Số 1 Đông Nam Á
Cũng như bao môn thể thao khác, Esports cũng có lịch sử hình thành và phát triển riêng của mình. Tại Việt Nam, Esports hình thành từ những năm đầu thập niên 2000, song mãi từ năm 2011 trở đi, Esports ở Việt Nam dần trở nên phát triển vượt bậc khi được sự để ý của hàng loạt nhà phát hành lớn và sự đầu tư bài bản từ nước ngoài. Cộng đồng người chơi và những người theo dõi Esports ngày càng đông đảo khi nhiều thể loại game đa dạng xuất hiện tại Việt Nam như Liên minh huyền thoại, Liên quân mobile, PUBG Mobile,…
Các giải đấu Esports ở Việt Nam bắt đầu hoàn thiện hơn về cách thức đào tạo và chuyên nghiệp hơn trong từng giải đấu, các mức giải thưởng ngày càng tăng. Hiện tại, Việt Nam, Thailand và Indonesia được đánh giá là ba quốc gia mạnh nhất về Esports tại Đông Nam Á nhờ sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, viễn thông và kết nối internet. Tại SEA Games 31 vừa qua, đoàn Esports Việt Nam đã xuất sắc đem về 7 tấm huy chương, trong đó có 4 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, tuy đây là một con số rất nhỏ so tổng số huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam giành được, nhưng nó được xem là bước khẳng định mình gần như đang là số 1 Đông Nam Á của Esports nước nhà. Trong đó, phải kể đến bộ môn Liên minh huyền thoại khi đội tuyển GAM Esports gần như là không có đối thủ ở bộ môn này và thậm chí được giới chuyên môn đánh giá từ trước khi giải đấu diễn ra là: “chỉ chờ ngày bước lên bục nhận Huy chương vàng”.
Đỗ Duy Khánh (25 tuổi, biệt danh Levi), đội trưởng đội GAM Esports chia sẻ: “Mặc dù đã chinh chiến ở các giải đấu cao hơn như Chung kết thế giới, nhưng khoác áo đội tuyển quốc gia và đại diện cho Việt Nam vẫn là ước mơ của em cũng như tất cả các vận động viên thể thao khác. Việc thành công mang về tấm Huy chương vàng cho nước nhà trong SEA Games 31 vừa qua, được mọi người công nhận thật sự là niềm vinh dự không thể diễn tả lại thành lời”.
Những áp lực vô hình
Dẫu biết thành công là vậy nhưng đằng sau những thành công đó, dù trong bất kể bộ môn nào cũng chứa những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Sự khốc liệt trong việc cạnh tranh, tai tiếng phải mang chắc chỉ những người trực tiếp tham gia mới có thể cảm nhận rõ ràng nhất.
“Khi có ý định trở thành game thủ, mẹ mình không ủng hộ và phản đối, mình đành phải giấu mẹ và tiếp tục theo đuổi đam mê. Người ủng hộ mình nhiều nhất trên con đường này chỉ có chính bản thân mình thôi”, Đinh Dương Thành “Rabiz”, tuyển thủ đội VietNam 1, Huy chương bạc nội dung đồng đội bộ môn PUBG mobile tại SEA Games chia sẻ.
Bên cạnh những áp lực về tinh thần còn có sự mệt mỏi về thể chất. Trong suy nghĩ của nhiều người, game thủ có môi trường làm việc thoải mái hơn các ngành nghề khác, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến thị giác, tâm lý do căng thẳng, tim mạch,...
Các vận động viên phải tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt trong sinh hoạt hằng ngày để bảo đảm được sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Khi mà phải bỏ ra từ 5 đến 12 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần luyện tập để thi đấu, các tuyển thủ còn livestream để giao lưu với người hâm mộ và kiếm thêm thu nhập.
“Trước khi được triệu tập về Saigon Phantom, tôi một lúc phải làm hai nghề để vừa kiếm sống, vừa nuôi đam mê. Vấp ngã có, suy nghĩ từ bỏ có nhưng bằng một cách nào đó tôi đã vượt qua và ngày nay khi nghĩ lại thì cảm thấy bản thân đã đúng không bỏ cuộc, thành công tựa như một giấc mơ vậy”, Lai Bâng, tuyển thủ môn Liên quân mobile nói.
Rào cản lớn dành cho những người có ý định theo đuổi con đường game thủ chuyên nghiệp là thu nhập. Hoặc là vinh quang và trở nên giàu có, hoặc là vô danh với mức lương bèo bọt. Để có được một mức lương ổn định buộc các người chơi phải cố gắng, rèn luyện và ghi được dấu ấn đối với các lò đào tạo.
Được biết tại Việt Nam, mức trợ cấp ban đầu cho người mới thuộc Vietnam Esport chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng cùng với tiền thưởng cho từng giải đấu. Tuy nhiên, khi trình độ, kỹ năng đi lên đồng nghĩa với thu nhập cũng sẽ đi lên, có thể lên đến những con số không tưởng. Điển hình như “thần rừng” Đỗ Duy Khánh bộ môn Liên minh huyền thoại có tháng không dưới 80 triệu đồng. Còn trên thế giới, tuyển thủ Notail (quốc tịch Anh, 28 tuổi) của môn Dota 2 đã nhận được mức lương “như trong mơ” lên tới 7 triệu USD/năm, tức là gần 163 tỷ đồng.
