Từ công văn của VDA…
Ngày 30/10, VDA có Văn bản số 82/CV-HHS, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phản ánh việc một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có các bài viết về sữa nêu thông tin chưa chính xác.
VDA cho biết, những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có các bài viết tuyên truyền về sữa, trong đó sử dụng cụm từ “sữa thật” và có trích dẫn nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).
VDA dẫn chứng một số bài đăng trên nền tảng mạng xã hội TikTok như “Mẹ cần phân biệt sữa thật để nuôi con, còn một số sữa trái cây để giải khát”; “Dễ nhầm lẫn nước giải khát có chứa sữa là sữa thật”; cụm từ “bẫy dinh dưỡng”… và khẳng định, việc chỉ đánh giá một chỉ tiêu độ đạm (protein) để quy chiếu cho “thật” - “giả” đối với sản phẩm là không hợp lý.
“Những bài viết có nội dung chưa chính xác, không đúng với bản chất sản phẩm, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành sữa”, VDA khẳng định.
VDA đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thận trọng trong việc truyền thông để người dân hiểu đúng về vai trò, công dụng của các sản phẩm sữa, sản phẩm có chứa sữa một cách khoa học, đúng quy định, không nên dùng từ “sữa thật” khiến dư luận hiểu nhầm sản phẩm có chứa sữa khác là hàng giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp ngành sữa.
"Sữa thật" được giới thiệu với thông tin mập mờ trên một số nền tảng mạng xã hội. |
… đến hoang mang vì thông tin mập mờ
Sau Công văn của VDS, phóng viên đã tìm hiểu các video liên quan đến “Sữa trái cây”, “Sữa thật” được nhiều trang cá nhân trên TikTok đăng tải, đặc điểm chung của những bài viết này đều xuất hiện trên kênh của những người mặc áo blue và tự giới thiệu là “Bác sĩ”, “Dược sĩ”...
Bên cạnh việc “chê” độ đạm của “sữa trái cây thấp”, từ đó ảnh hưởng đến phát triển của con trẻ, những trang cá nhân TikToker này giới thiệu và khen ngợi sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady). Đồng thời, những video quảng cáo “Sữa thật” của Cô gái Hà Lan cũng xuất hiện trên thị trường.
Thí dụ, trên trang TikTok cá nhân, người mặc áo blue tự giới thiệu là “Bác sĩ Quang” đã chia sẻ nỗi lo của một bà mẹ với câu hỏi: “Con nhà em uống nhiều sữa nhưng không hiểu tại sao vẫn gầy còm lắm ạ”. Trang TikTok cá nhân này còn chia sẻ rằng, thì ra loại sữa mà độc giả cho con uống là “sữa trái cây đóng hộp, chứ không phải sữa tươi hay sữa bột”.
“Bác sĩ Quang” đánh giá sữa trái cây: “Rất dễ uống, trẻ thích uống nhưng tỷ lệ sữa ít, hàm lượng dinh dưỡng tổng thể không thể cao được. Dễ dàng thấy ở đây với lượng đạm chất béo, vi chất và khoáng chất khi so sánh với nhau rất khập khiễng. Mà ở tuổi phát triển của trẻ, việc đáp ứng tối ưu nhu cầu của trẻ là quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng ý rằng, sữa trái cây là thức uống trái cây tốt hơn nước ngọt hay nước có ga nhưng chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn sữa tươi hay sữa công thức bằng sữa trái cây được vì chỉ cần một bịch sữa Cô gái Hà Lan vào bữa sáng đã có thể cung cấp tới 34% canxi, 22% nhu cầu đạm của trẻ 3 đến 5 tuổi,…”.
Đi kèm với việc “Bác sĩ Quang” chê sữa trái cây và khuyên dùng sản phẩm Cô gái Hà Lan, hình ảnh bịch sữa Cô gái Hà Lan hiện lên trên đoạn video.
Trong khi đó, sản phẩm mới có thông điệp quảng cáo “sữa thật cho bữa sáng” của Cô gái Hà Lan đang được quảng cáo rộng rãi trên thị trường. Đồng thời, trong một tọa đàm, bà Tạ Thúy Hà, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị sở hữu nhãn hàng Cô gái Hà Lan cho rằng “Sữa thật phải giàu canxi và phải có độ đạm (protein) trên 2,7 gram ghi trên vỏ bao bì”.
Hiện nay, các quảng cáo sản phẩm “Sữa thật” của FrieslandCampina Việt Nam cũng được làm với các phiên bản khác nhau, trong đó nội dung nhắc đi nhắc lại việc hãy chọn “Sữa thật - sữa chuẩn Hà Lan”.
Chị Thu Bích, một bà mẹ hơn 40 tuổi rất hoang mang khi đọc những thông tin liên quan đến “Sữa thật” và “Sữa trái cây”. Chị cho biết, sau khi xem một số video trên mạng, điều khiến chị liên tưởng là “Con của một chị trên mạng xã hội gầy còm vì uống sữa trái cây. Sữa trái cây không nhiều dinh dưỡng, vì vậy nên dùng sữa Cô gái Hà Lan”.
“Nếu dùng sữa trái cây thì tôi sợ con gầy còm, còn nếu không dùng sữa trái cây thì tôi lại tước đi mất cơ hội cho con dùng thực phẩm giàu chất xơ và nhiều dinh dưỡng đến từ các loại hạt tốt nhất như óc chó,…”, chị Bích băn khoăn.
Đây không phải lần đầu người tiêu dùng tiếp nhận những thông tin mập mờ. Trước đây, có một sự cố “cung cấp thông tin mập mờ” gây hệ lụy nghiêm trọng khiến một ngành nghề lao đao. Có thể kể đến vụ việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố vụ “nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng” đã gây hoang mang trong dư luận, khiến ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng bên bờ vực phá sản.
Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp
Mới đây, tại tọa đàm Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn”, ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Trong đó có hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mãi, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến đối với người dùng tại Việt Nam. Việc đăng tin, bài, hoặc chia sẻ, bình luận trên các trang cá nhân trở nên dễ dàng. Nhiều nội dung đã được kiểm duyệt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt. Do đó, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thực hiện các hành vi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo các sản phẩm dịch vụ của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
TS, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm đều có liên quan trực tiếp đến hoạt động quảng cáo về sữa và nếu trong trường hợp mà xuất hiện quá nhiều, dày đặc, những nội dung có tính chất thường xuyên, cạnh tranh không lành mạnh theo hướng là so sánh trực tiếp hoặc đưa ra những thông tin thất thiệt, sai sự thật đối với đối thủ cạnh tranh, thì rõ ràng là những thông tin đó vi phạm Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh.
“Với những hành vi như vậy, chủ thể bị xâm phạm có quyền gửi đơn đến cơ quan chức năng để có thể là xem xét, điều tra, xác minh, xử lý, đồng thời cũng phải khởi kiện ra tòa án”, luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Hoài Điệp cũng cho biết: “Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật”.