Hơn 1,2 triệu giáo viên được tăng lương
Năm học mới này, đội ngũ giáo viên và nhân viên trường học đón niềm vui mới. Đó là tăng lương và vẫn giữ nguyên phụ cấp thâm niên. Theo Kết luận số 83-KL/T.Ư ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng đến hơn 2,3 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 30%), giúp thu nhập qua lương của nhà giáo (gồm lương cơ bản + phụ cấp) cũng tăng thêm khoảng 30%.
Theo Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ, việc tăng lương thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao công sức của những người ngày đêm tận tụy với sự nghiệp “trồng người”. Lương tăng cải thiện đời sống giáo viên và còn tạo động lực để họ tiếp tục cống hiến và nâng cao chất lượng giảng dạy, hạn chế tình trạng bỏ việc, chuyển việc ở giáo viên.
Trước ngày khai giảng, mẹ con cô giáo Vũ Thị Thanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tranh thủ đi mua sắm cho năm học mới. Chồng cô Thanh mất đã lâu, cậu con trai càng lớn càng cần nhiều chi phí cho sinh hoạt và học tập. Là giáo viên mầm non, bận bịu từ sáng đến tối muộn nên cuộc sống của hai mẹ con dù thiếu thốn, cô cũng khó sắp xếp thời gian đi làm thêm. Lần tăng lương này, cô có thêm 2 triệu đồng. “Tôi rất phấn khởi. Với mức tăng lương cơ sở mới, tôi được 10,3 triệu đồng, cuộc sống của hai mẹ con sẽ tốt hơn”, cô Thanh chia sẻ.
Với lần tăng lương cơ sở này, các giáo viên lâu năm có thể tăng thêm từ 4-5 triệu đồng/tháng. Cô Hoàng Thu Nga, giáo viên THCS tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nói: “Tôi công tác trong ngành được 22 năm. Tính từ thời điểm chưa tăng lương, cao nhất được 12,8 triệu đồng nhưng đến thời điểm này thì lương được 16,7 triệu đồng. Mức tăng này sẽ là động lực cho chúng tôi tiếp tục cống hiến”. Cô giáo Lê Thị Thương dạy môn phụ ở trường tiểu học (TH) thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội) tâm sự: “Trước đây, để có thêm thu nhập, tôi phải làm thêm, bán hàng online hoặc là trong dịp nghỉ hè thì dạy bơi cho các câu lạc bộ vì tôi là giáo viên thể dục. Sau khi được tăng lương, tôi thấy cải thiện hơn rất nhiều”.
Hơn 1,2 triệu giáo viên đã được nhận mức lương cao hơn so với trước. Tuy nhiên, hiện nay, giáo viên mầm non vẫn phải nhận mức lương thấp nhất so các cấp khác. Theo đó, giáo viên mầm non có mức lương khởi điểm là hơn 4,9 triệu đồng. Giáo viên TH, THCS, THPT sẽ là gần 5,5 triệu đồng. Dù đã tăng thì mức lương này khó hấp dẫn người trẻ đến với nghề giáo ở giai đoạn này. Một giáo viên trẻ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Người trẻ nói chung cũng như giáo viên trẻ nói riêng đang chi tiêu nhiều cho việc lập gia đình, học tập nâng cao chuyên môn và nuôi con nhỏ nên với mức lương dù đã tăng vẫn khó xoay xở cho cuộc sống ngày càng đắt đỏ”.
Cô giáo cởi mở, gần gũi trong ngày đầu học sinh đến lớp. Ảnh: TTXVN |
Xây dựng đạo luật riêng cho nhà giáo
Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/T.Ư của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Cần phải thể chế hóa chủ trương “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp” một cách bền vững khi xây dựng Luật Nhà giáo”.
Dự thảo Luật Nhà giáo đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử chính phủ để xin ý kiến rộng rãi. Trước đó, Bộ cũng đã gửi văn bản tới các bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, 63 tỉnh, thành phố để xin ý kiến góp ý, đặc biệt là tất cả nhà giáo bằng các hình thức phù hợp. Đến nay, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 59 tỉnh, thành phố; 14 bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ với sự tham gia của hơn 800 nghìn nhà giáo. Trong đó, chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo để nhà giáo bảo đảm cuộc sống, yên tâm cống hiến cho nghề là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, mục tiêu xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng một đạo luật riêng cho nhà giáo. Bởi, hiện nhà giáo đang được quy định tại Luật Viên chức đối với nhà giáo công lập và Bộ luật Lao động đối với nhà giáo ngoài công lập. Nhà giáo là viên chức nhưng phải được coi là viên chức đặc biệt, nhà giáo là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt. Đặc biệt ở trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ; đặc biệt trong tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật.
Hiện nay, nhà giáo đang chiếm một tỷ lệ lớn, trong đó nhà giáo công lập chiếm tới 70% hưởng lương công chức Nhà nước và nhà giáo ngoài công lập có tỷ lệ ngày càng tăng. Do đó, quy định của Luật Nhà giáo sẽ có tác động rất lớn tới đội ngũ nhà giáo. Luật ra đời không chỉ để quản lý nhà giáo mà còn để xây dựng đội ngũ này giỏi hơn; tạo một khí thế mới, động lực mới, cơ chế mới, khác đi và mạnh hơn để nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề, hơn thế là có động lực để cống hiến cho nghề.
Thực tế vấn đề “lương nhà giáo cao nhất” không phải là chủ trương mới, Nghị quyết 29 từ hơn 10 năm qua đã từng đề cập và khi xây dựng Luật Giáo dục 2019, nội dung này cũng được đưa vào dự thảo. Nhưng trước khi trình Quốc hội thông qua, đã phải rút lại với lý do không đủ nguồn lực để thực hiện. Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập làm căn cứ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành cho phù hợp với thực tiễn; đề xuất trong Luật Nhà giáo các quy định lương và phụ cấp của nhà giáo phù hợp với tinh thần Kết luận 91- KL/T.Ư ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giúp nhà giáo tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm công tác đồng thời làm cơ sở xây dựng chính sách tiền lương mới khi Luật Nhà giáo được thông qua.
Kết luận số 91-KL/T.Ư ngày 12/8 của Bộ Chính trị cũng đề cập: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD&ĐT; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho GD&ĐT phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.