Sôi động thị trường nghệ thuật nội địa
Phòng trưng bày nghệ thuật D&C Gallery & Luxury Decor (phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thành lập năm 2017, là điểm quen thuộc cho những người yêu nghệ thuật. Ở đây trưng bày các tác phẩm hội họa đa chất liệu, sáng tác theo nhiều phong cách và trường phái của các họa sĩ trong nước.
Nhà sưu tập Trần Cường, sáng lập phòng trưng bày cho biết: Hiện nay, xu hướng người Việt Nam sưu tập các tác phẩm nghệ thuật chiếm khoảng 80% lượng khách hàng, trong khi trước đây, tỷ lệ người nước ngoài chiếm 60-70%. Thời kỳ Việt Nam đang chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến ít người có nhu cầu sưu tầm tranh, ảnh. Tác phẩm của các họa sĩ Đông Dương, kháng chiến hay đương đại đa phần bán cho khách nước ngoài. Hiện nay, công chúng yêu thích nghệ thuật trong nước dần trẻ hóa, văn hóa toàn cầu đưa nghệ thuật len lỏi vào đời sống, người Việt quan tâm, thích thú sưu tầm tranh ảnh và tác phẩm nghệ thuật. Hướng đến văn hóa và nghệ thuật thuần Việt, tại phòng trưng bày này, nhà sưu tập Trần Cường đã bố trí một không gian thưởng trà, mà ở đó vừa giới thiệu các sản phẩm trà của Việt Nam, vừa là nơi tiếp đón những người yêu văn hóa, nghệ thuật đến giao lưu, trải nghiệm.
Cùng chung nhận định về thực trạng thị trường nghệ thuật hiện nay, giám tuyển nghệ thuật Ace Lê nhìn nhận, về mặt thị trường, từ những năm 1990, số lượng nhà sưu tập quốc tế chiếm 90% trong khi chỉ khoảng 10% là nhà sưu tập nội địa. Hiện nay, tỷ lệ này đã đảo ngược với 70% nhà sưu tập nội địa. Nguyên nhân một phần do nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt, đáp ứng được bài toán cung-cầu, tạo lợi thế để các nghệ sĩ Việt Nam đối thoại được với “tệp” khách hàng trong nước, vừa có cơ hội bước ra khu vực và thế giới. Hệ sinh thái nghệ thuật từ giám tuyển, phòng tranh, không gian nghệ thuật và truyền thông… theo đó cũng chuyển hướng phục vụ khách hàng nội địa. Nhiều nghệ sĩ lựa chọn các sáng tác đậm chất Á Đông, bản địa hóa chủ đề phục vụ người tiêu dùng nghệ thuật nội địa.
Những thông tin trên cho thấy sự dịch chuyển và tiềm năng của thị trường mỹ thuật nước nhà. Nghệ thuật được lan tỏa, trở nên gần gũi với công chúng. Cộng đồng người Việt yêu tranh ảnh, hội họa đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội để nghệ sĩ Việt Nam tự tin sáng tác và tham gia vào thị trường nghệ thuật. Nhu cầu trang trí nhà cửa, khả năng thụ cảm mỹ thuật và điều kiện kinh tế nâng lên. Thay vì mua những bức tranh chép hay tranh ảnh nhập từ Trung Quốc thiếu bản sắc, thiếu thẩm mỹ, người yêu nghệ thuật chủ động gặp gỡ, trao đổi với họa sĩ, đặt hàng các tác phẩm phù hợp không gian trưng bày. Các trung tâm nghệ thuật và triển lãm trên địa bàn Thủ đô thu hút công chúng với các chương trình art tour (trải nghiệm nghệ thuật), đấu giá, giao lưu, nói chuyện giữa nghệ sĩ, giám tuyển và công chúng…
Thay đổi hoàn toàn chiến lược sản xuất và kinh doanh, không phụ thuộc vào các đơn đặt hàng xuất khẩu như thời điểm trước dịch Covid-19, là hướng đi của họa sĩ Đặng Cao Cường, chủ xưởng chế tác sơn mài trang trí và tranh sơn khắc tại làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, gia đình anh không còn nguồn thu từ xuất khẩu. Xác định lại nhu cầu tiêu dùng của các khách hàng, anh nhận thấy bản chất người Việt Nam chi tiêu tốt, sẵn sàng chi trả nếu họ thích. Từ đó, họa sĩ Đặng Cao Cường chủ động thiết kế, sáng tạo mẫu mã và xây dựng các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước. Đồ nội thất và con giống sơn mài do xưởng chế tác rất “được lòng” khách Việt. Với thói quen mua sắm vào dịp cuối năm và xu hướng mua đồ con giống (con giáp) để trưng bày, trang trí và làm quà tặng, anh chuyển hướng chủ đề sáng tác mỗi năm. Từ sáng tác tranh treo tường, họa sĩ Đặng Cao Cường ứng dụng sơn mài truyền thống vẽ lên cánh tủ, mặt bàn, làm mới đồ cũ phù hợp không gian nội thất hiện đại. Nhận thấy khách hàng Việt bắt đầu để ý đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm nghệ thuật, đặc biệt là dòng tranh sơn mài truyền thống, anh cho ra mắt các sản phẩm văn hóa bản địa kết hợp chất liệu sơn mài truyền thống mang vẻ đẹp hiện đại, vừa hấp dẫn lại gần gũi. Hiện tại sản phẩm của xưởng sản xuất chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng mỹ nghệ trên một số tuyến phố ở Hà Nội. Ngoài ra, chương trình trải nghiệm làm sản phẩm sơn mài tại không gian làng nghề Hạ Thái của gia đình anh thu hút rất đông học sinh và du khách.
