Ngược thượng nguồn

Sông xanh Long Bình

Chảy qua TP Trà Vinh, sông Long Bình luôn được người dân nơi đây trìu mến gọi là con sông đẹp nhất tỉnh Trà Vinh. Con sông êm đềm, hiền hòa, từ bao đời là nguồn cung cấp nguồn thủy sản phong phú và thấm đẫm nét văn hóa của người Khmer ở Trà Vinh.
0:00 / 0:00
0:00
Đua ghe ngo trên sông Long Bình, TP Trà Vinh. Nguồn: Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh
Đua ghe ngo trên sông Long Bình, TP Trà Vinh. Nguồn: Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh

Những hàng cây xanh

TP Trà Vinh vẫn được người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long gọi là “thành phố xanh”. Cả thành phố như khoác lên mình một tấm áo xanh mướt, với những tán cây rợp bóng. Hai bên các tuyến đường nội thành là những hàng cổ thụ như bằng lăng, me, sao... có đường kính hai đến ba người ôm. Là con sông có chiều dài phần lớn chảy qua TP Trà Vinh, cho nên con sông Long Bình cũng được thừa hưởng vẻ đẹp tươi mát đó. Dòng sông lững lờ trôi. Thi thoảng, xa xa một vài chiếc thuyền nhỏ chạy chầm chậm. Phía trên bờ, những hàng cây tươi mát như chào đón du khách. Vài ba khu chợ được mở ra, chợ chính có, chợ tạm có, với rất nhiều hải sản, sản vật của địa phương. Một điều khác với các nơi, chợ bên sông Long Bình cũng nhẹ nhàng, yên ả, bình dị như chính con người Trà Vinh vậy. Không có cảnh mua bán, ngã giá tấp nập. Cũng chẳng có những chiếc xe rồ máy ồn ã, để lại những làn khói đen kịt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân gọi sông Long Bình là con sông đẹp nhất của Trà Vinh.

Theo một số người dân ở TP Trà Vinh, từ bao đời, sông Long Bình đã trở thành niềm tự hào của người dân, không chỉ làm đẹp cảnh quan, là nguồn cung cấp hải sản phong phú. Sông Long Bình còn đi nhiều vào thơ ca. Câu hát mà nhiều người biết và thuộc nhất là: “Còn thấy một dòng sông chứa chan tình quê/Bao người con xa thấy thương về/Đó sông Long Bình, chảy trong tim mình/Chảy trong tim người Trà Vinh”, trong bài ca “Trà Vinh miền đất phúc” của nhạc sĩ Ngô Minh Tài. Trò chuyện với tôi với những cuộc trao đổi bất tận liên quan đất và người Trà Vinh, NSƯT Kim Nghinh, một nhạc sĩ, nhạc công người Khmer nổi tiếng không quên nhắc đến con sông của quê hương, như một niềm cảm hứng bất tận cho những sáng tác của mình. Với người dân Trà Vinh, ông được biết đến là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình, lãng mạn ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa… với âm hưởng dân ca Khmer Nam Bộ. Ông bảo, không chỉ có tôi, mà bạn bè của ông từ khắp nơi khi về đây cũng đều ấn tượng bởi vẻ đẹp của con sông Long Bình.

Từ xưa, nhiều làng nghề truyền thống được hình thành hai bên bờ sông. Có những làng nghề đã mai một theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, có làng nghề đến nay vẫn đang phát triển. Đầu tiên phải nhắc đến là làng trồng hoa kiểng (cảnh) ở ấp Long Bình (phường 4). Đây được xem là cái nôi của nghề hoa kiểng ở Trà Vinh. Làng hoa có từ bao giờ, rất ít người biết đến, chỉ biết có nhiều thế hệ con người ở đây trồng hoa và từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoa ở đất Long Bình đã được ưa chuộng khắp Tây Nam Bộ. Ban đầu, một vài nghệ nhân tìm đến những mảnh đất màu mỡ bên bờ sông Long Bình để gieo những hạt mầm đầu tiên. Qua bao nhiêu năm, những vườn hoa giấy, cúc vạn thọ, hướng dương… đã phủ lên mảnh đất trồng ngày nào và chính quyền tỉnh Trà Vinh công nhận làng trồng hoa Long Bình là một làng nghề. Khu vực phía tả ngạn sông Long Bình (nay thuộc phường 5, TP Trà Vinh) trước đây có làng đóng ghe Long Bình nức tiếng khắp khu vực về yếu tố truyền thống, quy mô, kỹ năng tay nghề và sự đa dạng, tính đặc trưng của sản phẩm. Làng nghề xuất hiện khoảng thập niên 1920 để đáp ứng nhu cầu của người dân sông nước.

