Sống khổ bên dòng kênh bẩn (kỳ 1)

Hàng chục năm nay, người dân sống bên cạnh những tuyến kênh mương bẩn ở Hà Nội không khỏi bức xúc về thực trạng ô nhiễm được báo động từ lâu. Những dòng nước đen ẩn chứa hiểm họa khôn lường về sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân hai bên bờ. Hằng ngày, họ vẫn chịu đựng sự tra tấn bởi mùi hôi thối và tìm mọi cách đối phó với sự ô nhiễm. Sống trong tình cảnh “éo le”, dân cư vẫn khắc khoải chờ đợi sự hồi sinh những tuyến kênh mương này.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhánh mương nhỏ ô nhiễm ngay khu chợ Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm.
Một nhánh mương nhỏ ô nhiễm ngay khu chợ Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm.

Kỳ 1: Côn trùng, lươn, cá còn khó sống

Rong rêu chết, các loài cá biến mất, dòng mương sạch chỉ còn trong ký ức của người dân. Giờ đây, nhiều tuyến kênh mương đều chịu chung “số phận” ô nhiễm, mầu nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc, tràn ngập rác thải sinh hoạt hai bên bờ.

Mơ lại ngày xưa

Hệ thống kênh mương xưa kia vốn là một mạch nguồn của sản xuất nông nghiệp, góp phần điều hòa sinh thái và đem lại cảnh quan tươi mát. Thế nhưng nhiều tuyến kênh mương hiện nay đều trở thành nơi thoát nước thải sinh hoạt. Có những nơi được người dân ví von như “địa ngục” trần gian, ẩn chứa nhiều mối nguy hại.

Nói về con mương bẩn Thụy Khuê (quận Tây Hồ), cư dân sống trong ngõ 123A phố Thụy Khuê hồi tưởng lại hơn 30 năm về trước, con mương dài 3 km chạy từ dốc La Pho đến cống Đõ có dòng nước trong xanh, mát lạnh; là nơi sinh sống của các loài sinh vật như cá, lươn… Trước đây, con mương là địa điểm lý tưởng để trẻ con trong ngõ vui chơi, hòa mình vào dòng nước trong vắt. Thế nhưng quá trình đô thị hóa đưa lại hậu quả tệ hại, tuyến mương được trưng dụng như một nhánh nước thải ra sông Tô Lịch. Cứ thế, nỗi nhớ về con mương sạch trở thành một điều quá xa xỉ với người dân trong ngõ.

Con kênh ở ngõ 332, đường Hoàng Công Chất (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) cùng chung tình cảnh. Trong ký ức của ông Trịnh Văn Bình, cư dân sống cạnh tuyến kênh nước thải chảy ra sông Nhuệ này tiếc nuối chia sẻ: “Ngày trước, đây là mương thoát nước cho cánh đồng phía trên, sinh vật sống được, rong rêu phát triển tốt, chúng tôi còn ra đây câu cá, câu lươn. Nhưng tình trạng ô nhiễm đã diễn ra khoảng 20 năm nay và hơn 4 năm gần đây là đặc biệt nghiêm trọng”.

Những con kênh trong xanh nhường chỗ cho mầu nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc, cây dại um tùm, cảnh quan nhếch nhác. Gắn bó từ thuở ấu thơ bên con kênh trong ngõ 20 thôn Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), người làng nhớ rất rõ về hình ảnh con kênh dài 700 m nối từ cánh đồng Quai Chảo đến sông Nhuệ trước đây. Hình ảnh dòng kênh mát rượi vẫn được lưu giữ trong nhiều người dân từng sống hai bên bờ cây cối tỏa bóng mát, chạy dọc lên phía cánh đồng người dân xã Tả Thanh Oai (tên trước đây là xã Đại Thanh) tát nước chống hạn. Nhưng giờ chỉ còn lại sự tiếc nuối dòng kênh vốn dĩ đã rất thơ mộng… Mỗi ngày, nước thải trực tiếp xả thẳng ra con kênh, là nơi sinh sôi ruồi muỗi, gieo rắc những mầm bệnh lây nhiễm nguy hiểm.

Trước khi trở thành những “điểm đen” trong lòng Thủ đô, nhiều điểm như vừa kể trên là những dòng kênh, mương sạch, đẹp của nhiều thế hệ người dân. Từng tô điểm cảnh quan đô thị, xóm làng ngoại thành, nhưng giờ đây những dòng kênh, mương đó lại gánh một lượng nước thải sinh hoạt và sản xuất lớn, liên tục, trở nên “ác mộng” của nhiều hộ dân cư sống gần đó. Người dân ở đôi bờ chịu đựng cảnh sống chung với dòng nước bẩn. Giấc mơ trả lại dòng nước trong xanh quá đỗi xa vời.

Có khu bếp sát cạnh mương bẩn Thụy Khuê, cụ Nguyễn Văn Nghĩa (91 tuổi) bức xúc chia sẻ: “Mùi quá, phải mấy chục năm rồi. Ô nhiễm ảnh hưởng nhưng chẳng biết nói với ai. Bên trên mặt cống đã lắp đặt, ngổn ngang rác thải xây dựng. Ngày trước, nước bẩn trong mương tràn cả vào nhà. Mùa mưa hơi nước bốc lên, gây ẩm mốc lên tường mà bếp nhà tôi ngay cạnh bên con mương”.

