Rà soát, bổ sung trường hợp nghỉ hưu sớm

Tuổi nghỉ hưu của người lao động đang được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm bốn tháng cho đến năm 2035 đối với lao động nữ; mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến năm 2028 với lao động nam…
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn cho người lao động tại trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN
Tư vấn cho người lao động tại trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN

Mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu

Thời gian vừa qua, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, nội dung tuổi nghỉ hưu và điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Bà Nguyễn Thu Thủy, công nhân ở Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, điều bản thân bà và rất nhiều công nhân khác quan tâm hiện nay chính là tuổi nghỉ hưu. Đến hiện tại, bà Thủy đã đóng bảo hiểm xã hội được 16 năm. Nếu theo quy định về tuổi nghỉ hưu cũ, bà chỉ cần đóng thêm 4 năm nữa rồi xin nghỉ chờ 3 năm sau, khi đủ 55 tuổi là được nhận lương hưu, nay bà phải chờ đến 60 tuổi. Bà Thủy cho biết, bản thân là công nhân may, mắt tiếp xúc ánh đèn sáng lại phải ngồi liên tục nên từ ngoài 40 tuổi bà đã có hiện tượng lóa mắt, đau mỏi vai gáy và các khớp gối. Đến ngoài 50 tuổi, phần lớn công nhân sức khỏe đều giảm sút, hiếm ai cố gắng làm được đến 55 chứ đừng nói 60 tuổi. Nếu chẳng may mất việc cũng chẳng thể cố đi làm tiếp đủ 20 năm. Nữ công nhân mong muốn tuổi nghỉ hưu giảm về 55 như trước sẽ rất có lợi cho người lao động, tránh rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Đi làm chỉ mong lúc nào cũng ổn định, thuận lợi đến khi nghỉ hưu nhưng sức khỏe yếu không cho phép, công nhân mới xin nghỉ. Nếu tuổi nghỉ hưu là 55, chúng tôi còn có thể chờ được, nhiều người chưa đóng đủ cũng cố gắng đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu”, bà Thủy nói. 60-62 tuổi người lao động mới được nghỉ hưu, nếu nghỉ làm hoặc mất việc ngoài 45, họ rất khó có khả năng xin việc hoặc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do vậy, không ít công nhân tuổi trung niên chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Trung (Nghệ An) cũng cho rằng, người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần vì không thể chờ đến tuổi hưu. Mặt khác, ông Trung cho hay, tuổi nghỉ hưu cũng đang bị cào bằng. “Nếu làm việc như cơ quan nhà nước, tôi mới có thể gắng được đến ngoài 60 tuổi, còn làm công nhân thì không thể”, ông Trung khẳng định. Ông Trung cho rằng, công nhân làm 6 ngày/tuần, làm việc luôn tay chân, bụi bặm, nóng bức, “đuổi hàng” tăng ca đêm, có những lĩnh vực công nhân phải đứng nhiều giờ đồng hồ, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi... “Công nhân lao động trực tiếp cần có tuổi nghỉ hưu thấp hơn người dùng đầu óc làm việc”, ông Trung đề xuất.

Hiện tại, ông Trung đã đóng bảo hiểm xã hội được gần 10 năm. Ông chỉ dự tính làm thêm ba năm nữa rồi nghỉ hẳn công ty làm việc tự do, dù thu nhập thấp ông cũng chấp nhận. Nếu cần đến tiền trước thời gian nghỉ hưu, ông Trung sẽ rút một lần, nếu không, ông sẽ giữ nguyên, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu.

Tại báo cáo tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, có hơn 54.000 người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện liên thông với chính sách bảo hiểm bắt buộc thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm giống nhau. Thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng dồn. Theo Bộ LĐ-TB&XH, điều này tạo điều kiện cho người lao động linh hoạt, tiện lợi chuyển đổi giữa hai loại hình bảo hiểm xã hội phù hợp với quan hệ lao động, nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người.

Tuy nhiên, thời gian qua, bộ, ngành, cơ quan có liên quan đánh giá, chính sách chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bên cạnh đó, nhiều lao động phản ánh, quy định phải đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài. Điều đó khiến nhiều người lao động không đủ động lực để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Rà soát, bổ sung trường hợp nghỉ hưu sớm ảnh 1

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Sửa đổi, bổ sung danh mục nghề

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn trả lời cử tri một số địa phương về những kiến nghị liên quan đến chính sách hưu trí. Cụ thể, cử tri kiến nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp; cho phép một số ngành nghề đặc thù nghỉ hưu sớm như giáo viên mầm non, người làm công việc quản lý, bảo vệ rừng...

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, chế độ hưu trí hay được gọi là chế độ tuổi già, là một trong các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm nguồn thu nhập hằng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, người lao động để được hưởng lương hưu hằng tháng phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó bảo đảm sự cân đối và bền vững lâu dài của quỹ.

Vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư ngày 23/5/2018. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó Điều 169 và Điều 219 quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm ba tháng đối với lao động nam và bốn tháng đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.