Sống ở vùng cửa sông

Con đường nối từ đê sông Hồng đoạn gần cửa Ba Lạt với đê sông Trà-lằn ranh giữa vùng đệm và vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) vừa được làm mới. Trước khi tới vùng lõi, nó chạy qua trụ sở vườn, qua bao đầm bãi, cầu cống ở vùng đệm. Chiều tháng 6, nắng chói chang, đầm bãi thì mênh mông nên trên quãng đường dài khoảng 5 km, dẫu thỉnh thoảng có thấy vài dáng người lom khom, lụi cụi ở xa chúng tôi vẫn có cảm giác nơi đây thật vắng vẻ...

Ông Giang, một thợ nuôi ong ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Ông Giang, một thợ nuôi ong ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Mưu sinh ở đầm bãi...

Người đầu tiên chúng tôi gặp trên đường ra vùng lõi là hai phụ nữ. Đầu đội nón, khăn chùm kín mặt, chị Hoa, chị Thảo ngồi phơi rau câu bên vệ đường. Đã ăn thạch rau câu nhưng giờ tôi mới biết nguyên liệu làm ra thứ thực phẩm được xem là lành, sạch này chính là thứ cây nhỏ, mềm, có mầu đen giống rong rêu vừa được chị Hoa, chị Thảo vớt lên từ đầm nước ven đường.

Các chị cho hay cùng là người xã Giao An (xã vùng đệm), lâu nay thường vào đây mưu sinh bằng việc vớt rau câu thuê. Nói vớt thuê là bởi, ở vùng đệm rộng mênh mông này đầm bãi đều có chủ, như khu đầm các chị đang vớt rau câu là của một người tên Chính, cùng xã. Đầm được chủ đầu tư nuôi tôm, cua, cá... nhưng rau câu mọc đầy. Những người như chị Hoa, chị Thảo được chủ đầm thuê vớt, chẳng phải để vứt đi mà mang phơi khô rồi bán cho đại lý thu gom. “Ở đây chỉ có một đại lý thu mua nên họ trả bao nhiêu chúng tôi bán bấy nhiêu. Hiện họ trả giá 5 nghìn đồng/kg, cân xong chúng tôi được chủ đầm chia cho một nửa”, hai chị thật thà. Vất vả, quần quật từ sáng đến tối nhưng như lời các chị mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200 nghìn đồng nên chẳng quản nắng mưa trên đầm...

Ông Đương có vẻ nhàn tản hơn. Bước vào ngôi nhà tạm dưới chân đê sông Trà, chúng tôi thấy ông đang “đánh một giấc say” trên giường trong khi gió từ đầm bãi thổi vào mát rượi. Tỉnh giấc, người đàn ông khoảng 60 tuổi cho hay ông đang trông coi thuê khu đầm bên cạnh cho một ông chủ tên Tước người xã Hoành Sơn, trong nội đồng. Đến giờ, đầu đội mũ cối, quần đùi, áo cộc, ông Đương đi mở cống lấy nước cho đầm. Trước khi mở, ông không quên đặt ở miệng cống phía đầm của mình một tấm lưới chắn to. Qua vài thao tác thành thục của ông, mấy tấm ván gỗ được nhấc lên, nước từ phía đầm bên vùng lõi của Vườn chảy ùa vào, kéo theo nhung nhúc cá. Tất thảy nằm gọn trong chiếc lưới ông Đương giăng sẵn. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi mường tượng chiều nay ông sẽ có một ít tiền từ bán cá.

Dưới chỗ ông Đương, trong cái nắng chiều hôm, cha con ông Giang lại đang lặng lẽ, chăm chú thăm khám mấy chục chiếc hòm nuôi ong, đặt dọc dài bên vệ đê. Nhẹ nhàng tháo từng chiếc khay nơi có đàn ong đang “nhung nhúc” ra, giương lên ngắm ngía, thấy chỗ nào sáp ong nhô lên, cửa vít kín, ông Giang lại dùng con dao chuyên dụng khẽ lách vào, gợt ngang, làm bật ra những ấu trùng ong trắng muốt. “Đó là ấu trùng ong đực. Mà ong đực không làm việc, để nở ra nhiều không tác dụng, tốn thức ăn, phải khử bớt để dành thức ăn nuôi ong chúa đẻ, nuôi ong thợ làm việc”, ông giải thích. Ông Giang người xã Xuân Thành trên huyện Xuân Trường, theo nghề nuôi ong đã mấy chục năm. Nghe ông rỉ rả mới hay nghề nuôi ong sao mà cầu kỳ và cũng chẳng khác dân “du mục” là mấy. Đơn giản, “con ong làm mật yêu hoa”, quanh năm người nuôi ong phải đưa đàn ong đến những vùng có nhiều cây, nhiều hoa, như Vườn quốc gia Xuân Thủy này (nhiều hoa sú vẹt) để ong làm mật. “Trước khi về đây, tôi “ăn dầm ở dề” cả tháng trên mạn vải Bắc Giang. Trước nữa thì lang thang cùng đàn ong trong các rẫy cà-phê ở mãi Tây Nguyên...”, ông kể.