“Người Việt đi du lịch Việt” - không chỉ là khẩu hiệu
Chỉ trong vài năm, những tour du lịch thám hiểm hang động, lặn biển, bay dù lượn, đu dây vượt thác… trước kia đón phần lớn khách quốc tế, thì nay ngày càng phổ biến đối với người Việt.
Là đơn vị tham gia khá sớm trong mảng sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, hoạt động thể thao mạo hiểm, Umove Adventure (trụ sở tại Hà Nội) đang khai thác mạnh các tour du lịch kết hợp thể thao dưới nước như chèo SUP (ván đứng) tại hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sông Nho Quế (Hà Giang), thám hiểm Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An)… Hiện nay, Umove Adventure cung cấp đa dạng từ tour leo núi, tour SUP và kayak, tour hang động, tour xe đạp, tour dã ngoại các vườn quốc gia với nhiều cấp độ dành cho nhóm du khách trẻ đến khách gia đình, trại hè thiếu nhi. Anh Trần Trung Kiên - Giám đốc điều hành Umove Adventure cho biết: Thời gian qua, một xu hướng nổi bật của du lịch nội địa là vui chơi, trải nghiệm tại các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc du lịch sinh thái gần các thành phố lớn. Hè này đơn vị ghi nhận lượng khách Việt Nam đặt tour chiếm tới 85%. Những khách Việt chọn các loại hình này ưa thích khám phá, chấp nhận chi trả cao cho trải nghiệm chất lượng và độc đáo. Tuy nhiên, cần nắm bắt một số đặc điểm riêng như người Việt ưa đi ngắn ngày, độ khó ít hơn, thích chụp ảnh, quay phim… để nghiên cứu, thiết kế các tour phù hợp. Ngoài Umove, hầu hết công ty du lịch chuyên loại hình dã ngoại, thể thao như Oxalis (Quảng Bình), Tổ Ong (TP Hồ Chí Minh), Thái Nguyên Adventure (Thái Nguyên)… đều chú trọng đầu tư trang thiết bị và đạo cụ, tập huấn và yêu cầu hướng dẫn viên các kỹ năng hỗ trợ khách ghi lại hình ảnh đẹp về chuyến đi.
Mặc dù có ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ (mùa hè là cao điểm), song anh Kiên nhận định, tỷ lệ khách nội địa quan tâm, ưa chuộng du lịch dã ngoại, du lịch thể thao mạo hiểm sẽ còn tăng. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch văn hóa, khám phá lịch sử cũng đáng chú ý với các trào lưu trên mạng xã hội của cộng đồng trẻ. Theo khảo sát của nền tảng du lịch trực tuyến Klook mới đây, 62% du khách Việt cho biết, họ sẵn sàng chi nhiều hơn cho hoạt động thăm bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa địa phương. Điều này có được nhờ nhiều khu di tích, bảo tàng đã có sáng kiến, nỗ lực trong cải thiện trải nghiệm du lịch, số hóa từ khâu bán vé tới trưng bày, truyền thông hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ tới công chúng trong nước, chẳng hạn tại Hà Nội là Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia…
Khai thác thị trường du lịch nội địa được xem như “chìa khóa” cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam. Tệp khách trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự bứt phá của ngành du lịch. Theo số liệu công bố ngày 8/7 của Cục Du lịch quốc gia, 6 tháng đầu năm ngành du lịch Việt Nam phục vụ 66,5 triệu lượt khách nội địa, riêng trong tháng 6 có 14 triệu người Việt đi du lịch trong nước. Nhờ sản phẩm phong phú và đổi mới, những gói kích cầu hấp dẫn và cách quảng bá hiệu quả, lượng khách nội địa tăng nhanh qua từng tháng. Từ tháng 4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”, được nhiều địa phương trên cả nước tích cực hưởng ứng. Sở Du lịch Hà Nội khởi xướng chương trình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao” với mức giá ưu đãi, chính sách linh hoạt nhằm thu hút người dân Thủ đô và du khách trong mùa hè, mùa thu năm 2024 và dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Đà Nẵng, thành phố biển miền trung luôn dẫn đầu về lượng khách du lịch nội địa, cũng tổ chức loạt lễ hội mùa hè sôi động nối tiếp nhau và ra mắt chương trình kích cầu từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9 dành cho du khách từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung dần phục hồi sau đại dịch và công nghiệp văn hóa được đề cao hơn bao giờ hết, thị trường nội địa đang chứng minh là điểm tựa bền vững, thiết yếu cho ngành du lịch, mỹ thuật nước nhà. Ẩn chứa cơ hội và tiềm năng để khai phá, phát triển thị trường nghệ thuật và du lịch nội địa vừa là xu thế, vừa là đòn bẩy để thiết kế, đóng gói các sản phẩm hấp dẫn mang dấu ấn thương hiệu Việt để phục vụ người tiêu dùng nội địa.