Nhọc nhằn bên những dòng nước đen

Không khó để mục sở thị hàng loạt con kênh, mương bẩn trên địa bàn Hà Nội như: Mương thoát nước Thụy Khuê (quận Tây Hồ), kênh mương thoát nước khu vực ngõ 332 Hoàng Công Chất (quận Bắc Từ Liêm), kênh mương khu vực ngõ 771 Kim Giang (huyện Thanh Trì), mương thoát nước cạnh khu chợ dân sinh trên đường Bằng B (quận Hoàng Mai)... Sống chung với dòng nước đen là tình cảnh chung mà hàng trăm, hàng nghìn hộ dân đang phải đối mặt.

Dự án cống hóa, cải thiện môi trường con mương Thụy Khuê trước kia đang triển khai bỗng ngưng trệ, để lại đoạn mương ngắn trong ngõ 123A, rộng khoảng 1 m2 ẩm thấp, bốc mùi hôi thối, mầu nước đen ngòm, nổi bọt khí. Rác thải sinh hoạt trôi về và đọng lại dưới chân cầu nối hai bờ mương. Trên khu vực mương đã được cải tạo, ngổn ngang vật liệu và rác thải xây dựng, dây điện chằng chịt, gây nguy hiểm cho người di chuyển qua khu vực này.

Một nhánh nhỏ khoảng 2 km của sông Nhuệ nối từ đường Hoàng Công Chất về hướng Bệnh viện E nằm ngay gần chợ và khu dân cư (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cũng khiến nhiều người lần đầu tới đây phải bịt mũi vì mùi tanh của thịt cá xen lẫn với mùi hôi thối từ con kênh. Bà Phương (50 tuổi) sống ngay trước con kênh lắc đầu ngao ngán: Từ lúc tôi ở đây đã bẩn vậy rồi. Nó quá bẩn luôn, vì từ trước đến giờ nó cứ thế, nó quá kinh khủng!

Đoạn sông Nhuệ chảy qua địa bàn xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì từ lâu đã được coi là một trong những nơi ô nhiễm nhất Hà Nội với nước sông đen kịt, ngập tràn rác thải. Đi sâu vào làng, ở ngõ 20 gần đình Hoa Xá, có một nhánh nhỏ của sông Nhuệ. Con kênh ô nhiễm nặng, bốc mùi nồng nặc, đặc biệt là những ngày hè nóng bức, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân hai bên bờ, trong đó có gia đình ông Trần Văn Phú (47 tuổi, xã Tả Thanh Oai).

Cách đó không xa, đoạn kênh 25 m xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (cạnh Nhà máy sơn Đại Bàng) đã nhiều năm không còn mầu xanh của nước. Dòng nước đen không thấy đáy, mùi hôi thối bốc lên rất đậm. Mùa mưa hay nắng gắt, nước sủi bọt và bốc mùi rồi hòa vào không khí. “Côn trùng có thì làm sao mà sống được nữa, nó ô nhiễm thế cơ mà”, một cư dân sống gần đó chia sẻ.

Nằm sâu trong khu chợ ở trên con đường Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, có một con mương ô nhiễm với lượng rác thải sinh hoạt nhiều đến mức choáng ngợp. Đoạn mương này là một trong những nhánh nhỏ dẫn ra bờ sông Tô Lịch, dài chừng 10 m. Mặc dù hai bên bờ, các gò đất đều có cây cối xanh tốt nhưng trên nền lại la liệt rác thải của người dân sinh sống cũng như các gian hàng ở khu chợ; gạch vụn, sỏi đá cũng như rất nhiều ống nước đưa nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra đoạn mương. Nước dưới mương đục ngầu, nổi váng, bốc mùi. Hai bên bờ rác thải sinh hoạt được xả xuống trực tiếp, lông gà, vịt sau khi sơ chế ngổn ngang trên bờ, ruồi nhặng bu kín tạo ra khung cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu và mất an toàn thực phẩm cho khu chợ liền kề.

Ông Đàm Trung Kiên (50 tuổi) một trong những người dân sinh sống gần khu vực chợ cho biết, đoạn mương này đã bị ô nhiễm cách đây 15 năm, tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cư dân hay những tiểu thương xả rác ra sau mỗi phiên chợ sôi nổi. Khi đi ngang qua hay dừng chân đánh cờ cùng hàng xóm láng giềng, ông Kiên chia sẻ: “Những ngày nắng nóng đỉnh điểm như thế này, mùi bốc lên khó chịu lắm, thu hút nhiều côn trùng như muỗi, ruồi… Hàng gà, hàng vịt chung quanh họ còn vô tư vặt lông gia cầm thải xuống đây này…”.

Những kênh mương đang “chết” từng ngày còn người dân canh cánh nỗi lo khi sống cạnh dòng nước bẩn. Cảnh tượng ô nhiễm không những ảnh hưởng tới cảnh quan thành phố mà còn mang những mối đe dọa tới đời sống và sức khỏe của người dân. Điều này đã là câu chuyện của rất nhiều năm trước và cho đến ngày nay vẫn tiếp diễn.

(Còn nữa)