Cách chỗ cha con ông Giang một đoạn có một chiếc quán nhỏ, nằm ngay lối đường thủy vào sâu vùng lõi. Cạnh đó, gặp ngày vắng chiếc thuyền khách nằm ơ hờ trên mặt nước. Bước vào quán, chúng tôi thấy hai phụ nữ trung niên nhàn tản, ngồi nhổ tóc sâu cho nhau, bên cạnh là chiếc tủ chứa nhiều chai lọ đựng mật ong, rượu ngâm ấu trùng ong. “Thần dược, đặc sản của Vườn đấy, một người khỏe hai người vui, các chú mua đi!”, hai chị vui vẻ mời chào.

Sống ở vùng cửa sông ảnh 1

Một góc vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Quản lý dựa vào cộng đồng

Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy là người có vẻ ngoài giản dị, nói năng nhẹ nhàng, khúc chiết. Xuyên suốt câu chuyện ông chia sẻ là làm thế nào để vừa quản lý, bảo vệ tốt hệ sinh thái vừa khai thác hiệu quả các nguồn lợi của vùng đất ngập nước vùng cửa sông mà cả vùng đệm và vùng lõi rộng tới hơn 15.000 ha, tương đương diện tích một huyện đồng bằng này?

Nói “làm thế nào” là bởi - như lời ông Cách - nguồn lợi sản vật ở đây rất lớn, đa dạng. Từ xa xưa, trước khi có Vườn, người dân vùng đệm đã hiện diện ở đây, lấy khai thác các sản vật ở các đầm bãi, dưới tán rừng là sinh kế chính. Tất nhiên, chẳng theo luật lệ nào, “mạnh ai nấy làm” và thường bằng các biện pháp thiếu tính bền vững. Kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước quốc tế Ramsar (năm 1989, về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước), nhất là khi Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy được nâng cấp thành Vườn quốc gia (năm 2003), được UNESCO công nhận nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng (năm 2004) các quy định về bảo tồn, phát huy các giá trị của vùng đất ngập nước này mới từng bước được thiết lập, theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Nói vậy không có nghĩa từ đó đến nay hệ sinh thái nơi đây không còn bị những tác động tiêu cực. Đơn giản, diện tích Vườn quá rộng, lực lượng của cả Vườn và chính quyền địa phương mỏng, áp lực sinh kế của người dân lại lớn. “Ước tính, hơn 1.000 ha rừng trong vùng lõi cho người dân khoản thu nhập khoảng 60 tỷ/năm chỉ từ riêng việc khai thác thủy sản. Vào Vườn đi mò một ngày, một người có thể có thu nhập từ 300.000-500.000 đồng, bằng thu nhập cấy một sào lúa trong mấy tháng. Lợi ích lớn như vậy chỉ cấm đoán thì không hiệu quả!”, ông Cách nhìn nhận.

Trong bối cảnh đó, theo vị giám đốc, cơ chế đồng quản lý để cùng bảo vệ, cùng chia sẻ lợi ích từ rừng, từ đầm bãi là một lựa chọn hữu hiệu. Theo đó, được Chính phủ, chính quyền địa phương cho phép; được tư vấn, tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ, thời gian qua mô hình này đã được Vườn phối hợp thí điểm triển khai ở một số khu vực, gồm hai mô hình đồng quản lý về rừng ngập mặn ở vùng lõi và vùng đệm; về sử dụng bền vững tài nguyên dược liệu ở khu vực Cồn Lu; về khai thác bền vững tài nguyên ngao giống ở vùng cửa sông Hồng; về quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững và về sử dụng khôn khéo tài nguyên rừng ngập mặn. Trước khi triển khai, theo ông Cách, là hàng loạt các hoạt động truyền thông, tham vấn, tập huấn, ký cam kết. Điểm nhấn của các mô hình là người dân được giao đất, được trao quyền khai thác các nguồn lợi dưới tán rừng trên cơ sở phải tuân thủ nghiêm các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm. “Hiệu quả của các mô hình này rất tốt. Từ chỗ vi phạm pháp luật, người dân được trao quyền, được thực hiện các sinh kế trong đất Vườn một cách chính danh. Phía Vườn, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cũng “nhẹ gánh” hơn, chỉ phải tập trung lo việc giám sát. Trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan được xác định rõ ràng, không còn “hỗn mang” như trước. Những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển tồn tại lâu nay nhờ vậy từng bước được giải quyết”, ông Cách phân tích.

Chia sẻ của ông Cách làm chúng tôi nhớ lại, khi được hỏi chuyện làm ăn, chị Tám - một chủ đầm nuôi tôm chúng tôi gặp trên đê sông Trà - chỉ nói ngắn gọn: “Bên này (vùng đệm) thì được phép cải tạo nuôi trồng, bên kia (vùng lõi) thì bẻ một cành cây cũng bị đi tù”. Lời chị Tám phần nào cho thấy người dân ở đây đã ý thức rất rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình, được và không được phép làm gì. Cũng phải thôi, rừng ngập mặn ven biển được ví như “bức tường xanh” bảo vệ đê biển, bảo vệ xóm làng trước gió bão. Rừng còn thì sinh kế, nguồn sống của người dân còn và ngược lại.