Giáo dục Nghệ An bứt phá

Những năm gần đây, được sự quan tâm của địa phương, ngành giáo dục Nghệ An đã thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc các đề án bảo đảm chất lượng giáo dục, từ đó tạo điều kiện cho các trường học có động lực nâng cao chất lượng giáo dục và bứt phá.
Một tiết học ở Trường tiểu học xã Cẩm Sơn, huyện miền núi Anh Sơn.
Một tiết học ở Trường tiểu học xã Cẩm Sơn, huyện miền núi Anh Sơn.

1/Trước năm 2020, với thành tích không đạt như ý muốn, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng như ngành giáo dục đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền, chất lượng đại trà, ngoại ngữ ở khu vực miền núi cũng như cơ sở vật chất liên quan.

Trăn trở với những vấn đề đặt ra, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành một số Nghị quyết, đề án cùng cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển giáo dục Nghệ An. Trong đó, Ðề tài “Triển khai mô hình bảo đảm chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Nghệ An"; Đề án "Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030"; Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” được xem là những đề án xương sống để ngành GD&ĐT Nghệ An tạo bước đột phá. Đặc biệt, Ðề tài “Triển khai mô hình bảo đảm chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Nghệ An” được xem là đề án tiên phong, đi đầu cả nước của ngành Giáo dục Nghệ An trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Từ đó, nhà trường cam kết mức tối thiểu chất lượng giáo dục với học sinh, phụ huynh với cơ quan quản lý cấp trên và đề ra kế hoạch và giải pháp thực hiện. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết: “Trong bốn năm thực hiện các đề án trên, lãnh đạo ngành giáo dục đã chỉ đạo các bậc học đi vào nề nếp việc đổi mới phương pháp thi và đánh giá theo phẩm chất và năng lực. Việc tư vấn hỗ trợ cho các nhà trường trong cách thức tổ chức, điều hành dạy học theo phẩm chất và năng lực đã dần đi vào thực chất. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn đời thường nhưng đội ngũ giáo viên các trường học, nhất là các trường miền núi đã thật sự tâm huyết, yêu nghề với triết lý của giáo dục Nghệ An là giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương nên giáo dục Nghệ An dần dần đã gặt hái được nhiều thành công”.

2/Chúng tôi có dịp về Trường THPT Đô Lương 3, một trường làng ở huyện Đô Lương bởi phần đa học sinh ở đây là con nhà nông dân. Điểm đầu vào lớp 10 của trường thuộc tốp trung bình nhưng chất lượng đầu ra - điểm thi tốt nghiệp THPT luôn đạt tốp đầu của Nghệ An. Trong hai năm 2023 và 2024, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của trường đều đứng thứ 5 toàn tỉnh và vượt cam kết giữa nhà trường với ngành giáo dục. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, trường có 1 em đã đạt thủ khoa tốt nghiệp toàn tỉnh và một em thủ khoa đại học khối D00; có 6 em đạt điểm cao được UBND tỉnh Nghệ An khen thưởng... Thầy Vương Trần Lê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đạt được những kết quả trên, thầy cô nhà trường đã dành toàn sức, toàn tâm cho học sinh. Nếu như ở những trường có đầu vào chất lượng cao nỗ lực một thì với các thầy cô, học sinh trường làng chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi để đạt được kết quả như thế. Chỉ tính riêng trong phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024”, ngoài thời gian ôn tập theo chương trình chính khóa, các thầy cô ở đây còn dạy gần 130 tiết ôn luyện miễn phí cho các em. Thầy cô còn trao đổi bài vở với các em qua mạng xã hội vào buổi tối, có lúc kéo dài đến tận đêm khuya.

Sự tận tâm, nhiệt huyết của giáo viên được xem là một trong những “đặc sản” của các trường THPT ở Đô Lương nói riêng và Nghệ An nói chung. Em Nguyễn Thị Hoài Linh, học sinh lớp 12D1 có tổng điểm thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh Nghệ An và đứng thứ 9 cả nước, chia sẻ: “Sau mỗi buổi học, em thường trao đổi với giáo viên những nội dung mà mình chưa nắm rõ. Thời gian ở nhà, em thường dành thời gian lên trên mạng đọc sách, báo, tài liệu để mở rộng kiến thức. Việc thường xuyên trao đổi những thắc mắc, các đề bài khó với cô giáo vào bất kỳ thời gian nào đã giúp em bổ sung, củng cố kiến thức”.

Năm học mới lại bắt đầu, phía trước còn nhiều thách thức, phát huy những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục Nghệ An tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các đề án nâng cao chất lượng giáo dục để giữ vững những thành quả đã đạt được về chất lượng đại trà cũng như mũi nhọn để xứng danh đất nghèo nuôi chí học.

Tỉnh Nghệ An cùng ngành giáo dục còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết thêm: Được sự quan tâm của tỉnh, ngành, nhà trường đã thu hút được nhiều sinh viên giỏi, từng là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của trường về giảng dạy.