“Sống chung” với phòng vệ thương mại

Số lượng vụ phòng vệ thương mại (PVTM) mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài ngày càng tăng. Từ năm 2017 đến nay (sáu năm), số lượng vụ việc PVTM mà Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới hơn 52% tổng số vụ việc PVTM trong vòng 30 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Thép xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm phải ứng phó với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại. Ảnh: NAM ANH
Thép xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm phải ứng phó với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại. Ảnh: NAM ANH

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh. Nếu giai đoạn năm 2001-2011 chỉ có 50 vụ thì giai đoạn 2012-2022 đã tăng 3,5 lần lên 172 vụ. Riêng trong chín tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện bảy vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Xu hướng bị “soi” ngày càng gia tăng

Cũng đưa ra những con số liên quan đến các vụ việc áp dụng biện pháp PVTM, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, từ năm 2017 đến nay (sáu năm), số lượng vụ việc PVTM mà Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới hơn 52% tổng số vụ việc PVTM trong vòng 30 năm qua. Trong đó, chống lẩn tránh biện pháp PVTM chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh từ trước đến nay.

Cũng theo bà Trang, ở giai đoạn cuối năm 1990, đầu những năm 2000, những mặt hàng hay bị kiện chủ yếu là có kim ngạch xuất khẩu lớn, có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm như thủy sản, giày dép. Tuy nhiên, ở giai đoạn gần đây, số lượng các mặt hàng, lĩnh vực của ngành hàng bị kiện PVTM đã mở rộng hơn, lên tới gần 40 mặt hàng, có cả những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...

Về mặt thị trường, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm hàng hóa Việt Nam mới bị kiện PVTM, nhưng đến nay, điều này đã diễn ra ở nhiều thị trường khác. Cụ thể, trong tổng số 235 vụ việc mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt trong thời gian vừa qua, thị trường Mỹ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia. Như vậy, nguy cơ bị kiện PVTM ở khắp các thị trường và đã có 24 thị trường đã từng kiện PVTM đối với Việt Nam.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc Việt Nam ngày càng bị “soi” nhiều ở các thị trường nước ngoài sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Bởi lẽ, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra PVTM, dẫn tới bị áp thuế sẽ gây thiệt hại lớn cả về mặt tài chính (giá bán, chi phí theo đuổi vụ việc) lẫn lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế.

Trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).

Sau một thời gian thực hiện, hệ thống này đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Có thể kể đến như một số vụ việc chống lẩn tránh, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận; hay tại một số vụ việc khác, doanh nghiệp được hưởng mức thuế rất thấp, thậm chí là không bị áp thuế.

Cốt lõi vẫn là doanh nghiệp

Trong một hội thảo mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào các ngành hàng có nguy cơ cao bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM; hướng dẫn kỹ hơn cho doanh nghiệp về quá trình ứng phó, đồng thời sẽ mở rộng hoạt động cảnh báo sớm đến các thị trường mới như Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ… bên cạnh các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ…

Nhiều năm qua, bên cạnh hệ thống cảnh báo sớm, Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về PVTM phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, đó là biện pháp từ phía cơ quan quản lý, việc các con số vụ kiện ngày càng có xu hướng tăng lên, cũng thể hiện phần nào sự “lơ mơ” của doanh nghiệp về các quy định PVTM, năng lực tham gia kháng kiện cũng ở mức yếu.

Các khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt như khả năng về ngôn ngữ (có những vụ việc cơ quan điều tra yêu cầu ngôn ngữ bản địa chứ không phải là tiếng Anh); kiến thức về luật pháp quốc tế, tranh tụng thương mại quốc tế, trình tự thủ tục giải quyết vụ kiện còn hạn chế; năng lực tài chính và nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm để theo đuổi các vụ kiện kéo dài của các doanh nghiệp còn yếu.

Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra trên thị trường là một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp PVTM để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, gây tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Do vậy, ngoài những động thái từ cơ quan quản lý trong nước, các chuyên gia cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Theo ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về PVTM và sử dụng biện pháp PVTM như một công cụ để bảo vệ ngành hàng và doanh nghiệp của mình.

Biện pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay, là không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Ngoài ra, cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về PVTM là rất lớn.

Nếu trong trường hợp vướng vào một điều tra liên quan đến PVTM, doanh nghiệp cũng không nên e ngại mà chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu. Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp sẽ quyết định đến 90% kết quả của các vụ điều tra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng; có một bộ phận pháp chế, nghiên cứu, nắm rõ các quy định về thương mại, PVTM quốc tế… Trong quá khứ, đã có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó rất tốt với các biện pháp PVTM nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng, trên tinh thần tuân thủ các quy định của WTO như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen…

Nhìn ở mặt tích cực, các biện pháp PVTM cũng được xem như một “thử thách” để loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, làm lành mạnh hóa thị trường. Bởi, có nhiều doanh nghiệp kém năng lực nhưng tại nhiều quốc gia vẫn có cơ chế hỗ trợ bằng cách trợ cấp, điều này vô hình đã làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển của các doanh nghiệp khác.