Áp lực lớn thi vào lớp 10 ở nội đô Hà Nội

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đã công bố kết quả điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm 2024. Áp lực tại mỗi kỳ thi lớn đối với học sinh và gia đình đang cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội địa phương có số thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT đông nhất cả nước. Ảnh: NGUYỆT ANH
Hà Nội địa phương có số thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT đông nhất cả nước. Ảnh: NGUYỆT ANH

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Là địa phương có số thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT đông nhất cả nước với hơn 106.000 thí sinh dự tuyển, trong khi Hà Nội chỉ có hơn 81 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, chiếm khoảng 61%.

Theo công thức, điểm xét tuyển lớp 10 của Hà Nội = (Điểm thi môn Văn + Điểm thi môn Toán) x 2 + Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (nếu có). So năm ngoái, điểm chuẩn vào lớp 10 công lập ở Hà Nội có giảm nhẹ. Tuy nhiên, lại có chênh lệch lớn giữa điểm chuẩn khu vực nội và ngoại thành. Năm nay, Hà Nội có 3 trường THPT công lập lấy điểm chuẩn cao nhất là THPT Yên Hòa, THPT Chu Văn An, THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông): đều lấy 42,50 điểm. Trung bình thí sinh phải đạt 8,5 điểm/môn. Cũng ở khu vực nội đô, trung bình thí sinh phải đạt từ 7,5-8 điểm/môn thi mới đỗ vào THPT công lập.

Ở ngoại thành, trong 10 trường có điểm chuẩn thấp nhất, trường THPT Minh Quang chỉ lấy 18 điểm. Có mức điểm nhỉnh hơn là trường THPT Mỹ Đức C - 19 điểm. Các trường THPT Bắc Lương Sơn, THPT Lưu Hoàng, THPT Đại Cường lấy 20-21 điểm. Với mức điểm này, học sinh chỉ cần đạt khoảng 4 điểm/môn đã có thể trúng tuyển.

Như vậy giữa trường nhóm đầu và nhóm cuối chênh nhau tới 24,50 điểm. Áp lực tuyển sinh trong khu vực nội đô là rất lớn. Trường THPT Yên Hòa nằm trong top có điểm đầu vào cao nhất. Trường thuộc quận Cầu Giấy, có khoảng 7.000 thí sinh thi vào lớp 10 nhưng chỉ có hai trường THPT công lập, đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu của thí sinh. Tương tự quận Hà Đông cũng có ba trường THPT mà tới gần 8.000 em dự thi phổ thông, chưa đáp ứng 30% nhu cầu của thí sinh.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa có con gái là Nguyễn Thanh Ph. năm nay thi vào lớp 10 THPT Yên Hòa đã ứa nước mắt khi con thiếu 0,25 điểm vào trường. Nhà anh ở Phố Hoa Bằng, gần cây Cầu Cót (quận Cầu Giấy), nếu con gái anh đỗ, cháu đi học rất gần. Cháu đã tự tin đăng ký dự thi cấp 3 ở ngôi trường luôn ở vị trí tốp đầu của thành phố vì liên tục 4 năm học cấp hai đều là học sinh giỏi, năm lớp 9 cháu còn đạt học sinh xuất sắc. Với mỗi môn thi đạt xấp xỉ 8,5 điểm, cháu vẫn trượt vào lớp 10 công lập.

“Tôi chủ quan vì con luôn chăm ngoan, học giỏi nên không khuyên con đăng ký thi các trường THPT công lập tốp dưới. Bây giờ lỡ dở rồi. Gia đình cũng không mua hồ sơ vào các trường dân lập. Kinh tế của gia đình tôi cũng không dư dả để con theo học các trường dân lập tốt với mức học phí xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Còn nếu muốn học công lập thì buộc phải chuyển hồ sơ của con tới các trường ở ngoại thành, nơi đang thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng trường sẽ cách nhà hơn chục cây số, sức con gái có theo được hay không”.

Trường hợp các cháu học sinh khá giỏi như Ph. thiếu điểm vào THPT công lập không hiếm trong các mùa tuyển sinh vào lớp 10. Các cháu và gia đình đang thật sự khó xoay xở khi vào lớp 10 dân lập thì không đủ học phí theo học. Còn chuyển ra ngoại thành thì quá xa và có sự chênh lệch năng lực học tập ở hai khu vực. Nguyên nhân duy nhất vẫn là do Hà Nội đang thiếu quá nhiều trường THPT công lập ở khu vực nội đô.

Chị Nguyễn Ái Linh (phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) sau một đêm biết điểm con trai trượt vào Trường THPT Đống Đa vầng mắt thâm quầng và đứng ngồi không yên để đợi một số trường THPT bán công trên địa bàn quận mở bán hồ sơ tuyển sinh. Chị nói: “Tôi chỉ mong con học trường THPT công lập vì nếu học hệ giáo dục thường xuyên hay học nghề, con chểnh mảng học văn hóa lại tìm đến game. Lứa tuổi này rất dễ bị lôi kéo”.

Nhiều phụ huynh đều có chung đề xuất, lâu nay, trường học không xây mới, trong khi tốc độ dân cư tăng nhanh vì nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng mọc lên giữa nội đô Hà Nội. Để tránh áp lực cho các gia đình và từng học sinh, các phụ huynh rất mong chính quyền thành phố bố trí quỹ đất để xây thêm nhiều trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu.

Dựa trên quy mô dân số, trung bình mỗi năm lại tăng thêm 40-50 nghìn học sinh, trong khi Hà Nội hiện đang thiếu 140 trường THPT. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Thế Cương cho biết: “Thành phố đang cố gắng xây mới các trường THPT công lập. Trong giai đoạn từ năm 2025-2030, lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND thành phố đã bố trí, chủ động một nguồn kinh phí, quỹ đất để đầu tư xây dựng trường. Dự kiến sẽ có 35 trường THPT công lập ở trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động. Ngay trong năm học này, đã có 2 trường THPT đưa vào hoạt động để phục vụ học sinh”.

Dự kiến trong 2 năm tới, số học sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội sẽ tăng hơn 23 nghìn em. Số học sinh tăng thì đã rõ, còn số trường học thực chất đi vào hoạt động thì chưa chắc chắn và như vậy, áp lực được học lớp 10 công lập vẫn sẽ còn rất lớn.

Theo kế hoạch, từ ngày 3 đến 9/7, thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập có thể làm đơn phúc khảo. Chậm nhất ngày 5/7, các trường THPT công lập chuyên và không chuyên công bố danh sách kết quả tuyển sinh lớp 10. Sau đó, học sinh xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.