1/Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô phấn khởi: Nay trên địa bàn xã có nhiều tập thể, hộ gia đình làm ăn giỏi. Loay hoay mãi với những khó khăn thì cũng có ngày bứt ra khỏi nghèo khó. Đồng bào cần có thời gian để vừa làm vừa thay đổi kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, kỹ năng trong chăn nuôi, trong sản xuất, để điều chỉnh, đúc rút kinh nghiệm, để thành thạo, quen việc.
Từng thực hiện nhiều vai trò khác nhau ở thôn bản. Giờ đây ông Hồ Văn Tốt, dân tộc Vân Kiều, Bí thư Chi bộ thôn Cây Tăm, xã Vĩnh Ô còn có thêm chức vụ mới là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Cây Tăm. Không phải ngẫu nhiên mà ông Tốt giữ nhiều vị trí quan trọng “bậc nhất” ở thôn bản, mà đó là quá trình hành động của ông. Từ một hộ gia đình khó khăn như bao gia đình Vân Kiều khác ở mảnh đất nghèo khó Vĩnh Ô, ông Tốt cần cù lao động, làm và đúc rút kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay hộ gia đình ông Tốt đã có 4 ha tràm, lúa nước, trồng chuối và đàn gia súc lớn với 12 con trâu bò.
Ông Tốt đem thành công của mình tuyên truyền và vận động người dân cùng làm. Tính vốn hiền lành, chất phác, hay giúp đỡ mọi người lại biết làm ăn nên ông Tốt được người dân tin yêu giao giữ nhiều trọng trách. Tâm sự với chúng tôi về điều này, ông nói: So với đồng bằng thì hộ làm kinh tế giỏi trong đồng bào còn học hỏi nhiều nhưng thành quả hôm nay là cố gắng lớn, có được thì đồng bào cũng ít người có, mình làm được thì bày cho mọi người cùng làm. Được hộ nào thoát nghèo thì hay hộ nấy, đồng bào Vân Kiều ở Cây Tăm cũng như Vĩnh Ô ngày nay đỡ vất vả nhiều rồi. So với ngày trước điều kiện thuận lợi hơn nhiều, thiếu vốn ngân hàng cho vay ưu đãi, Nhà nước còn hỗ trợ cây, con giống, phương tiện, công cụ cho đồng bào sản xuất, kinh doanh.
Từ một người nông dân chân lấm tay bùn được đề cử làm giám đốc, ban đầu ông Tốt không dám nhận vì xem trên ti-vi, giám đốc họ toàn mặc áo đẹp, đi họp hành, quản lý nhiều người lắm. Sau khi chính quyền địa phương giải thích thì ông Tốt hiểu ra “chỉ dẫn, quản lý mọi người làm nông nghiệp thì bố làm được, cứ gọi Giám đốc thì sợ không làm được”.
2/HTX Nông nghiệp Cây Tăm mà ông Tốt làm Giám đốc có 8 thành viên, được thành lập từ cuối tháng 3/2023. Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô cho hay: HTX Nông nghiệp Cây Tăm là HTX trồng chuối theo tiêu chuẩn Vietgap. Dự án này thuộc kế hoạch nghiên cứu thử nghiệm vùng sản xuất chuối tại 3 xã miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh theo Đề án số 2050/ĐA-UBND ngày 12/11/2021 của UBND huyện về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kinh phí thực hiện dự án tại thôn Cây Tăm gần 365 triệu đồng, trong đó ngân sách từ huyện hỗ trợ hơn 343 triệu đồng, người dân đối ứng 21 triệu đồng.
Ông Hồ Văn Sanh, dân tộc Vân Kiều, thành viên HTX Nông nghiệp Cây Tăm hồ hởi: Ban đầu ủi đất trồng mấy cây chuối nhỏ, chăm sóc và nhìn nó lớn từng ngày, giờ cây chuối phát triển tốt, cây cao ngang người nhìn thích hung. Một số hộ dân thấy cây chuối phát triển tốt nên trồng thêm, giờ diện tích hơn 3 ha rồi.
Niềm hy vọng của ông Tốt, ông Sanh, ông Luân, chị Ngủi, chị Phương… được di dưỡng từng ngày qua những tàu chuối xanh, mầu xanh ngút ngàn đó làm chúng tôi không muốn rời đi dù trong cái nắng cuối tháng vẫn còn gay gắt lắm. Việc hình thành vùng sản phẩm rất có ý nghĩa đối với đồng bào, đặc biệt là đồng bào Vân Kiều ở Vĩnh Ô, Vĩnh Linh. Từ diện tích chuối này sẽ tạo nên vùng sản phẩm chuối chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho thị trường nông sản trong tương lai sắp tới.
Được biết, HTX trồng giống chuối tây Thailand gồm chuối Thái, chuối sứ Thái, có hiệu quả kinh tế cao. Sau khi xuống giống chỉ từ 10 - 12 tháng có thể cho thu hoạch và khai thác liên tục trong vòng 5 - 7 năm mới phải trồng lại. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã trồng được hơn 2,8 ha chuối hơn 6 tháng tuổi, cây phát triển rất tốt, dự báo năng suất đạt được cao.