Tái cấu trúc để vượt khó

Trong khi chờ được hỗ trợ từ Nhà nước, một số doanh nghiệp đang xoay xở vượt qua khó khăn bằng chiến lược tái cấu trúc. Đây cũng là biện pháp được chuyên gia kinh tế khuyến nghị nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với hoàn cảnh và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp bất động sản đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp bất động sản đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tự cứu mình

Thời gian qua, do bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua ngành bán lẻ suy giảm cộng với hiệu quả vận hành của chuỗi Bách hóa xanh không như kỳ vọng, Công ty CP Thế giới di động đã phải tái cấu trúc bằng cách đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Dữ liệu trên website của Thế giới di động cho thấy, tính đến ngày 30/11/2022, đơn vị này đã đóng cửa 375 cửa hàng Bách hóa xanh từ đầu năm đến nay, số cửa hàng hiện tại chỉ còn 1.731.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, chuỗi Bách hóa xanh vừa trải qua quá trình tái cấu trúc khi thay đổi cách sắp xếp hàng hóa và đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Ước tính, chuỗi này ghi nhận khoản lỗ khoảng 1.130 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2022.

Trong lĩnh vực bất động sản, theo công ty thẩm định giá bất động sản DKRA, thời gian gần đây, giá bất động sản trên thị trường sơ cấp không giảm nhưng bù lại, người mua được hưởng nhiều chính sách từ phía chủ đầu tư khi thị trường khó khăn thanh khoản.

Tại TP Hồ Chí Minh và lân cận, đất nền và nhà phố/biệt thự đang được nhiều chủ đầu tư bán “cắt lỗ” để giải quyết khó khăn về dòng tiền và áp lực lãi suất tăng cao. Nhiều chính sách ưu đãi thanh toán nhanh được chủ đầu tư áp dụng với mức chiết khấu lên đến 40-50% giá trị bất động sản nhằm kích cầu thị trường.

Ở thị trường phía bắc, báo cáo của Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho thấy thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới trong quý vừa qua giảm 19,3% buộc các chủ đầu tư tung ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để duy trì doanh thu. Chính vì vậy, giá bán sơ cấp của phân khúc cao cấp giảm 2,9% so với quý trước.

Khó huy động vốn cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của Công ty CP Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán: TNH). Tính tới 30/9/2022, TNH có lượng tiền mặt 150,4 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản song tổng nợ vay lên tới 430,2 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng nguồn vốn; trong đó, nợ vay ngắn hạn (phải trả trong vòng một năm) là 232,2 tỷ đồng.

Mới đây, TNH đã phải tái cơ cấu bằng cách vay ban lãnh đạo doanh nghiệp 92 tỷ đồng để thanh toán lô trái phiếu đáo hạn và lên kế hoạch huy động vốn cổ phần nhằm trả nợ ngân hàng... Cùng với đó, TNH đã tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 10/10/2022 để thông qua chủ trương trả cổ tức năm 2021 hoàn toàn bằng cổ phiếu (thay vì trả bằng tiền và cổ phiếu như kế hoạch cũ), thông qua kế hoạch chào bán hơn 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 518,7 tỷ đồng dùng cho đầu tư và trả nợ ngân hàng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác tiến hành tái cấu trúc tài chính bằng cách tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài. Đơn cử, Tập đoàn Masan vừa công bố nhận khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD từ 37 tổ chức tài chính quốc tế trong thời hạn 5 năm với lãi suất 6,7%/năm. Theo MSN, đây là khoản vay có giá trị lớn nhất từ ​​trước đến nay trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Trước đó, ngân hàng VPBank ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn; SeABank cũng ký với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) về khoản vay 200 triệu USD trong bảy năm; Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ký hợp đồng vay vốn hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng) với nhóm ngân hàng nước ngoài…

Giải pháp sống còn

Tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình doanh nghiệp cải thiện các vấn đề nội tại dựa trên nền tảng sẵn có, trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi, hoạt động của doanh nghiệp bộc lộ sự yếu kém, mất cân đối.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong bối cảnh môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, rủi ro như hiện nay, tái cấu trúc là giải pháp sống còn mà doanh nghiệp Việt phải làm. Cụ thể, các doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào chính sách mà phải tự nâng cao chiến lược quản trị, nhất là khả năng quản trị rủi ro.

“Trong đại dịch, nhiều bài học cho doanh nghiệp vẫn rất quý giá đến thời điểm này, thí dụ vấn đề linh hoạt đối tác, linh hoạt thị trường, chỉnh sửa sản phẩm, thay đổi cách kết nối với thị trường, thay đổi mô hình kinh doanh… mà bản chất là tái cấu trúc”, ông Thành nói; đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc là nếu cú sốc ngắn thì chỉ cần có giải pháp trước mắt, thí dụ cắt giảm chi phí, nhưng những cú sốc và điều chỉnh của thị trường hiện nay thì phải tái cấu trúc, giống như yêu cầu đối với cả nền kinh tế.

Tham gia tư vấn tái cơ cấu, tư vấn mua bán - sáp nhập (M&A) cho nhiều doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng nói rằng, dù muốn hay không, trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đang phải tái cấu trúc quy mô, quy trình, phương thức quản lý... để tối ưu hóa dòng tiền. Một số doanh nghiệp bất động sản chủ động đối thoại với nhà đầu tư để thương thảo gia hạn nợ trái phiếu, thực hiện hoán đổi trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cổ phiếu hoặc căn hộ với chiết khấu cao. Thậm chí, số khác chấp nhận bán bớt các dự án không đủ vốn để làm, những dự án do thiếu vốn mà chậm triển khai…

Ông Hà cũng đặc biệt đề cao những doanh nghiệp năng động, sáng tạo trong đổi mới mô hình hoạt động, tập trung vào chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động và đa dạng hóa nguồn vốn. Theo vị này, hiện nay nhiều doanh nghiệp không chỉ dựa vào ngân hàng và các kênh huy động vốn truyền thống mà đã bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn khác trong xã hội, thí dụ bằng mô hình chuyển nhượng thương hiệu (franchise) hoặc các mô hình hợp tác đầu tư kinh doanh trong đó cho phép nhà đầu tư tham gia quản trị và kiểm soát đồng vốn của mình.