Tác động của 5G tới nền kinh tế số

Nền kinh tế số của Việt Nam đạt tổng giá trị 21 tỷ USD vào năm 2021. Việc triển khai 5G sẽ thúc đẩy con số này lên cao hơn nữa. Thực tế, triển khai 5G hiện đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
0:00 / 0:00
0:00
5G sẽ cho phép sử dụng rộng rãi các công nghệ hỗ trợ AI và các ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực.
5G sẽ cho phép sử dụng rộng rãi các công nghệ hỗ trợ AI và các ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực.

5G là công nghệ internet di động mới nhất, được cho là tương lai của mạng di động. So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G, 5G cung cấp thông lượng dữ liệu được cải thiện đáng kể, mạng lưới sử dụng năng lượng ít hơn, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), có độ trễ gửi và nhận tín hiệu chỉ bằng 1/5 so với 4G. Ước tính vào năm 2025, mạng 5G sẽ sử dụng năng lượng ít hơn 10 lần so với 4G, góp phần tạo ra môi trường số bền vững và tiết kiệm năng lượng.

Nhờ những lợi thế về tốc độ, kết nối và bảo mật, 5G cho phép các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn với chi phí tối ưu. Tốc độ truyền dữ liệu của nó nhanh gấp 10-20 lần tốc độ hiện tại với khả năng xử lý lên đến một triệu thiết bị trên 1km2. Một thử nghiệm 5G gần đây do Viettel, Ericsson và Qualcomm thực hiện tại Viettel Innovation Lab, đã truyền dữ liệu thành công ở tốc độ hơn 4,7Gb/s, nhanh hơn 40 lần so 4G và nhanh hơn gấp đôi so các mạng 5G hiện có.

5G sẽ cho phép sử dụng rộng rãi các công nghệ hỗ trợ AI và các ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực. Sử dụng 5G có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và giá trị khi họ được trang bị tốt hơn để kiếm tiền từ lượng dữ liệu khổng lồ. Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới. Đặc biệt, 5G mang lại lợi ích to lớn cho các ngành chế tạo, kho vận và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong lĩnh vực chế tạo, 5G được kỳ vọng sẽ tăng công suất, cường độ hoạt động của nhà máy, giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ sử dụng kết nối có dây. Hiện tại, hầu hết nhà máy đều sử dụng hạ tầng mạng có dây và cũ. Điều này gây tốn kém và khó quản lý. Môi trường không dây giúp làm cho các quy trình thông minh hơn và ít bị lỗi hơn thông qua việc truyền số lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực tính bằng mili giây trên các luồng dữ liệu an toàn.

Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo AI và IoT, được hỗ trợ bởi 5G, sẽ giảm thời gian chết và giảm chi phí. Các nhà máy cũng sẽ sử dụng 5G để phân tích và kiểm soát các quy trình công nghiệp với độ chính xác vượt trội. Các quy trình kiểm soát chất lượng truyền thống được sắp xếp hợp lý hơn thông qua công nghệ cảm biến và AI, nhờ những cải tiến lớn về kết nối do 5G cung cấp. Các kỹ thuật viên có thể xác định từ xa các lỗi trong dây chuyền sản xuất và khắc phục sự cố kịp thời.

Theo một báo cáo của KPMG, một nhà máy sử dụng mạng không dây có khả năng thu về giá trị tương đương thêm 1 USD/m2. Điều đó có nghĩa khi sử dụng 5G có thể tạo ra giá trị gia tăng gần 4 triệu USD/năm cho một sàn nhà máy 10.000m2 (diện tích nhỏ nhất để xây dựng một nhà máy).

Trong lĩnh vực kho vận, 5G sẽ giúp các doanh nghiệp logistics hiện đang sử dụng thiết bị IoT phát triển lên một tầm cao mới. Nó giải quyết một vấn đề phổ biến là sự chậm trễ trong khâu vận chuyển và thông tin đến khách hàng. Với độ trễ thấp, các nhà cung cấp dịch vụ kho vận có thể liên tục theo dõi và cập nhật tình trạng lô hàng, nâng cao khả năng dự đoán thông tin địa điểm và thời gian đến.

5G cũng cho phép giao tiếp tốt hơn giữa các phương tiện, cải thiện khả năng điều hướng và giám sát các phương tiện. Điều này sẽ dẫn đến việc lập kế hoạch tuyến đường tốt hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn, giảm các sự cố và lỗi cho người lái xe. Hệ thống thực tế tăng cường, được hỗ trợ bởi 5G, cũng có thể được sử dụng để xác định các mối nguy hiểm tiềm ẩn mà không làm người lái xe mất tập trung. Trong tương lai, các công nghệ mới như giao hàng bằng đường hàng không và không người lái có thể trở thành hiện thực với sự hỗ trợ của 5G.

Đối với nông nghiệp, triển khai 5G là khâu then chốt để có được nền nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, nhiều nông dân đã lắp đặt các cảm biến kết nối 4G để theo dõi từ xa tình trạng đồng ruộng và phát hiện khi nào cây trồng cần tưới nước hoặc bón phân, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất.

Việc áp dụng 5G sẽ hứa hẹn một sự chuyển đổi lớn hơn. Với tốc độ nhanh hơn 10 lần, các cảm biến không dây được kết nối qua mạng 5G sẽ tăng lượng dữ liệu thời gian thực và tạo điều kiện cho việc canh tác chính xác, cho phép triển khai số lượng lớn các thiết bị IoT. Nông dân cũng có thể sử dụng các thiết bị theo dõi sức khỏe cho vật nuôi, thu được dữ liệu sức khỏe chính xác và kịp thời hơn nhiều. Điều này cho phép giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh mà không gây rủi ro cho sự an toàn của chuỗi cung ứng thực phẩm.

Ngoài ba lĩnh vực trên, 5G cũng giúp thúc đẩy một số lĩnh vực khác như quản lý giao thông thông minh, quản lý năng lượng, xây dựng và khai thác mỏ, giáo dục số hóa, chăm sóc sức khỏe từ xa, bán lẻ thông minh và thành phố thông minh... Thị trường viễn thông cũng được hưởng lợi khi số thuê bao băng thông rộng di động đã vượt qua con số 69 triệu vào năm 2021. 5G sẽ là một nguồn doanh thu mới khi số lượng lớn các thuê bao quyết định chuyển sang sử dụng công nghệ mạng mới hơn và nhanh hơn.

Nền kinh tế số tại Việt Nam dự kiến sẽ chiếm 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% GDP vào năm 2030, đóng góp vào nền kinh tế số toàn cầu dự kiến sẽ tạo ra 13,1 nghìn tỷ USD và hai triệu việc làm mới vào năm 2035. Với mục tiêu các cơ sở hạ tầng mạng băng thông rộng di động 4G/5G và điện thoại thông minh sẽ bao phủ hơn 80% số hộ gia đình vào năm 2025, Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển đổi số, đạt được tầm nhìn công nghiệp 4.0.