Sinh ra từ làng
Hùng Lô giờ không chỉ là mang tên một xã thuộc TP Việt Trì mà còn là một thương hiệu mì gạo được nhiều người ưa thích.
Anh Cao Đăng Duy, Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô cho biết, năm 2004 làng nghề làm mì gạo Hùng Lô được công nhận là làng nghề truyền thống, tuy nhiên người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trong TP Việt Trì. Sau khi lăn lộn với một vài nghề không thành công, anh Duy đã quyết định trở về làng và quyết tâm phát triển nghề quê hương. Đến năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Duy đã vận động được 12 hộ dân thành lập HTX Mì gạo Hùng Lô. Năm 2017 đánh dấu một bước phát triển lớn của mì gạo Hùng Lô khi được công nhận nhãn hiệu tập thể và bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn OCOP.
Chia sẻ về nét đặc trưng của sản phẩm mì gạo quê hương, anh Duy cho biết, có sự đặc biệt hơn như giữ được hương vị thơm của gạo, sản phẩm dẻo và dai, khi nấu lên không bị nát. Bằng trực quan có thể thấy sợi mì đang phơi nắng bẻ cũng không gãy, rất dẻo dai. Để có được sự khác biệt trên, mì gạo Hùng Lô phải trải qua một công đoạn tuy nhỏ nhưng hết sức quan trọng đó là chải mì hay còn gọi vui là "làm đẹp". Chải giúp cho các sợi mì suôn ra và không dính lại với nhau, khi nấu sợi không bị cứng.
Là Giám đốc nhưng anh Duy cũng xắn tay áo vào làm cùng công nhân bất kể thời gian nào rảnh. “Hiện nay máy móc đã giúp tiết kiệm nhân công hơn rất nhiều tuy nhiên vẫn không thể thiếu được bàn tay của người thợ. Họ làm việc từ rất sớm để có thể phơi mì trước tia nắng bình minh và đóng gói sản phẩm khi mặt trời lặn”, anh Duy chia sẻ.
Vươn mình ra thế giới
Từ khi sản phẩm mì gạo Hùng Lô được công nhận OCOP 4 sao đã có rất nhiều khởi sắc trong sản xuất và kinh doanh. Anh Duy cho biết, sản lượng đã tăng từ 2,5 tấn/ngày lên 3 tấn/ngày, khách hàng nhiều nơi biết đến và được xuất hiện nhiều hơn trong hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart.
Từ năm 2022 HTX đã kết nối để đưa mì gạo Hùng Lô vươn ra thị trường thế giới. Lô hàng đầu tiên đến Nhật Bản rất thành công, được phía đối tác đánh giá cao. Không dừng lại ở đó, anh Duy đã tiếp tục kết nối và đưa sản phẩm đến với thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.
Ông Mohammad Naeen, Giám đốc Công ty Netherland All 4 Trade cho biết: "Thông qua sàn thương mại điện tử tôi biết đến mì gạo Hùng Lô và tôi đã đến trực tiếp xưởng để tham quan và chất lượng của sản phẩm rất tốt. Tôi mong muốn mang được sản phẩm này đến thị trường châu Âu theo các kênh phân phối đã có sẵn trong thời gian tới".
Trên đà phát triển, người dân làng Hùng Lô đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới bằng sự kết hợp các nông sản địa phương có thể kể đến như mì dưa hấu, mì gạo lứt, mì rau ngót, mì bí đỏ với tiêu chí lưu giữ được hương vị truyền thống của làng nghề xưa, phục vụ nhiều hơn đối tượng khách hàng. Bà Nguyễn Thị Hoa, công nhân HTX Mì gạo Hùng Lô chia sẻ: "Công nhân ở đây chủ yếu là người địa phương, già có, trẻ có. Từ khi có công việc này tại HTX đã giúp chúng tôi cải thiện được kinh tế gia đình".
Sau 8 năm thành lập và phát triển, đến nay quy mô nhà xưởng của HTX khoảng 5.000 m2 và hiện có 16 xã viên, 35 lao động. Sản lượng đạt từ 40-50 tấn/tháng, doanh thu hằng năm đạt từ 20-25 tỷ đồng, hơn 40 tỉnh, thành phố cả nước đã có đại lý tiêu thụ và hướng đến năm 2025 tổng sản lượng tiêu thụ đạt 11.000 tấn/năm. Còn đối với anh Duy, một thành công khác đó chính là HTX đã giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của làng và tạo công ăn việc làm cho nhiều người địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Ích, Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, quảng bá để các hộ dân, các tổ chức, cá nhân tập trung vào phát triển các ngành nghề thủ công của địa phương. Đối với HTX Mì gạo Hùng Lô chúng tôi cũng đang chỉ đạo xây dựng hồ sơ sản phẩm “Mì sạch - Sinh ra từ làng” đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận trong năm 2024.