Quỹ tín dụng vì dân

Câu chuyện về Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) thị trấn Nông trường Mộc Châu (NCF) là hành trình gần ba thập kỷ vượt khó trở thành đơn vị lớn nhất trong 1.200 quỹ của cả nước. Đằng sau đó là những đổi thay của từng gia đình đồng bào các dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NCF trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NCF trong giai đoạn mới.

Vạn sự khởi đầu nan

Thành lập ngày 1/8/1996 tại thị trấn Nông trường (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), NCF chỉ có 2 phòng cấp 4 rộng chưa đầy 30 m²; vốn huy động từ các thành viên sáng lập và dân cư thị trấn chỉ 262 triệu đồng cùng 220 triệu đồng vay từ Quỹ Tín dụng Trung ương.

Ông Lương Văn Hạng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị NCF nhớ lại: Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn mà dư âm đổ vỡ của gần 100 quỹ tín dụng trước đó còn hằn trong đời sống. Chúng tôi phải kiên trì đi vận động, bà con hiểu đúng về mô hình người thừa vốn ủng hộ người thiếu vốn để cùng nhau phát triển, đồng thời giải ngân cho vay đúng người, đúng đối tượng.

Gần dân, sát dân là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên uy tín cho quỹ. Năm đầu, NCF vận động được 558 người tham gia thành viên, trong đó 237 thành viên vay vốn với số dư 466 triệu đồng, tạo tiền đề quan trọng. Những ngày này, về thị trấn Nông trường Mộc Châu, tìm gặp những tỷ phú nông dân, ít nhiều trong những dấu mốc lập nghiệp của họ đều có sự đồng hành của NCF.

Theo chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, gần 30 năm trước, gia đình ông Hàng A Sở, tiểu khu Pa Khen đã tiên phong chuyển đổi sang cây ăn quả. Đến quỹ TDND vay vốn, ông Sở mạnh dạn đầu tư chuẩn hóa quy trình trồng và mở rộng diện tích. Sau nhiều năm kiên trì, diện tích đất canh tác cây ăn quả của ông đã lên đến 5 ha với khoảng 1.000 cây mận hậu, 600 cây cam… mang lại thu nhập khoảng 3 tỷ đồng năm 2023. Mới đây, ông tiếp tục khuyến khích con trai vay vốn từ NCF để có động lực phát triển sản xuất.

Nhớ lại 40 năm trước khi cùng gia đình di cư từ khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình lên sinh sống ở Mộc Châu, ông Đinh Xuân Phúc, 56 tuổi, người dân tộc Mường kể: Đến vùng đất mới, cuộc sống bấp bênh. Năm 1997, nhờ 1,5 triệu đồng vay từ quỹ TDND thị trấn Nông trường Mộc Châu, tôi bắt đầu trồng ngô rồi chuyển sang mận. Thiếu vốn, tôi lại tìm đến quỹ. Các khoản vay từ 100 triệu đồng, 500 triệu đồng rồi 1 tỷ, 2 tỷ đồng đã giúp tôi mở rộng quy mô sản xuất và ngành nghề kinh doanh sang cả lĩnh vực xây dựng, khai thác mỏ. Công việc dần ổn định, cuộc sống gia đình cũng thay đổi rất nhiều”.

Khoản vay vào lúc khó khăn nhất đã đặt viên gạch đầu tiên trong quá trình làm ăn, vì vậy khi có tiền nhàn rỗi, ông Phúc lại mang gửi quỹ để giúp đỡ những thành viên đang cần vốn. Có thời điểm, ông không đắn đo gửi 4 tỷ đồng tại NCF dù lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng khác cao hơn.

Quỹ tín dụng vì dân ảnh 1

Cán bộ NCF đến làm việc tại mô hình kinh doanh của ông Trần Xuân Kha (bên phải) .

Thế mạnh là đồng hành, tương trợ

Những năm 90 thế kỷ trước, thị trấn Nông trường chỉ có 30% hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không có tài sản thế chấp, không uy tín, lại thuộc diện hộ nghèo... khả năng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng gần như vô vọng. Tín dụng đen vì thế hoành hành khiến nhiều gia đình khánh kiệt. NCF ra đời, mạnh dạn đầu tư cho các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn sản xuất. Thậm chí với những khách hàng “dưới chuẩn” cho vay, quỹ còn trực tiếp cử cán bộ giới thiệu mô hình, cùng bà con lên phương án kinh doanh, hoạch toán đầu tư... Sau một thời gian, cả vùng kinh tế đã chuyển mình.

Điều đặc biệt là từ ngày thành lập cho đến nay, chưa khách hàng nào thuộc nhóm “dưới chuẩn” cho vay để lại nợ xấu. Lý giải về cơ chế quản lý, kiểm soát rủi ro, ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị NCF cho biết: Ngoài 62 cán bộ, nhân viên thì quỹ còn có mạng lưới 85 tổ trưởng thành viên do các Tiểu khu trưởng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản... được dân bầu ra kiêm nhiệm. Đây là những “cánh tay nối dài” giúp quỹ thẩm định khách hàng, giám sát hiệu quả đồng vốn sau khi đưa vào sản xuất kinh doanh để kịp thời có giải pháp ngăn ngừa nợ xấu...

Lên Mộc Châu xây dựng kinh tế mới từ năm 1991, ông Trần Xuân Kha, sinh năm 1964 (Hà Nội) khi đó chỉ có hai bàn tay trắng, loay hoay bám đất mưu sinh. Đến năm 2013, sau khi vay 40 triệu đồng từ Quỹ để đầu tư trồng cây ăn quả, thu nhập của gia đình dần khởi sắc. Năm 2018, ông nảy ra sáng kiến làm du lịch từ nông nghiệp nên tiếp tục vay vốn để đầu tư chỗ nghỉ, khu vệ sinh, lán tránh nắng cho du khách... Vụ mùa 2023 kết thúc, gia đình ông Kha thu gần 2 tỷ đồng từ vườn cây ăn quả và du lịch. “Hiện, tôi chọn vay theo hạn mức hơn 1 tỷ đồng/năm. Hình thức này linh hoạt, khi cần ra quỹ vay tiền, có tiền trả nợ trước hạn không mất phí phạt. Với người nông dân làm kinh doanh, có tổ chức tín dụng đồng hành luân chuyển dòng vốn như vậy, thật sự như có người bạn lớn”, ông Kha tâm sự.

Tiếp cận quốc tế, số hóa nhưng luôn phải gần dân

Từ năm 2007, NCF được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sơn La cấp bổ sung giấy phép mở rộng địa bàn hoạt động ra 3 xã liền kề: Phiêng Luông, Tân Lập (Mộc Châu), xã Vân Hồ (Vân Hồ), giúp dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất, giảm bớt chi phí, thời gian đi lại. Tỷ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp, không có nợ xấu. Đến 30/3/2024, NCF có tổng nguồn vốn 1.348 tỷ đồng với tổng số 9.671 thành viên, dư nợ 1.050 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 1%/tổng dư nợ, trong đó nợ xấu chỉ có 500 triệu đồng.

Hoạt động của Quỹ ngày càng đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen. Từ nguồn vốn của Quỹ, đã có hàng nghìn lượt hộ dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Doanh số cho vay và nhận tiền gửi trong 28 năm qua đạt hàng nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Hiện quy mô của quỹ đã vươn lên vị trí đứng đầu trong tổng số 1.200 Quỹ TDND của cả nước. Được Ngân hàng Nhà nước xếp hạng loại giỏi và là một trong 100 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giỏi của cả nước, NCF tiếp tục được Ngân hàng Thế giới lựa chọn tham gia dự án tài chính nông thôn III. Đây là cơ hội tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Thành viên được tiếp cận vốn trung và dài hạn để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của quỹ cũng được hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ tại nước ngoài.

Lấy khách hàng làm trọng tâm, lấy chất lượng dịch vụ và giải pháp sáng tạo làm phương châm kinh doanh với quyết tâm “trở thành quỹ tín dụng luôn sáng tạo và hướng đến khách hàng nhất tại Việt Nam”, tuy nhiên ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị NCF không khỏi trăn trở khi đối mặt những cạnh tranh gay gắt về công nghệ số, lãi suất, nhân sự từ các ngân hàng... Điều đó buộc đơn vị phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để “gần dân, sát dân”, tiếp tục dựa vào lợi thế đó để giúp dân được nhiều hơn trong giai đoạn mới.

Chia sẻ về khác biệt của quỹ, ông Đặng Thế Anh, Giám đốc NCF cho biết: “Là mô hình kinh tế tập thể mang tính chất tương trợ cho các thành viên nên hoạt động của quỹ cũng có những đặc thù riêng. Khách hàng có thể linh hoạt vay và trả nợ trước hạn mà không phải chịu bất cứ phí phạt nào. Ngoài ra, chúng tôi luôn có chính sách đồng hành cùng thành viên vượt qua khó khăn. Đơn cử như sau dịch Covid-19 hay vừa qua mưa đá gây thiệt hại lớn, quỹ đã khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho thành viên trong quá trình sản xuất kinh doanh”.