Số hóa ngành logistics

Việt Nam được dự báo sẽ sớm trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á với tiềm năng lớn. Tuy nhiên, còn rất nhiều hạn chế trong việc số hóa - xu hướng phát triển bền vững. Giải pháp nào giúp Việt Nam tăng tốc khai thác tiềm năng sẵn có?
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường logistics ở Việt Nam giàu tiềm năng và đang phát triển nhanh. Ảnh: NGUYỆT ANH
Thị trường logistics ở Việt Nam giàu tiềm năng và đang phát triển nhanh. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nhiều tiềm năng nhưng hiệu quả còn thấp

Đánh giá về thị trường logistics Việt Nam, ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada logistics Việt Nam nhận định, thị trường logistics ở Việt Nam giàu tiềm năng và đang phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2023, Việt Nam lọt tốp 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới; đứng thứ tư Đông Nam Á và thứ 10 - theo bảng xếp hạng hằng năm của Agility năm 2023.

Ông Quang cho rằng, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan. Do đó, Việt Nam sẽ sớm trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.

Còn ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cũng cho hay, Việt Nam là nền kinh tế lấy sản xuất, xuất khẩu làm trung tâm, với tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất được duy trì ở mức khoảng 9%/năm. Ngay cả trong thời kỳ Covid-19, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng từ 3-5% mỗi năm.

“Khối lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 336 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Trong đó 90% khối lượng hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển. Việt Nam cũng là điểm đến mới cho các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chi phí logistics còn cao so với thế giới, năm 2022 con số này tại Việt Nam vào khoảng 16,8%, còn trung bình thế giới khoảng 10%. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, phát triển dịch vụ logistics lớn của Việt Nam và thế giới”, ông Nam khẳng định.

Thẳng thắn nhận định về ngành logistics, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành logistics bình quân hằng năm từ 14-16%. Theo bảng xếp hạng hằng năm của Agility năm 2023 logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành logistics còn những hạn chế, yếu kém tồn tại như: Chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

“Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là ứng dụng công nghệ số chưa thật sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới”, ông Chinh nói.

Phát triển logistics xanh, gắn với số hóa là xu hướng phát triển bền vững, tuy nhiên, theo một khảo sát của Bộ Công thương, hơn 66% số doanh nghiệp được khảo sát có chiến lược phát triển logistics xanh, nhưng chỉ có khoảng 31% có sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi. “Như vậy, việc thực hành các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa có được hiệu quả lan tỏa rộng lớn”, Bộ Công thương đánh giá.

Cần thay đổi ra sao?

Trước thực tế trên, kiến nghị giải pháp để tạo hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử - nền tảng số hóa quan trọng, ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc (Lazada logistics Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư vào ba điểm chính gồm: Nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; phát triển logistics xanh bền vững.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn giúp Tân Cảng Sài Gòn tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc từ số hóa, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhấn mạnh, muốn hiệu quả thì không chỉ doanh nghiệp thay đổi, mà cơ quan quản lý cũng cần thay đổi.

Với các doanh nghiệp logistics, theo ông Lộc, cần tăng cường liên kết nhằm tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam. Hơn nữa, cần phải thay đổi tư duy cũ sang lối tư duy mới nhằm đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics.

Riêng với các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, ông Lộc cho rằng, cần xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thailand, Hồng Công (Trung Quốc).

Với cơ quan nhà nước, trước những yêu cầu phát triển xanh, bền vững, đặc biệt trong ngành logistics, Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics.

Đặc biệt, cần tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến.

“Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới”, ông Lộc nói.

Song song đó, theo ông Lộc, cần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, hướng đến một bộ máy quản lý tinh gọn và linh hoạt.