Ra trận mùa xuân!

Khác với nếp cũ, các đội tuyển chuẩn bị cho Giải vô địch thể thao châu Á (Asian Games 2018) chỉ cho phép mình nghỉ Tết mang đúng nghĩa “tranh thủ”, thậm chí nhiều tuyển thủ xác định sẵn tinh thần “không có Tết”. Và, trong số họ, có người đã kịp “thu hoạch” được những thành quả huy hoàng, ngay trên ngưỡng cửa mùa xuân.

Ra trận mùa xuân!

Với đội tuyển đua thuyền (rowing) nữ Việt Nam, chuyện quanh năm xa nhà, ngày ngày phơi mặt gò lưng chèo thuyền trên hồ đua sông Giá (Hải Phòng) là hết sức quen thuộc. Thế nhưng, năm nay, họ thậm chí không được nghỉ ngày nào. Ngoại trừ chiều 30 và sáng mồng một, các nữ tuyển thủ vẫn vác thuyền ra sông bình thường, bất chấp thời tiết có lúc xuống dưới 10 độ. Dù Ban huấn luyện cũng chuẩn bị đầy đủ các món ăn truyền thống ngày Tết, song những cô gái đua thuyền cũng chỉ dám “ăn gọi là” cho có hương vị, vì còn phải giữ cân.

Không thể về Ðà Nẵng với chồng cùng con gái nhỏ, nỗi nhớ nhà của Phạm Thị Huệ chỉ có thể vơi đi phần nào bằng những cuộc điện thoại “để nhìn thấy chồng, để nghe con hát”. Huệ còn đỡ, chứ với cô em người Quảng Trị Hồ Thị Lý mới chỉ lên tuyển hai năm, nỗi nhớ còn da diết gấp bội. Song, tựa vào nhau, họ - tân binh cũng như cựu binh - vượt lên tất cả. Sau đợt tập huấn xuyên Tết, đội tuyển rowing nữ Việt Nam đã lên đường sang Ô-xtrây-li-a để dự Giải vô địch châu Á.

“Không có Tết” không phải là chuyện riêng của bất kỳ ai. Ðại kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm vừa trải qua lần thứ tám trong sự nghiệp đón Tết xa nhà. Với “kình ngư” Ánh Viên, cũng đã là lần thứ bảy liên tiếp. Năm nay, Viên còn có thêm một người cùng cảnh khác là tay bơi 16 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn mới sang Mỹ tập huấn dài hạn.

Và “đường ra trận mùa xuân” cũng khá “đông vui”! Ngày 26 tháng Chạp, cua-rơ Nguyễn Thị Thật (ảnh) vẫn còn tranh tài trên đất Mi-an-ma để giành tấm HCV châu Á lịch sử cho xe đạp Việt Nam. Mãi chiều 29 tháng Chạp, Thật mới có mặt ở nhà, sum vầy với gia đình đến chiều mồng ba Tết lại lên Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh “hội quân”. Tương tự, nhà vô địch thế giới karatedo Nguyễn Thị Ngoan mãi 28 tháng Chạp mới về đến Hà Nội sau tour du đấu châu Âu. Nếu Ban tổ chức giải Pháp mở rộng không thay đổi kế hoạch, dĩ nhiên, Ngoan sẽ xuất ngoại đấu giải đúng dịp Tết.

Tay vợt trẻ Nguyễn Văn Phương là tuyển thủ Việt Nam duy nhất vẫn thi đấu ở nước ngoài đúng ngày mồng một, chính xác hơn là cả bốn ngày Tết. Gương mặt 17 tuổi này có tour du đấu ở tận Nam Mỹ, qua ba nước Pa-ra-goay, Cô-lôm-bi-a và Cô-xta Ri-ca.

Có mặt tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội (vẫn được ví như “đại bản doanh” của Thể thao Việt Nam) vào sáng mồng sáu Tết, dù trời mưa lạnh, dù không khí mùa xuân còn ở khắp nơi, song có cảm giác như các đội tuyển quốc gia đã bỏ lại tất cả để dốc hết tâm sức cho việc tập luyện, chuẩn bị cho Asian Games vào tháng 8 tới. Ðội tuyển vật có mặt sớm nhất, và bước ra thảm tập ngay từ sáng mồng bốn, trong khi các đội tuyển khác đều hội quân đầy đủ vào sáng mồng sáu. Trên 500 tuyển thủ của 19 đội tuyển quốc gia, không thiếu mặt một ai.

Một sức nóng, một khí thế hừng hực đã hiện diện từ ngoài sân điền kinh, trường bắn súng, cho đến các phòng tập của các đội judo, karatedo, silat, cử tạ, thể dục dụng cụ... Một ngày tập ngay sau kỳ nghỉ Tết chẳng khác gì một ngày tập bình thường, hay lúc cao điểm cho một cuộc đấu quyết định. Như lời khẳng định của Phó Tổng cục trưởng TDTT Trần Ðức Phấn: Mỗi nhà quản lý huấn luyện, mỗi tuyển thủ đều hiểu rằng cần phải lập tức “chạy đua với thời gian”, bằng quyết tâm nỗ lực cao độ và cách thức đặc biệt.

HLV đội tuyển thể dục dụng cụ nam Trương Minh Sang cho biết: Các tuyển thủ trước khi về nghỉ Tết vẫn được giao giáo án tự tập luyện thêm tại nhà. Và các thành viên Ban huấn luyện vẫn thay nhau bám sát tình hình các học trò trong những ngày Tết. Trong khi đó, nhà đương kim vô địch nhảy xa châu Á Bùi Thu Thảo “thú nhận” rằng mình đón Tết “rất vui song vẫn lo”, “có khi chỉ mong Tết qua mau để trở lại tập luyện ngay”. Những ngày nghỉ Tết tại quê với gia đình, Thảo vẫn dành ít nhất một tiếng mỗi ngày để tự tập, với người trợ lý và cổ động viên chính là ông chồng trẻ hết lòng ủng hộ vợ.

So với quá khứ gần, khi nếp nghỉ ngơi hay “tập đủng đỉnh” cho đến hết tháng Giêng còn phổ biến, đây có thể coi là một bước đột phá, theo hướng chuyên nghiệp hiện đại. Thậm chí, ngay từ cuối năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục cũng đã hoàn tất lên cả một kế hoạch, với quy trình chặt chẽ, biện pháp quyết liệt cho đến tận Asian Games.

Rõ ràng, chỉ tiêu giành tối thiểu ba HCV tại Asian Games 2018 với ngành thể thao sẽ là một thử thách lớn, đòi hỏi không chỉ nỗ lực tột độ mà cả may mắn. Thế nhưng, hơn tất cả, khi chứng kiến sự sẵn sàng ở mức cao nhất của các đội tuyển cho cuộc chinh phục “đỉnh cao châu lục”, có lẽ không người hâm mộ nào không thấy ấm lòng…