Ngược thượng nguồn

Soi mình... bên sông

Sông Quây Sơn, hay còn gọi là sông Quế Sơn, chảy vào Việt Nam tại xã Ngọc Côn (Trùng Khánh, Cao Bằng). Tính từ đây, dòng sông hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

Sông Quây Sơn tạo nên thác Bản Giốc. Và nhiều cảnh sắc hữu tình cao thấp, chênh vênh mà cha ông xưa có câu “nước non Cao Bằng”.Sông Quây Sơn tạo nên thác Bản Giốc. Và nhiều cảnh sắc hữu tình cao thấp, chênh vênh mà cha ông xưa có câu “nước non Cao Bằng”.

0:00 / 0:00
0:00
Dòng Quây Sơn xanh trong. Ảnh: ĐỨC SƠN
Dòng Quây Sơn xanh trong. Ảnh: ĐỨC SƠN

Theo dòng trong veo

Đi cùng mùa trên dòng Quây Sơn, là đi trong âm điệu của dòng chảy, tiếng đàn tính, câu hát then rập rờn bên mỏm đá, dưới vòm tre, sau lưng núi, bồng bềnh mây trắng, mây xanh. Vào mùa khô, một số xóm vùng biên thiếu nước sinh hoạt, họ đã phải đi vài cây số ra sông Quây Sơn lấy nước về dùng. Tỉnh Cao Bằng đã cho xây dựng đập thủy điện Bản Rạ, thuộc địa bàn xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) với tổng số vốn 380 tỷ đồng, cung cấp nguồn điện năng sinh hoạt cho nhân dân trong địa bàn huyện.

Ngược lên phía thượng nguồn sông Quây Sơn, cách thác Bản Giốc chỉ vài trăm mét, vài năm trước có một ngôi chợ (tiểu ngạch) ngay bên bờ sông, đồng bào gọi là chợ Háng Nhác, điều thú vị là chợ này nằm trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhân dân hai nước cùng chung họp chợ, nhưng chợ chỉ bán các loại nước giải khát, bánh kẹo, hàng lưu niệm...

Tôi đã từng ngồi hàng giờ bên chợ Háng Nhác, ngay sát bờ sông Quây Sơn, chiêm ngưỡng dòng sông thăm thẳm, rêu phong mầu xanh lục ven bờ, đong đưa theo dòng nước mà không chán mắt. Bên bờ sông, từng cụm hoa lau trắng muốt phất phơ trong gió thoảng, thi thoảng, có cây phù dung nở bừng từng chùm hoa mầu hồng nhạt, khoe sắc dưới buổi lê minh, tạo dáng cho dòng sông Quây Sơn thêm kỳ vĩ. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên chợ Háng Nhác đã không còn hoạt động. Từ ngôi chợ, dòng sông xuôi một quãng ngắn nữa, rồi đổ từ độ cao khoảng 30m xuống, đó chính là thác Bản Giốc! Thác nước nổi tiếng này được bình chọn là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam.

Trước kia, trên các đoạn sông Quây Sơn, có những cây cầu treo bắc qua, để nhân dân các xã đi lại thuận tiện. Nay, cuộc sống đã được nâng lên, nhu cầu xe cộ đi lại ngày càng nhiều, cầu bê-tông vững chãi, thay thế cho chiếc cầu treo chênh vênh ngày nào. Người, xe cộ hai bên bờ tấp nập đi lại trên cầu, trẻ em từng tốp qua cầu đến trường học rất yên bình. Dưới sông, đàn vịt đua nhau ngụp lặn mò cua ốc ven bờ sông. Vịt ở vùng Đàm Thủy thịt rất ngon, chúng cũng đẻ rất nhiều trứng. Những quả trứng to, đều chằn chặn, lòng trứng vàng rực; hễ người mua đến chợ hỏi trứng này ở vùng nào? Ở Đàm Thủy đấy! Vậy là người mua không cần mặc cả gì thêm.

Soi mình... bên sông ảnh 1

Những ngôi nhà bên sông, bên núi. Ảnh: ĐỨC SƠN

Duyên tình lưu luyến theo dòng

Có những mùa đông, câu thơ khắc khoải lòng tôi. Đó là mùa nước trong, trời lạnh, người thèm hơi ấm: “Quây Sơn ơi/con nước xanh mùa con gái/say giấc nồng/con nước xanh mùa con trai/đợi bạn tình/bản nhỏ...”. Và tôi gọi đó là mùa con trai, con gái bên sông, chơi đàn tính, hát điệu sli (làn điệu đặc trưng của người Nùng).

