Sản phẩm OCOP nên được phát triển từ những tiềm năng, lợi thế nào của địa phương?

NDO - Sản phẩm OCOP nên lựa chọn và ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm truyền thống cũng như các sản phẩm mới được hình thành dựa trên nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Viên tinh nghệ mật ong Hoàng Mai, 1 sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Nhật Quang)
Viên tinh nghệ mật ong Hoàng Mai, 1 sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Nhật Quang)

Sản phẩm OCOP nên được phát triển từ những tiềm năng, lợi thế nào của địa phương? (Bùi Việt Phương, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng. Do đó, sản phẩm OCOP nên lựa chọn và ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm sau:

Thứ nhất là sản phẩm truyền thống: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương; đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống.

Thứ hai là sản phẩm mới: Các sản phẩm mới được hình thành dựa trên nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc.

Trong đó, ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được các nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến từ các đặc sản, nguyên liệu địa phương nhằm thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm.