“Sốc” lại nghề của thành phố sáng tạo

Việc UNESCO công nhận thành phố Hội An (Quảng Nam) gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo đã tạo ra giá trị lợi ích lâu dài cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng.
Khách du lịch tham quan các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng.

1/“Nếu là nghệ nhân mà chỉ chế tác được một vài sản phẩm lâu đời, lặp đi lặp lại thì làng nghề sẽ rất dễ bị mai một”, đó là nhận định của nghệ nhân Huỳnh Sướng (làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim). Câu chuyện đón khách về làng nghề, du khách chụp ảnh, nghe thuyết minh… không còn mới ở Cẩm Kim. Mỗi đứa trẻ sinh ra từ làng xem đó là niềm tự hào và cũng là kế sinh nhai của gia đình.

Thực tế cho thấy, khách du lịch khi chọn các tour tham quan làng nghề thường có xu hướng trải nghiệm rất nhanh. Khoảng thời gian các đoàn lưu lại một điểm dừng chân chỉ vài chục phút. Người nghệ nhân (đa số là chủ nhà) chỉ có thể giới thiệu ngắn gọn về nghề của họ. Thời gian còn lại dành cho du khách xắn tay áo trải nghiệm nét văn hóa bản địa.

Thời gian qua, câu chuyện giữ nghề ở làng mộc Kim Bồng xoay quanh những ngôi nhà, nhiều bức tượng đủ kích cỡ… Tất cả đều chế tác từ vật liệu gỗ. Vậy khi thành phố được nhận danh hiệu “sáng tạo”, các làng nghề lâu đời sẽ có tính mới mẻ gì trong tương lai? Mỗi ngày, nghệ nhân Huỳnh Sướng trong bộ quần áo bà ba mầu nâu, tay cầm mũi đục tất tả đi khắp ngôi nhà để đưa du khách về lại lịch sử nghề mộc của gia đình. Chiếc hồ lô bằng gỗ do chính ông chế tác hơn 10 năm trước vẫn đứng giữa gian chính ngôi nhà. Đó là câu chuyện truyền thống mà người nghệ nhân tự hào nhất, đồng thời là nền tảng cho trí sáng tạo của ông hiện nay.

Gỗ lũa, những khúc gỗ tưởng chừng đã hết giá trị. Chính cái xù xì, nứt vỡ đó đã lột xác thành hình dáng chiếc lồng chim độc nhất mang dấu ấn của nghệ nhân Huỳnh Sướng. Hay chiếc lọ đựng bút bằng tre với hai con ve được chế tác từ mắt tre mang câu chuyện đồng quê xứ Quảng. “Khi gặp vật liệu nào đó, chỉ cần người thợ tưởng tượng ra một bản vẽ, tay nghề, trí sáng tạo của họ sẽ được chứng minh nếu sản phẩm có nét độc nhất. Những mẫu sản phẩm lồng chim của tôi, nhìn qua tưởng đơn giản nhưng để cho nó một câu chuyện lại rất phức tạp. Chỉ có sáng tạo thường xuyên thì tình yêu đối với nghề truyền thống mới bền lâu”, ông Sướng chia sẻ.

Thời điểm Hội An nhận được danh hiệu thành phố sáng tạo đúng dịp cận Tết. Lượng du khách đến các điểm làng nghề tăng vọt. Có những ngày, không gian dành cho du khách trải nghiệm điêu khắc gỗ tại nhà nghệ nhân Huỳnh Sướng kín chỗ. Tiếng “lộc cộc” gõ đục đồng thanh một góc làng. Nhưng tiếng động đó là do du khách tạo ra. Làng Kim Bồng với hơn 200 người có tay nghề làm mộc thành thạo. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân phát triển nghề, đón khách du lịch như gia đình ông Huỳnh Sướng vẫn còn tương đối. Nghề truyền thống là hồn cốt của Hội An. Trong đó, nghệ nhân sẽ đóng vai trò trọng tâm. Phải chăng, yêu cầu sáng tạo trong nghề nghiệp mang tính gia truyền vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

2/Tại xã Cẩm Hà, không gian sáng tạo nghệ thuật theo hướng tái sinh cuộc sống của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đang thu hút nhiều người quan tâm. Những giá trị, kết quả nghệ thuật ở đây được khai thác bằng tư duy nhạy bén, có chiều sâu về tài nguyên môi trường. “Nghệ thuật tái sinh mà tôi đang theo đuổi có đặc trưng sẽ giúp cộng đồng thấy được thông điệp phía sau mỗi tác phẩm. Khi người dân Hội An sáng tạo, xây dựng nên câu chuyện mới cho rác thải, du khách đến đây dần dần tiếp xúc và cùng nâng cấp nó. Lâu nay, tính kế thừa của văn hóa Hội An dựa trên giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ. Có thể bao quát văn hóa Hội An là một hệ sinh thái, trong đó, nghệ thuật là một thành phần quan trọng”, anh Dân cho hay.

Câu chuyện sáng tạo trên cùng một chất liệu văn hóa đặt ra vấn đề phải làm như thế nào để tạo ra tính bền vững, khác biệt. Với điều kiện tự nhiên của Hội An có đủ bãi biển, sông nước, đồng ruộng, làng xóm… đây chính là thách thức trong việc bảo vệ môi trường. “Tháp tái sinh”, một tác phẩm mới nhất của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân. Từ nhiều bộ khung thép được xếp chồng lên nhau, ngọn tháp cần sự chung tay của mỗi người dân khi ghé thăm. Theo đó, du khách đến xem tác phẩm có thể đóng góp một vài vỏ chai nhựa, điêu khắc lên đó câu chuyện của riêng mình. Như vậy, mục tiêu tăng sự tương tác, chia sẻ năng lượng, tư duy sáng tác từ cộng đồng hoàn toàn khả thi. Một tác phẩm sáng tạo cho đến không gian sáng tạo và cả thành phố sáng tạo sẽ không bị giới hạn nguồn cảm hứng.

Bền vững chính là đích đến của quá trình sáng tạo. Thành phố Hội An trong tương lai hứa hẹn có nhiều nét đổi mới. Trong đó, mỗi mảnh ghép sáng tạo của từng cá nhân là động lực quan trọng bậc nhất.

Anh Dân tâm sự: “Tôi mong muốn có càng nhiều tiếng nói, suy nghĩ của cộng đồng cùng kể câu chuyện sáng tạo cho rác thải trên ngọn tháp tái sinh. Thời gian đến, tôi sẽ gợi ý cho thành phố mở rộng nhiều ngọn tháp tái sinh cho các làng, xã của Hội An. Đó chính là dấu ấn mang thương hiệu từng địa phương”.