Rừng Dự án Jica 2 “trồng” trên cả đường nhựa, hồ nước

Sau 6 năm nghiệm thu, Dự án trồng rừng Jica 2 của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị cơ quan chức năng phát hiện lập hồ sơ khai khống nhiều héc-ta. Thậm chí, khai khống đến mức có một số héc-ta của dự án này được “trồng” trên cả đường nhựa, hồ nước.
Hồ nước ở Thung Khiển bị khai khống rừng dự án Jica 2.
Hồ nước ở Thung Khiển bị khai khống rừng dự án Jica 2.

Năm cơ quan chức năng vào cuộc

Dự án trồng rừng Jica 2 (Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Jica 2) có từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Dự án được trồng hỗn giao bằng cây lát hoa, sao đen và lát hoa, keo theo thiết kế lát hoa, sao đen 550 cây/ha; lát hoa, keo 1.100 cây/ ha. Cây cách cây 3 mm, hàng cách hàng 3 m.

Dự án triển khai từ năm 2014-2015 trên 336 ha đất rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ. Năm 2017-2018 dự án kết thúc và nghiệm thu. Dự án chi ba mức đơn giá khác nhau tùy theo địa hình đất rừng phòng hộ, bình quân gần 30 triệu đồng/ha cho các công đoạn giống cây, trồng, chăm sóc, bảo vệ. Trước khi nghiệm thu dự án, nhiều đoàn công tác trong và ngoài tỉnh về kiểm tra nhưng không ai phát hiện được những dấu hiệu làm hồ sơ khống, đặc biệt sự cố rừng “trồng” trên đường nhựa và hồ nước.

Mới đây, từ phản ánh về những dấu hiệu làm giả hồ sơ, khai khống nhiều héc-ta trong hồ sơ trồng rừng của BQLRPH Tân Kỳ gây bức xúc dư luận, ngày 25/11/2022 UBND huyện Tân Kỳ gửi Công văn số 2098/UBND-NN đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An, kiến nghị sở này xác minh hiện trạng rừng Jica 2 để làm rõ phản ánh gây xôn xao dư luận. Theo đó, Sở NN&PTNT Nghệ An yêu cầu Chi cục Kiểm lâm vào cuộc. Sau một tháng tổ chức kiểm tra và xác minh bằng công tác nội nghiệp và ngoại nghiệp, ngày 30/12/2022 Chi cục Kiểm lâm Nghệ An báo cáo kết quả kiểm tra lên Sở NN&PTNT Nghệ An về những vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại đây.

“Trồng” rừng cả trên đường nhựa, hồ nước

Báo cáo kiểm tra số 1094/BC-CCKL ngày 30/12/2022 của Chi cục Kiểm lâm cho biết: Sau khi kiểm tra, xác minh 165,23 ha tại vùng rừng thuộc Trạm Thung Khiển (cách trụ sở BQLRPH 40 km), phát hiện trạng thái rừng đúng hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng (BVR) năm 2019 là 83,58 ha. Trạng thái rừng không đúng hồ sơ là 65,25 ha vì không có rừng dự án. Trong diện tích này có 22 lô sai lệch trạng thái so với thực tế hơn 70%, thậm chí có ba lô O-Q3-Z thuộc tiểu khu 864 gồm hơn 10 ha sai lệch 100%, nghĩa là không có một bóng cây sao đen hoặc keo hoặc lát hoa của dự án Jica 2.

Tại ba lô này, hồ sơ giao khoán BVR là cây sao đen, keo và lát hoa, keo nhưng thực tế kiểm tra cho thấy chỉ có rừng già, núi đá, rừng tự nhiên, lau lách và cây chuối. 19 lô còn lại, hồ sơ giao khoán BVR là lát hoa, keo hoặc sao đen nhưng thực tế chỉ có rừng tự nhiên, rừng già, cam, quýt và lau lách.

Cụ thể hơn: Tại lô p, tiểu khu 864, hồ sơ giao khoán BVR là 4,90 ha. Thực tế xác minh chỉ có 0,62 ha rừng dự án còn 4,22 ha rừng tự nhiên và rừng già. Cũng tại tiểu khu này, lô M3 khoảnh 7, hồ sơ giao khoán BVR là 4,90 ha. Thực tế xác minh chỉ có 0,4 ha có rừng dự án, còn 4,50 ha là rừng tự nhiên, cây đã cao khoảng 5-6 m. Tại khoảnh 3, tiểu khu 850B đoàn công tác kiểm tra 6 lô. Tổng diện tích theo hồ sơ giao khoán BVR là 21,53 ha rừng lát hoa, keo nhưng thực tế chỉ có 9,03 ha rừng dự án, còn lại 12,53 ha là rừng tự nhiên…

Đặc biệt, tại lô q, khoảnh 5, tiểu khu 846 có 4 ha hồ sơ giao khoán BVR là sao đen, keo nhưng thực tế chỉ có 3,04 ha đúng hồ sơ giao khoán còn 0,96 ha là… đường nhựa và mét, rừng tự nhiên hai bên quãng đường nhựa này (đây là quãng đường nhựa vào trạm Thung Khiển có từ năm 2014, nay bỗng dưng được “thiết kế” là đất rừng trồng dự án Jica 2).

