Người H’Mông xuống núi học chữ

Những tối tháng sáu nóng bức, nhiều hôm mưa gió sấm chớp nhưng vẫn không thể cản bước bà con đồng bào dân tộc H’Mông ở các xóm, bản vùng cao trên địa bàn xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) xuống núi đến hai lớp học xóa mù chữ tại Nhà văn hóa xóm Tam Va và Bản Tèn.
0:00 / 0:00
0:00
Hầu hết người chưa biết chữ ở các xóm, bản vùng cao xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đều ra hai lớp học.
Hầu hết người chưa biết chữ ở các xóm, bản vùng cao xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đều ra hai lớp học.

Phải học để biết đọc, biết viết

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng đã vào kỳ nghỉ hè, trường lớp vắng vẻ. Nhưng chiều đến, nhóm giáo viên lại tập trung sinh hoạt chuyên môn và chuẩn bị sách vở, kiểm tra xe cộ để ngược núi lên dạy chữ cho bà con đồng bào H’Mông đang tham gia hai lớp học xóa mù chữ tại hai Nhà văn hóa các xóm Tam Va và Bản Tèn.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường được giao nhiệm vụ tổ chức hai lớp học xóa mù chữ cho hơn 50 học viên ở các xóm Tam Va, Bản Tèn và một số xóm đồng bào dân tộc H’Mông khác. Chúng tôi tổ chức học hai lớp học xóa mù chữ vào buổi tối, vì ban ngày bà con bận đi làm đồng và nương rẫy, tuy vất vả cho giáo viên từ dưới trường lên nhưng lớp học luôn đông đủ”. Ban đầu, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã và giáo viên đến từng gia đình để vận động người chưa biết chữ ra lớp thì nhiều người còn ngại. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ vận động, tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, ngoại khóa bổ ích nên dần dần đã thu hút được hầu hết những người chưa biết chữ tham gia lớp học, thậm chí có cả người cao tuổi.

Năm nay 60 tuổi, được coi là già ở Tam Va, các con đã trưởng thành và đều học hết trung học cơ sở, nhưng bà Hoàn Thị Mỵ đã vượt qua sự tự ti, tối đến lại chịu khó cầm đèn, sách vở đều đặn đến lớp học. Bà Mỵ bộc bạch: “Con, cháu đều biết chữ cả, còn mình không biết chữ, vừa rồi đi làm căn cước phải lăn tay nên mình cảm thấy xấu hổ lắm. Đi chợ ai bảo gì cũng tin, nhiều thứ họ quảng cáo không đúng với cái chữ ghi trên sản phẩm, mua về con cháu nói nặng lời là không biết chữ nên bị lừa, mất tiền oan mà thấy tủi thân nên phải học để biết đọc, biết viết”. Chị Hầu Thị Xay, 26 tuổi, gia đình bán hàng nhỏ lẻ, khách hàng nhắn tin hỏi giá cả hàng hóa mà không biết đọc nên tham gia lớp xóa mù chữ rất nhiệt tình, chăm chỉ với mong muốn kinh doanh tốt hơn và được cử làm lớp trưởng. Chị Xay tâm sự: “Trước kia gia đình khó khăn nên không có điều kiện học tập, toàn phải theo cha, mẹ đi nương rẫy. Giờ đây, làm ăn luôn cần phải viết lách, tính toán nên tôi phải học thì mới kinh doanh tốt được”.

Chị Lý Thị Sinh, 21 tuổi, có ba con, tối nào cũng được chồng đưa đến lớp, ẵm theo con nhỏ để học viết. Chị Sinh chân thành chia sẻ: “Không biết chữ thì xấu hổ lắm. Nghe quảng cáo tuyển dụng lao động, mình cũng đi phỏng vấn. Người ta bảo không biết chữ thì không được đi làm, thế là lủi thủi bế con ngược núi về nhà, còn mọi người biết chữ thì được đi làm công ty. Bây giờ thì cả nhà đi học, con học tiểu học giúp mẹ đánh vần, vừa ôn lại bài. Bố thì trông con và cũng ôn lại chính tả, làm toán”.

Đồng hành vượt khó

Cô giáo Đỗ Thị Hợp, nhà ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng đã gắn bó với đồng bào nơi đây hàng chục năm, khi thấy bà con sẵn sàng gác lại việc riêng để tối nào cũng đi học chữ, cô đã dành cả kỳ nghỉ hè này đi dạy học. Tối nào cô Hợp cũng vượt 8 km đường rừng để đến lớp đúng 19 giờ 30 phút. Nhiều tối mưa rừng xối xả, cô cùng đồng nghiệp sẵn sàng ở lại cùng bà con Tam Va.

Cô giáo Triệu Xuân Thùy, nhà ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, cách lớp học gần 20 km nên ở lại trường để kịp lên lớp vào các buổi tối. Cô Thùy cho biết: “Trước đây chưa có hoạt động giáo dục buổi tối, bà con thường tụ tập xem phim, lên mạng xem các thông tin nên khi vận động đi học rất khó. Nhưng khi những người già cả như bà Mỵ nhận thức cần phải biết đọc, biết viết để không bị lừa, không phải lăn tay, đỡ xấu hổ với con cháu; hay như chị Xay gương mẫu, tận tụy nhất lớp, xác định học là để kinh doanh tốt hơn, là nhu cầu tự thân thì giáo viên chúng tôi hy sinh riêng tư, luôn đồng hành, tìm phương pháp giảng dạy phù hợp để giúp bà con nhanh biết đọc, biết viết”.

Để giúp các học viên tiếp thu nhanh, hiệu quả, các cô giáo đều rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp bằng tiếng H’Mông, rồi cho học viên thực hiện các bài học dịch từ tiếng Việt sang tiếng H'Mông và ngược lại. Từ tháng 2/2024 đến nay, học viên đều đã hoàn thành phần ghép vần và đọc hiểu được các đoạn văn ngắn, rút ngắn được gần 1/2 thời gian dự kiến. Hằng tuần, bên cạnh các buổi học ngoại khóa, các giáo viên còn tổ chức bữa cơm chung cuối tháng cùng học viên ngay tại nhà văn hóa. Cách làm này đã thu hút đông đảo học viên và cũng là một trong những hoạt động sinh hoạt cộng đồng bổ ích vào các buổi tối cuối tuần.

Thời gian tới, hai lớp học này sẽ hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Huyện Đồng Hỷ sẽ tổng kết, nhân rộng mô hình lớp học xóa mù chữ cắm bản cho gần 500 người trong độ tuổi từ 15-60 tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.