết rác thải nhựa. Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho rằng, nhận thức về rác thải nhựa và bình đẳng giới trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể, đây không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn về công bằng xã hội. Từ năm 2018, Canada đã thông qua “Chiến lược toàn Canada về không rác thải nhựa”. Cũng như Việt Nam, Canada nỗ lực thúc đẩy sáng kiến Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) và hai nước đang chia sẻ những tầm nhìn chung.

“Chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn để khắc phục các vấn đề trong sản xuất, sử dụng và xử lý nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức về những thách thức gia tăng liên quan sức khỏe con người, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội”, ông Shawn Steil cho biết thêm.

Tại hội thảo, Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) đã công bố kết quả Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới (GESI) trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam. Đây là kết quả nghiên cứu về các vai trò cụ thể của phụ nữ trong chuỗi quản lý rác thải, trong đó có chủ doanh nghiệp, những người đi thu gom rác không chính thức hoặc ở cấp hộ gia đình. Báo cáo dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau, gồm cả các kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong nhiều giai đoạn; dữ liệu khảo sát trực tuyến, thảo luận và phỏng vấn sâu với các đối tượng từ Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh, đại diện cho ba khu vực siêu đô thị, đô thị và nông thôn.

Nhận định về báo cáo này, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho rằng, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt và chú ý nhiều hơn đến việc phân loại và tái sử dụng rác gia đình, tuy nhiên hiện nay có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với phụ nữ mang thai, người cao tuổi… Sự đóng góp của phụ nữ chưa được ghi nhận, phản ánh đầy đủ trong các quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là người nhập cư, các nhóm dễ tổn thương đã tham gia vào quá trình quản lý chất thải. Ông Haverman cũng khuyến nghị cân nhắc chính sách để giảm tác động với các nhóm phụ nữ, nâng cao vai trò của những người phụ nữ thu gom ve chai, phế liệu, bảo đảm tiếng nói của phụ nữ, người di cư, các nhóm yếu thế trong xã hội đều được lắng nghe và lồng ghép các hoạt động về giới trong quá trình xử lý rác thải nhựa của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ đồng cảm và nhấn mạnh: “Phụ nữ là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hằng ngày liên quan rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh, chăm sóc cho gia đình… Vì vậy, nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng hay người quản lý thì họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Cũng theo bà Hương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hoạt động.

Tăng cường bình đẳng giới trong quản lý rác thải ảnh 1

Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil phát biểu tại Hội thảo.

Giải pháp trong quản lý chất thải nhựa

Đề cập giải pháp để thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của phụ nữ trong toàn bộ chuỗi quản lý chất thải nhựa, bà Nguyễn Thị Nhật Hoài, chuyên gia về giới tại NPAP Việt Nam nêu bật thực trạng hiện nay là khoảng trống chính sách đối với nhóm đối tượng là lao động phi chính thức trong chuỗi xử lý rác thải tại Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm của Canada, ông Brian Allemekinders - Tham tán, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết: “Để giải quyết những vấn đề về kỳ thị đối với phụ nữ lao động khu vực phi chính thức, Canada đã chính thức hóa công việc này, đưa xử lý rác trở thành một nghề nghiệp được trả lương”. “Có hai yếu tố để hỗ trợ nhóm đối tượng này là nâng cao năng lực và cung cấp trang thiết bị như đồ bảo hộ, xe đạp… Điều đó không chỉ cải thiện nghề nghiệp, bảo đảm an toàn lao động mà còn giảm kỳ thị đối với họ”, ông Brian nói thêm.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. EPR đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (2020), Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện EPR cho các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải thực hiện EPR.

Từ phía doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty Vietcycle chia sẻ, đã có nhiều chương trình được khối doanh nghiệp triển khai hiệu quả như sáng kiến tài chính vi mô cho phụ nữ nghèo vay vốn trong 20 năm, các chương trình, sáng kiến hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe cho phụ nữ thu mua ve chai, phế liệu... Vietcycle cũng đang tổ chức tuyên truyền, thu gom rác thải nhựa giá trị thấp. Ngoài ra, còn phải kể đến dự án xây dựng nhà máy tái chế hóa học ở Hà Nam, có khả năng tái chế cả lưới đánh cá và dây thừng thu gom trên biển.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đang chú trọng việc triển khai Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là một công cụ chính sách để bảo đảm rằng, những người sản xuất và nhập khẩu sản phẩm vào thị trường phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm do họ sản xuất ra, trên cơ sở nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. EPR đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (2020) của Việt Nam.