Không nói quá khi còn những định kiến về trò chơi điện tử từ các bậc phụ huynh, đây là một trong những trở ngại mà các game thủ gặp phải trong thời gian đầu. Thực tế có một vài cá nhân không làm chủ được bản thân mà đi sai với mục đích, dẫn đến tình trạng con sâu làm rầu nồi canh, khiến Esports chưa được nhìn nhận một cách tích cực.
Những định kiến và áp đặt càng mang tính khắt khe hơn khi vận động viên tham gia thể thao điện tử là nữ. Những câu nói “con gái con đứa cả ngày chỉ chơi game” như đã quá quen với Lương Khánh Hòa (22 tuổi, thành viên của đội Liên minh huyền thoại: Tốc chiến nữ). Những cô gái sẽ còn phải cố gắng hơn rất nhiều khi đang ở thế thiểu số trong thể thao điện tử, chứng minh cho niềm tin và con đường họ đã chọn.
Định hướng đúng đắn
Nhưng dù trong bất kỳ ngành nghề nào, sự hỗ trợ từ gia đình vẫn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người. Hiện tại, hầu hết các tuyển thủ thể thao điện tử đều còn rất trẻ, từ 18-25 tuổi, chính vì vậy càng cần có những định hướng, ủng hộ từ phía gia đình.
Khảo sát 80 phụ huynh có con trong độ tuổi đang học cấp II, cấp III, kết quả cho thấy có 97,3% số người biết trong SEA Games 31 có môn thể thao điện tử, 65,7% số người biết Esports đã đem về huy chương, điều này cho thấy mức độ phổ biến khá cao. Tuy nhiên, số người chấp nhận cho con làm game thủ là 48% với những lý do xưa cũ như: “Không có tương lai”, “thu nhập không ổn định”, “không đem lại tiếng nói”… Điều này không có gì quá ngạc nhiên khi mà Esports còn là một bộ môn quá mới.
Cô Nguyễn Thị Tình (Hưng Yên) chia sẻ: “Thật ra là cô không đồng ý cho con chơi game chứ chưa nói gì đến làm game thủ. Những học sinh, sinh viên ở nông thôn như quê cô dính vào game nó sa ngã rất nhiều. Nó bỏ bê việc học hành, đâm ra mình không đồng ý”.
Cùng ý kiến, cô Trần Gia Linh (Nam Định) cho biết: “Cô không đồng ý, việc trở thành game thủ chuyên nghiệp rất khó, trừ khi bạn có năng khiếu hơn người cùng với niềm đam mê”.
Trên thực tế, ngành nghề nào cũng có đặc thù riêng và đều phải cạnh tranh cao. Với sự mong manh về tâm sinh lý ở độ tuổi, việc cấm cản các em sẽ chỉ tạo thêm áp lực. Theo nhiều ý kiến, việc cần làm là vừa định hướng, vừa đồng hành để các em có nhận thức sáng suốt nhất, hết lòng toàn tâm toàn ý vì đam mê, cũng chính từ sự ủng hộ và định hướng tốt từ gia đình, các em mới có thể chứng minh năng lực bản thân.
Chia sẻ từ cô Nguyễn Thanh Vân (TP Hồ Chí Minh), làm ngành nghề các con không thích thì các con cũng không làm được, không có năng lượng để làm. Thế nên việc các con biết mình muốn gì là rất tốt, còn các phụ huynh nên giúp các con chứng minh năng lực trong việc đó, trong ngành nghề nào cũng vậy. Cùng với đó là định hướng sau chuyên nghiệp cho các con, khi mà tuổi nghề ngắn, cần khai thác các thế mạnh sau khi giải nghệ. Điều này cần có sự đồng nghiên cứu giữa cha mẹ và con cái.
“Mình sẽ ủng hộ các con, nhưng sẽ phải sát sao hơn. Ở đây là việc đưa các con về lại đúng quỹ đạo khi đi sai lệch. Mình phải cân bằng cho các con giữa game và văn hóa, thể chất, các môn văn hóa chung là nền tảng cơ bản để vào đời của một học sinh sau tuổi 18. Dù làm gì cũng phải quyết tâm và chứng minh được năng lực”, chú Lê Hồng Sơn, hiện đang công tác tại Văn phòng Chính phủ chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, thể thao điện tử vẫn là một mảnh đất màu mỡ và rộng lớn có thể khai thác nhiều tiềm năng. Thực tế đã chứng minh, Esport đã sống và phát triển mạnh mẽ hơn ngay cả trong đại dịch. Cộng thêm hiện nay, nước ta đã có những quy định pháp lý và chính sách liên quan cho Esport, tạo điều kiện cho ngành phát triển. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm các tổ chức đào tạo chuyên ngành về Esports và các lĩnh vực liên quan để thể thao điện tử được phát triển văn minh, chuyên nghiệp.