Đường dây gọi điện lừa đảo lớn nhất châu Âu

Lực lượng chức năng tại châu Âu mới đây triệt phá thành công đường dây gọi điện lừa đảo quy mô lớn. Trong các cuộc đột kích, cảnh sát đã bắt giữ được ít nhất 21 đối tượng thuộc đường dây này.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát đột kích một trung tâm gọi điện lừa đảo. Ảnh: EUROPOL
Cảnh sát đột kích một trung tâm gọi điện lừa đảo. Ảnh: EUROPOL

Theo DW, với sự hỗ trợ của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), lực lượng cảnh sát Đức, Albania, Bosnia-Herzegovinian và Lebanon mới đây phối hợp đột kích 12 trung tâm gọi điện thoại được xác định là nguồn gốc của hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo mỗi ngày. Tổng cộng 21 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch. Trong số những người bị bắt, 16 người đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Tây Balkan và Lebanon; 9 đối tượng được cho là chịu trách nhiệm về các chiêu trò lừa đảo.

Các cuộc đột kích nói trên nằm trong chiến dịch “Pandora” nhằm triệt phá một mạng lưới tội phạm gọi điện lừa đảo bằng cách sử dụng nhiều phương thức khác nhau. Theo các nhà điều tra, những kẻ tội phạm thường giả làm người thân, nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc cảnh sát và sử dụng nhiều thủ đoạn thao túng tâm lý để lừa lấy tiền tiết kiệm của các nạn nhân. Các nhà chức trách đã xác định được 39 nghi phạm liên quan hoạt động này.

Chiến dịch Pandora bắt đầu sau một vụ việc diễn ra tháng 12/2023 tại Đức. Theo đó, một phụ nữ 76 tuổi đã yêu cầu nhân viên ngân hàng cho rút hơn 120.000 euro tiền mặt từ tài khoản tiết kiệm của bà để “chuyển cho một cảnh sát”. Hành động này khiến nhân viên giao dịch ngân hàng nghi ngờ người này là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Nhân viên nói trên đã từ chối đề nghị của khách hàng và sau đó báo cảnh sát. Trong quá trình điều tra, cảnh sát Đức đã nhanh chóng phát hiện một đường dây lừa đảo qua điện thoại. Thay vì nhận được số tiền mặt lớn, những kẻ tội phạm đã bị cảnh sát Freiburg (Đức) bắt giữ. Sau đó, đường dây điện thoại của nạn nhân được giám sát.

Khi xem xét trường hợp cá nhân này, các nhà điều tra nhanh chóng nhận ra số điện thoại mà thủ phạm sử dụng có thể liên quan hơn 28.000 cuộc gọi lừa đảo chỉ trong 48 giờ. Cảnh sát đã liên kết những số điện thoại mà những kẻ lừa đảo sử dụng, từ đó dẫn đến cuộc điều tra rộng hơn.

Từ tháng 12/2023, hơn 100 cảnh sát Đức đã được giao nhiệm vụ thâm nhập hơn 1,3 triệu cuộc gọi từ mạng lưới trung tâm lừa đảo nói trên. Khoảng 6.000 nạn nhân đã được cảnh sát cảnh báo trước, giúp ngăn chặn thiệt hại 10 triệu euro. Các nhân viên điều tra cũng thu thập thông tin về những kẻ gọi lừa đảo, dẫn đến các cuộc đột kích quốc tế vào tháng 4 vừa qua dưới sự điều phối của Europol.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Baden-Württemberg Strobl cho biết, những vụ lừa đảo như vậy “đặc biệt nguy hiểm và vô đạo đức vì chúng lợi dụng nỗi sợ hãi của người dân”. Ông Strobl cam kết chính quyền Đức nói riêng cũng như châu Âu nói chung sẽ áp dụng các khung pháp lý “với mức độ nghiêm trọng nhất” đối với những kẻ phạm tội. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo cấp cao trong khu vực đã dành lời ca ngợi cho chiến dịch phối hợp linh hoạt của cảnh sát khu vực vì đã “phát hiện thành công âm mưu lừa đảo qua điện thoại lớn nhất châu Âu”.

Một quan chức Europol cho biết, ngoài việc bắt giữ 21 đối tượng trong các cuộc đột kích, cảnh sát còn thu được nhiều bằng chứng như tài liệu, tiền mặt và tài sản lên tới hơn một triệu euro. Một số lượng lớn hệ thống dữ liệu điện tử cũng đã bị phát hiện, cho phép cơ quan điều tra mở rộng thông tin về các mạng lưới lừa đảo qua điện thoại khác.

Trước đó, Europol cảnh báo tại châu Âu, số lượng các vụ lừa đảo qua điện thoại đang ngày một gia tăng. Hầu hết vụ việc đều nhắm vào người cao tuổi do đối tượng này thường nhẹ dạ, cả tin. Cảnh sát châu Âu kêu gọi người dân cảnh giác và không được phép tiết lộ thông tin cá nhân hoặc khả năng tài chính cho những kẻ liên hệ với họ một cách đáng ngờ. Trong trường hợp nhận được điện thoại từ số lạ, cần liên hệ lập tức cảnh sát để được giúp đỡ.