Nước sông Quây Sơn có mầu lam ngọc, nhiều khúc sông sâu, mặt nước phẳng lặng như ngừng trôi. Con nước len lỏi lượn qua các chân núi đá vôi cao ngất, qua thung sâu, ghềnh đá, có đoạn nép dưới những tán cây cổ thụ, những khóm tre rợp mát, có đoạn phơi mình dưới nắng mai lấp lóa, có đoạn qua những chòm nhà sàn mái ngói âm dương nâu xỉn, ẩn hiện dưới vòm cây dẻ, cây sau sau.

Dòng sông biêng biếc, men qua những cánh đồng lúa ở Đình Phong, Ngọc Côn… Bóng núi, bóng cây, bóng những khóm tre già dọc đôi bờ, im lìm soi đáy nước. Những đoạn nước nông, thì thấy rõ những viên đá cuội, từng đàn cá tung tăng bơi lội, rất bình yên, thơ mộng. Du khách tới đây, có thể đứng trên đường tỉnh lộ 206 hoặc 211 mà ngắm nhìn dòng sông thăm thẳm, hiền hòa, khi ẩn, khi hiện, uốn lượn dưới chân núi, vòm cây, lặng lẽ xuôi về miền xa. Đôi lúc, hiện ra chiếc mảng chở người đàn ông, giăng lưới bắt cá.

Sông Quây Sơn có một loài cá ngon nổi tiếng, mà ít dòng sông nào có được, đó là cá trầm hương. Trước đây, mỗi phiên chợ huyện Trùng Khánh, ngư dân lại đem cá ra chợ bán, với giá 120 nghìn đồng/kg. Có con nặng tới 5-6 kg. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng bắt được loài cá này. Giờ loài cá này gần như không còn, chỉ còn các loại cá chép, trắm, nheo… Ai đã được thưởng thức món đầu cá trầm hương, nấu canh măng chua, thì ăn một lần, sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon của loài cá quý hiếm này.

Xuôi theo dòng Quây Sơn, những chỗ có thác nước nhỏ ven bờ, đồng bào dựng cối giã gạo bằng sức nước, những chiếc chày thân to cỡ cây cột, phía đuôi người ta đục thành máng hứng nước, cứ thế nó cần mẫn hứng đầy nước rồi lại đổ ụp, sau một ngày hoặc một đêm, thóc trong cối đã được giã thành gạo trắng tinh. Nhiều đoạn trên sông, đồng bào còn dựng vài ba chiếc cọn lớn, nhỏ, cõng nước từ sông lên, rót vào những đám ruộng bậc thang. Do đó, lúa, ngô, đỗ tương và các loại hoa màu, trên cánh đồng dọc đôi bờ sông, bốn mùa đủ nước nên vụ nào cũng bội thu.

Sông Quây Sơn-ngọn nguồn của thác Bản Giốc, hiện là địa chỉ tìm đến của rất nhiều du khách thập phương, bao gồm cả du khách nước ngoài. Có tốp thong thả ngược dòng sông, khám phá những nét đẹp tự nhiên của sông và cả những thứ được bàn tay con người tạo dựng như thủy điện Bản Rạ. Những cọn nước khổng lồ ven bờ, ngày đêm cần mẫn cõng nước, đổ lên thung lũng ruộng bậc thang, cũng có nhiều du khách xuôi theo dòng, ngắm ghềnh đá nổi lên giữa dòng sông. Mùa lúa chín vàng trong thung lũng, ngô mướt mát đôi bờ…

Tuy nhiên, thác Bản Giốc vẫn là nơi du khách dừng chân đông nhất, bốn mùa tung bọt trắng xóa, hơi nước tỏa ra đến vài chục mét. Ngoài ra, phía lưng chừng đồi, trên bờ tây sông Quây Sơn, đã xây dựng một ngôi chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc khang trang, thoang thoảng khói hương, thu hút Phật tử xa gần.

Sông Quây Sơn chảy trên lãnh thổ Việt Nam chỉ với độ dài 49km, sông có một chi lưu là suối Cạn có chiều dài 20km. Sông Quây Sơn trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc từ cột mốc 836 đến cột mốc 845.

Hệt như những tuyệt tình cốc

Lần đầu tiên đi theo đường biên giới từ huyện Hạ Lang lên Trùng Khánh của tôi là chuyến đi ngược dòng nước. Nhìn dòng chảy, có những hòn đá ven bờ, đá giữa sông. Phía thượng nguồn thác Bản Giốc, nhiều đoạn, nhìn như cái ao dài, phẳng lặng, không thấy hiện tượng dòng chảy, trong đầu tôi lại đặt ra những câu hỏi, sông thế này mà sao lại sản sinh ra một thác nước thế kia. Ngược dòng đi mãi, sẽ gặp cảnh chòm cây cổ thụ mọc cao vút lên trên, phía dưới, đá nằm xếp hàng trong nước, nước “tắm” cho đá hệt như những tuyệt tình cốc vậy. (Ninh Nguyễn).