Siết chặt kỷ luật hơn nữa trong công tác cán bộ

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (gọi tắt là Quy định 114), ngày 11/7/2023. Như vậy, có thể thấy công tác cán bộ đã được siết quản lý thêm một bước, và "khâu then chốt của then chốt" này ngày càng được coi trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Kỳ họp thứ 30, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quang cảnh Kỳ họp thứ 30, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: ĐĂNG KHOA

NGAY Chương II của Quy định 114 - Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, chỉ rõ: 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; và 5 hành vi tiêu cực khác trong công tác cán bộ. Đồng thời, ở các chương tiếp theo cũng xác định rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, như quy định trách nhiệm của: cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu các cơ quan tham mưu; cán bộ tham mưu và trách nhiệm của nhân sự,…

Nhận thức và chỉ đích danh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thời gian tới, chắc chắn Đảng ta sẽ đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, để công tác cán bộ thật sự là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, và bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, toàn diện quan điểm "Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ" (Điều lệ Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, trang 64).

Sự tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra bằng nhiều phương thức, hành vi rất đa dạng, tinh vi, phức tạp, dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, không trong sáng từ tiếp nhận, quy hoạch, bổ nhiệm, bầu cử… Trên thực tế, không chỉ một số cán bộ có thẩm quyền trong công tác cán bộ tha hóa quyền lực để vụ lợi, mà ngay cả một số trường hợp là người thân, giúp việc, trợ lý, thư ký riêng cũng có biểu hiện tha hóa quyền lực, tác động sai nguyên tắc trong công tác cán bộ gây bức xúc trong xã hội. Chủ yếu các vụ việc tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ đều nhằm vụ lợi (tức là tham nhũng), nên nảy sinh sự cấu kết rất chặt chẽ trên-dưới, trước-sau trong quá trình thực thi các khâu công tác cán bộ, bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bất chấp cả đạo lý, vì chủ nghĩa cá nhân và "lợi ích nhóm".

Mặt khác, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó liên quan cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức và người có chức, có quyền nên có mối quan hệ rộng, chằng chịt, đa dạng, có trường hợp phản kích quyết liệt lại lực lượng kiểm tra và người tố cáo đúng.

ĐỂ phòng chống sự tha hóa quyền lực, nhất thiết phải kiểm soát chặt chẽ được quyền lực, mà trước hết là kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Ở nước ta hiện nay ngoài việc tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả các yêu cầu, nội dung nêu trong Quy định 114, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi từ: (1) Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (3) Đẩy mạnh xây dựng và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; (4) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; (5) Có cơ chế để nhân dân, báo chí tham gia kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực chất, hiệu quả; (6) Đầu tư nâng cao chất lượng xây dựng các nghị quyết, quy định, quy chế, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;…

Trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, công khai và tuyên truyền rộng rãi về tính chất nguy hại của tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Với người đã bỏ "vốn" ra để "chạy" một vị trí lãnh đạo, quản lý, khi ngồi yên vị, họ sẽ tìm cách thu hồi ít nhất là bằng với những gì đã phải bỏ ra, làm cho tham nhũng, tiêu cực càng lan tràn, tinh vi và nghiêm trọng hơn. Điều này có nguyên nhân sâu xa là do chưa kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, để một số cán bộ, đảng viên có thẩm quyền lạm quyền, lợi dụng quyền lực nhằm vụ lợi. Cần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, trước hết là cấp ủy và trong Đảng về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, làm cho hàng triệu con mắt, lỗ tai của quần chúng tham gia kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm cho văn hóa kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng thấm sâu vào đời sống xã hội, nhằm lên án mạnh mẽ những người tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực và những người vi phạm tự thấy hổ thẹn trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, trước xã hội, gia đình và bạn bè, người thân. Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần kịp thời đề ra chương trình, kế hoạch tuyên truyền, nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng các nội dung của Quy định 114.

Hai là, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ, thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác cán bộ phải rõ quyền, đủ quyền, đúng quyền và thực quyền. Khi xem xét về sự tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ phải xét từ cả hai phía: người có quyền lực và đối tượng chịu sự tác động của quyền lực đó. Trong thực tế, sự tha hóa quyền lực thường xảy ra giữa cán bộ, đảng viên có thẩm quyền trong công tác cán bộ với cán bộ, đảng viên dưới quyền còn độ tuổi, mà qua đó các bên đều có lợi ích cả vật chất, chính trị và tinh thần. Cần quy định cụ thể số lượng tối đa cấp phó của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Nếu quá nhiều cấp phó sẽ khó cho việc kiểm soát quyền lực, trong khi hiệu lực, hiệu quả công tác sẽ không cao, và còn là "kẽ hở" để các nhân sự chạy chức, chạy quyền.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ủy ban kiểm tra các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ vào các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ nêu ở Quy định 114 để chủ động, kịp thời phát hiện, xác định và quyết định, tổ chức kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và cán bộ theo hướng: Đồng bộ hóa các quy định của Nhà nước theo chủ trương, quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, điều tra, xử lý vi phạm. Tổ chức tốt việc thu thập và giải quyết đơn thư tố cáo hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phát hiện những dấu hiệu tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Bốn là, xử lý thật nghiêm minh những đối tượng (tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân…) có các hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ, đảng viên ở "ngôi vị" càng cao, càng phải xử nặng; làm mạnh và kiên quyết, triệt để, nghiêm khắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không sợ "đụng chạm", không sợ "liên lụy", không sợ các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta... Nhưng bên cạnh đó cũng cần có quy định cụ thể, mở lượng khoan hồng cho người tự giác nhận tội, ra đầu thú sớm, chủ động khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả.

Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng chắc chắn tiếp tục được tiến hành kiên quyết, kiên trì, triệt để, bài bản và thận trọng.