Sau sai phạm về dự án Jica 2 nêu trên, kết luận kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An còn chỉ ra sai phạm về công tác bảo vệ rừng tự nhiên cũng bị khai khống. Cụ thể, tại khu vực địa bàn xã Kỳ Tân, tổng diện tích xác minh theo hồ sơ giao khoán BVR năm 2019 là 45,83 ha. Trong đó, trạng thái rừng đúng hồ sơ là 29,43 ha. Trạng thái rừng không đúng hồ sơ là 16,40 ha. Số ha này là rừng của người dân mới trồng nhưng vẫn được BQLRPH khai là rừng tự nhiên để lập hồ sơ thanh toán tiền bảo vệ rừng của Nhà nước từ năm 2019. Đây là vùng rừng tự nhiên đã mất từ lâu nhưng không được BQLRPH Tân Kỳ báo cáo mà còn lập hồ sơ khống để thanh toán tiền bảo vệ rừng.

Tạm gác lại kết luận kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm, chúng tôi vào Thung Khiển để tận mắt nhìn thấy hồ nước và khoảnh rừng cây quýt tại lô G, khoảnh 3, tiểu khu 846. Lý do, trong biểu thống kê hiện trạng rừng giao quản lý BVR năm 2019 thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế BVR của BQLRPH Tân Kỳ, ghi lô G có 4,85 ha được nghiệm thu 100% là lát hoa, keo nhưng dư luận cho rằng, chỉ có 2 ha lát hoa, keo, còn lại 1 ha rừng tự nhiên và gần 2 ha là hồ nước.

Chủ nhân của 4,85 ha này là ông Nguyễn Đình Đệ. Ông Đệ không nói nhiều về vùng rừng do ông nhận khoán nhưng trả lời câu hỏi của chúng tôi về thời điểm xuất hiện hồ nước trong 4,85 ha nêu trên, ông Đệ nói: “Hồ nước có từ năm 2016, là do tôi đắp đập, biến thung lũng giữa hai mái núi thành hồ chứa nước để tưới cho cây”. Như vậy, sau sự cố biến một khúc đường nhựa thành rừng dự án thì BQLRPH Tân Kỳ biến hóa tiếp hồ nước này thành vùng rừng trồng lát hoa, keo.

Trao đổi những nội dung này với ông Đinh Văn Hải, Trưởng BQLRPH Tân Kỳ nhưng ông Hải không chấp nhận những dẫn chứng nêu trên là sai phạm. Ông Hải cho rằng, “kết luận của đoàn kiểm tra Chi cục Kiểm lâm chưa chính xác, BQLRPH Tân Kỳ chưa đồng tình”. Về hồ nước, ông Hải cho rằng khi nước dâng lên thì mặt hồ có diện tích 1,3 ha còn khi chưa có nước thì chỉ 0,98 ha. Diện tích trồng rừng dự án trên hồ được tiến hành năm 2014. Năm 2015 do nắng nóng nên 50% cây trồng bị chết. Năm 2018 BQLRPH Tân Kỳ đã trồng bù. Riêng kinh phí dự án chi cho 1 ha từ khi trồng đến khi nghiệm thu thì ông Hải chỉ nhớ có ba mức chi tùy theo từng vùng dự án nhưng cụ thể giá trị từng mức là bao nhiêu tiền, ông Hải nói: “Tôi không nhớ. Còn việc đúng hay sai thì phải chờ kết luận điều tra của Công an tỉnh”.

Có vẻ như ngay cả những kết luận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cộng với ý kiến của người dân tại địa phương vẫn chưa đủ sức “thỏa mãn” đối với ông Hải! Tuy nhiên xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc, hồ sơ đã được Sở NN&PTNT Nghệ An chuyển sang cơ quan Công an Nghệ An. Dư luận tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung hy vọng sẽ sớm có những kết quả công tâm, phân định trách nhiệm của các bên. “Nỗi oan khiên” của đường nhựa, hồ nước bị đặt sai chỗ sẽ sớm đi đến hồi kết!

Sẽ xử lý rất nghiêm các sai phạm

“Tháng 8 năm nay tôi mới nhận nhiệm vụ tại Sở NN&PTNT Nghệ An. Ngay từ khi mới về, tôi đã chỉ đạo Thanh tra sở lập đoàn đi xác minh dư luận tại BQLRPH Tân Kỳ nhưng đoàn chưa kịp làm việc thì Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An vào cuộc theo đơn tố giác tội phạm. Hiện công an đã thu giữ một số hồ sơ, tài liệu liên quan tại BQLRPH Tân Kỳ. Về phía sở, chúng tôi đã giao Chi cục Kiểm lâm và Đoàn quy hoạch Lâm nghiệp phối hợp với cơ quan công an khi có yêu cầu. Chờ có kết luận điều tra của cơ quan công an, Sở sẽ xử lý nghiêm túc theo từng sai phạm. Xử lý sẽ rất nghiêm”.

(Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An)