Thắm đượm văn hóa Khmer

Trà Vinh được biết đến là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và hai bên bờ sông Long Bình, từ xưa, những người Khmer đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng. Không khó để bắt gặp và nhận ra những ngôi chùa của đồng bào Khmer dọc hai bờ sông Long Bình. Đó là những ngôi chùa độc đáo, với vẻ đẹp cổ kính, những tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ độc đáo do những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân Khmer kỳ công sáng tạo. Khi nhìn vào tổng thể kiến trúc chùa với cổng, tường rào, chính điện, tháp đựng cốt, tăng xá, nhà hội, an xá… kết hợp cùng những đường nét trang trí và gam mầu nổi bật (phần lớn là mầu vàng hay cam), ngôi chùa như trở thành tâm điểm của một vùng sông nước. Ngôi chùa được biết đến nhiều nhất là chùa Hang. Đây là ngôi chùa có nhiều nghệ nhân và công nhân vẫn ngày đêm miệt mài khắc gỗ bằng nhiều dụng cụ khác nhau, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Tất cả các tác phẩm từ xưởng điêu khắc gỗ chùa Hang, dù lớn dù nhỏ, đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam Bộ.

Theo nhiều người dân, đối với người Khmer, chùa mang ý nghĩa đồng nhất với công viên. Chùa được dịch ra từ chữ Arama, tức công viên. Công viên không hiểu như là khu vực công cộng, có nhiều sản phẩm dịch vụ, mà được hiểu là nơi có nhiều cây xanh, hồ ao, với phần trăm cây cối, hoa quả, chim muông… Khi đến chùa, cũng là để bất cứ ai có thể cảm nhận được sự trong lành, thanh tịnh và thấy nhẹ nhàng, an yên từ chính tâm hồn. Từ xưa, để tồn tại và phát triển, người Khmer đã khai phá rừng, làm ruộng trồng lúa nước, làm rẫy, đóng bè hoặc ghe, xuồng đi săn bắn, chở hàng, làm phương tiện đi lại hằng ngày. Sông Long Bình cũng như nhiều con sông khác khắp dải đất Tây Nam Bộ, có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống người Khmer và nét văn hóa người Khmer cũng đã được thổi hồn lên mênh mông sông nước. Đại đức Lâm Tiên, Trụ trì chùa Nigrodha Kompong Ksan (chùa Mới), phường 6, TP Trà Vinh cho biết, điều thể hiện rõ về văn hóa Khmer trên sông Long Bình chính là lễ hội đua ghe ngo hằng năm được tổ chức ở chính dòng sông này gắn với Lễ hội Ok Om Bok. Những chiếc thuyền, ghe chính là hình ảnh gần gũi nhất của người Khmer Nam Bộ. Đua ghe ngo là hoạt động mang nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh nói riêng. Lễ hội đua ghe ngo là văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Các phum, sóc hay chùa của đồng bào Khmer đều có đội đua ghe ngo. Thành viên của các đội là những thanh niên khỏe mạnh. Họ sẽ cùng nhau tập luyện và thi đấu mỗi dịp lễ, hội. Chiếc ghe ngo đua có hình thoi, dài và kéo về hai phía đầu và sau lái đều có độ cong. Khi đua, ngoài các vận động viên còn có người cầm lái điều khiển chiếc ghe phía sau, người đánh trống, thổi kèn phía trước để giúp các tay bơi phối hợp nhịp nhàng nhằm cho ghe tiến nhanh về phía trước.

NSƯT Thạch Sung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh cho biết, người Khmer ở Trà Vinh chiếm hơn 31% dân số. So với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh là nơi có người Khmer sinh sống đông đúc hơn cả. Người Khmer ở đây có một đời sống tinh thần phong phú, luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi truyền từ đời này sang đời kia. Nền văn hóa phong phú, đa dạng được thể hiện rõ nhất thông qua các hoạt động lễ hội tôn giáo, các loại hình nghệ thuật, ngành nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng. Trong đó, các lễ hội đua ghe trên sông Long Bình đã khắc họa rõ nét về đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, vì người Khmer quan niệm đua ghe là một hoạt động rước nước với khát khao được mùa màng bội thu, công việc làm ăn thuận lợi.