Sớm đưa vaccine phòng sốt xuất huyết về Việt Nam

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) TP Hà Nội, hiện gần 95% số xã, phường của Hà Nội có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Dự báo, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới…
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT THỊNH
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT THỊNH

1/ Thống kê của CDC TP Hà Nội, số người mắc sốt xuất huyết của Hà Nội cộng dồn từ đầu năm đến nay là 12.776 ca, ba trường hợp tử vong. Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 547/579 xã, phường, thị trấn. Số người mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều ở: Hoàng Mai, Thạch Thất, Thanh Trì... Tổng số ổ dịch, theo ghi nhận của cơ quan y tế Hà Nội là 870. Hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất, Thanh Oai...

Hiện nay, tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng theo. Riêng tại hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, thời điểm hiện tại tiếp nhận điều trị 157 ca sốt xuất huyết, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, một bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây…

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư Nguyễn Trung Cấp, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc. Bất cứ người nào mắc sốt xuất huyết cũng có nguy cơ diễn biến nặng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.

2/Mới đây, ngày 28/9, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals thuộc Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là vaccine sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Đây là một trong những bệnh lây lan nhanh nhất do muỗi truyền, phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Ước tính, sốt xuất huyết gây ra khoảng 20.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Tại buổi ký kết, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals đã thống nhất triển khai nhiều hoạt động quan trọng, với mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học… nhằm thúc đẩy nhận thức, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế về các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết, trong đó có vaccine.

Theo đó, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda, TAK-003 (tên thương mại đăng ký QDENGA) đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự như Việt Nam, đó là Indonesia, Brazil và Thailand. TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine này có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả bốn tuýp virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc sốt xuất huyết. Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị cấp phép sử dụng vaccine tại EU, vaccine TAK-003 đã được duyệt sử dụng cho độ tuổi từ 4 tuổi không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.

Tại lễ ký kết, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) hy vọng, với sự hợp tác này, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vaccine sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất. PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người từng chứng kiến nhiều vụ dịch và các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết gây ra, nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của vaccine trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. “Hy vọng, Việt Nam sẽ sớm có vaccine sốt xuất huyết, giúp giảm số ca mắc và tử vong, góp phần đẩy lùi dịch bệnh này một cách bền vững”, PGS, TS Trần Đắc Phu nói.

Các chuyên gia y tế lưu ý, sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khỏe mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Nhiều trường hợp ca bệnh nặng lên do xử trí không đúng cách, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu người bệnh sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.